Đồng Nai đi đầu cả nước trong hỗ trợ đầu tư và xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu. Điểm nổi bật là các doanh nghiệp (DN), HTX đã nhận thức được tầm quan trọng của liên kết sản xuất với tiêu thụ trong giai đoạn hội nhập; đã hình thành nhiều chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Đồng Nai đi đầu cả nước trong hỗ trợ đầu tư và xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu. Điểm nổi bật là các doanh nghiệp (DN), HTX đã nhận thức được tầm quan trọng của liên kết sản xuất với tiêu thụ trong giai đoạn hội nhập; đã hình thành nhiều chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Dự án Cánh đồng lớn ca cao tại xã An Viễn, H.Trảng Bom. Ảnh: B.Nguyên |
Có được thành quả trên là do ngành Nông nghiệp Đồng Nai luôn chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ nhân rộng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Các địa phương trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút DN về đầu tư, xây dựng những chuỗi liên kết hiệu quả, bền vững.
* Nhân rộng chuỗi liên kết
Theo báo cáo Sở NN-PTNT, trong 9 tháng của năm 2022, trên địa bàn tỉnh có thêm 5 dự án liên kết được phê duyệt, 9 dự án đang hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt hỗ trợ. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 181 chuỗi liên kết với sự tham gia của 97 DN, 60 HTX, 31 cơ sở và hơn 12.540 hộ sản xuất. Trong đó, có 18 dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hỗ trợ và đang thực hiện; 163 chuỗi liên kết do các DN, HTX và nông dân chủ động thực hiện.
Một số mô hình chuỗi liên kết điển hình, hiệu quả kinh tế cao đã từng bước được triển khai nhân rộng. Cụ thể, chuỗi liên kết sản xuất, giết mổ, xuất khẩu gà vào thị trường Nhật Bản của Công ty TNHH Koyu & Unitek (Khu công nghiệp Long Bình, TP.Biên Hòa); chuỗi ca cao của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) với sản phẩm ca cao chế biến được chứng nhận OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 4 sao; chuỗi lúa của Công ty TNHH Lộc Trời (An Giang) quy mô 168ha với sự tham gia của 123 nông hộ trên địa bàn H.Định Quán; chuỗi bắp cây làm thức ăn chăn nuôi của HTX Đông Tây, H.Cẩm Mỹ với quy mô trên 400ha…
Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT TRẦN LÂM SINH, trong sản xuất, ngành Nông nghiệp quan tâm đến nhóm giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu lại các vùng sản xuất theo hướng phát triển những cây, con có lợi thế cạnh tranh, nhu cầu thị trường cần và hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến. Việc xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ được đặc biệt chú trọng để nông sản có đầu ra bền vững hơn trong giai đoạn hội nhập. |
Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ Lê Văn Quyết cho biết, nhờ tham gia chuỗi liên kết nuôi gà cung cấp cho DN xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản nên các thành viên của HTX được đảm bảo về lợi nhuận ngay cả những thời điểm giá gà công nghiệp giảm sâu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong giai đoạn áp lực cạnh tranh ngày càng tăng cao khi hội nhập sâu, chăn nuôi muốn tồn tại được phải tham gia chuỗi liên kết.
Ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức cho biết, kể từ khi thực hiện chuỗi liên kết với bà con nông dân, DN luôn cố gắng tạo điều kiện và hướng dẫn bà con chăm sóc cây ca cao đạt hiệu quả cao nhất. Nhờ đó, người dân yên tâm sản xuất, bởi sản phẩm đầu ra được DN bao tiêu với giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường.
* Chuyển đổi sản xuất hàng hóa lớn
Đồng Nai đang triển khai chương trình phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong giai đoạn hội nhập, mục tiêu của tỉnh là phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại; phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với thị trường; công nghiệp chế biến sâu và dịch vụ nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng.
Trong đó, ngành Nông nghiệp cũng chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp gắn với chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại, trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường trên cơ sở đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.
Dự báo trước tình hình khó khăn trong năm 2022, Sở NN-PTNT đã đề ra 10 giải pháp thực hiện để ngành Nông nghiệp vượt khó, tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng ổn định. Trong đó, việc hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất…
Bình Nguyên