Báo Đồng Nai điện tử
En

Lo ngại quảng cáo 'bẩn' trên không gian mạng

07:11, 24/11/2022

Thực tế hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp (DN), cá nhân kinh doanh trên thị trường đã ứng dụng quảng cáo, tiếp thị sản phẩm trên internet và mạng xã hội (Facebook, TikTok, YouTube, Zalo…) vào hoạt động kinh doanh và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Thực tế hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp (DN), cá nhân kinh doanh trên thị trường đã ứng dụng quảng cáo, tiếp thị sản phẩm trên internet và mạng xã hội (Facebook, TikTok, YouTube, Zalo…) vào hoạt động kinh doanh và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều quảng cáo xuất hiện tràn lan trên các kênh mạng xã hội như Youtube, TikTok rất khó để kiểm chứng chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, thậm chí có nhiều quảng cáo “rác” xuất hiện gây khó chịu, ức chế cho người xem… Ảnh minh họa: H.H
Nhiều quảng cáo xuất hiện tràn lan trên các kênh mạng xã hội như Youtube, TikTok rất khó để kiểm chứng chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, thậm chí có nhiều quảng cáo “rác” xuất hiện gây khó chịu, ức chế cho người xem… Ảnh minh họa: H.H

Song, bên cạnh các quảng cáo hấp dẫn, tích cực giúp người tiêu dùng có kênh tiếp cận sản phẩm, dịch vụ một cách trung thực thì vẫn tồn tại nhiều quảng cáo “bẩn”, tiềm ẩn rủi ro về sức khỏe cho người sử dụng, thậm chí quảng cáo sản phẩm, hình thức tài chính bất hợp pháp.

* Lợi bất cập hại

Với những tính năng vượt trội về sự truyền tải và lượng người dùng lớn, hiện nay internet và mạng xã hội được xem là công cụ quảng cáo hiệu quả, hỗ trợ DN/người bán tiếp cận, tương tác với khách hàng nhanh chóng thông qua những bài viết, hình ảnh quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của họ. Trong số đó có không ít quảng cáo “bẩn”, không đúng với thực tế, điều này không những làm mất lòng tin mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, nhất là các sản phẩm thực phẩm chức năng, thuốc, mỹ phẩm…

Bà T.T.A. (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) cho biết, bước qua tuổi 50, bà cảm thấy suy giảm về thị lực, xương khớp nên luôn muốn tìm, bổ sung các loại thực phẩm chức năng để cải thiện sức khỏe. Trong gần 2 năm qua, bà đã mua nhiều loại thực phẩm chức năng từ châu Âu đến châu Á, thậm chí các bài thuốc Đông - Tây y kết hợp nhưng không thấy hiệu quả. Gần đây, bà phải đi vật lý trị liệu và uống thuốc theo đơn của bác sĩ mới thấy giảm đau.

Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai PHẠM GIA HẢI chia sẻ, thời gian qua, tình trạng quảng cáo tràn lan trên không gian mạng về các loại thực phẩm, mỹ phẩm, hàng hóa… xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên, vấn đề kiểm chứng về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ khi mua các sản phẩm theo những quảng cáo trên không gian mạng vẫn còn bỏ ngỏ, thậm chí nhiều trường hợp quảng cáo không đúng sự thật, quảng cáo bị thổi phồng… Điều này rất cần các cơ chế, chế tài kiểm tra, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

“Trước mắt, để hạn chế trường hợp “tiền mất tật mang” khi mua sắm trực tuyến, nhất là mua hàng từ những quảng cáo trên không gian mạng, người tiêu dùng cần lưu ý những địa chỉ cung cấp uy tín, cũng như cần thỏa thuận kiểm tra hàng trước khi nhận và trả tiền, chủ động lưu lại hình ảnh sản phẩm trước khi nhận hàng để có thể đối chiếu khi có tranh chấp xảy ra… Đồng thời, kịp thời phản ánh những trường hợp vi phạm về quảng cáo sai sự thật, bị thổi phồng đến các cơ quan chức năng” - ông Hải chia sẻ thêm.

“Hiện tại, không chỉ giới trẻ mà người lớn tuổi như tôi cũng sử dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội khá thành thạo. Đánh trúng “độ tuổi” khai trên Facebook, thuật toán tìm kiếm trên internet nên rất nhiều người lạc vào “ma trận” quảng cáo trên không gian mạng. Để thuyết phục khách hàng, bên quảng cáo còn lồng ghép hình ảnh, ý kiến của các bác sĩ, người nổi tiếng để tạo niềm tin…, nhưng cái mà người tiêu dùng nhận được chỉ là những sản phẩm không mang lại hiệu quả như lời quảng cáo đưa ra” - bà T.A. chia sẻ.

Chị Ngọc Tiên (ngụ P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa) cho hay, ngày nay hình thức mua hàng trực tiếp đã chuyển dần sang trực tuyến (online) nên việc quảng cáo cũng đã có bước tiến mạnh mẽ sang môi trường internet, mạng xã hội. Là một người dùng thường xuyên của mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, theo chị Ngọc Tiên, bên cạnh những lợi thế và tiện ích như việc tiếp cận mua hàng nhanh, tính phản hồi/tương tác của người bán cao…, hình thức quảng cáo này cũng mang lại một số bất cập, ảnh hưởng đến quyền lợi, tâm lý của người tiêu dùng. Thời gian gần đây, sức nóng của TikTok Ads (quảng cáo qua ứng dụng TikTok) ngày càng tăng, nhất là tỷ lệ quảng cáo về thị trường thời trang, làm đẹp cho phái nữ độ tuổi từ 16-30. Mặc dù không có nhu cầu tìm kiếm, mua sắm trên ứng dụng này nhưng các video quảng cáo xuất hiện dày đặc, đeo bám người dùng khi cứ 3-4 video giải trí lại có 1 video quảng cáo kèm link bán hàng.

“Các video quảng cáo trên TikTok đa phần đều “thần thánh hóa” sản phẩm, mời các hot tiktoker khen hoặc chê các sản phẩm cùng phân khúc của một DN khác để tạo hiệu ứng lan truyền cao, thu hút người tiêu dùng tò mò mua dùng thử. Theo tôi, cần có giải pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi quảng cáo sai quy định để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các DN sản xuất, kinh doanh chân chính” - chị Ngọc Tiên nói.

* Vấn đề “nóng” trên nghị trường

Mới đây, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vào đầu tháng 11-2022, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã chia sẻ vấn đề các loại quảng cáo trên không gian mạng, ứng dụng giải trí hiện dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Đơn cử, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) đặt câu hỏi, trên các nền tảng và trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo hay TikTok, vấn nạn hàng giả, hàng nhái được chào bán một cách công khai. Đây là một vấn nạn cần phải siết lại, xử lý. Giải pháp trong thời gian tới để xử lý tình trạng này như thế nào?

Bên cạnh đó, một số ý kiến ĐBQH cũng cho rằng, việc lấy hình ảnh của người có ảnh hưởng, người nổi tiếng để ghép với sản phẩm quảng cáo, trong khi không mua, không dùng, không biết rõ chất lượng sản phẩm thế nào cần phải bị xử lý mạnh. Bởi sử dụng hình ảnh của họ mà không được phép để quảng cáo sản phẩm có thể làm oan người có ảnh hưởng. Thông thường, tâm lý người tiêu dùng tưởng người nổi tiếng đã quảng cáo là sản phẩm phải tốt thật nên tin tưởng mua và vô tình “tiền mất tật mang”.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận Facebook, YouTube hay các nền tảng xuyên quốc gia khác đang là nơi xuất hiện phổ biến nội dung quảng cáo không theo mong muốn. Tuy nhiên, việc nền tảng hoạt động dựa trên thuật toán khiến cơ quan quản lý rất khó phát hiện…

Trong quá trình rà soát thời gian qua, Bộ TT-TT đã phát hiện và yêu cầu gỡ khoảng 2 ngàn quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng vi phạm trên YouTube. Thậm chí, một số nhãn hàng có hành vi cắt ghép các bản tin của đài, báo thành quảng cáo thực phẩm chức năng. Bộ trưởng khẳng định đây là trường hợp vi phạm pháp luật và sẽ được tổng hợp để gửi Bộ Công thương, Bộ Y tế nhằm phối hợp xử lý. Trong công tác chứng thực thông tin, kiểm định chất lượng với những mặt hàng mang tính chất đặc thù, chuyên môn này, cần có sự vào cuộc, phối hợp của các bộ, ban, ngành chuyên môn để cùng chung tay xử lý vấn đề quảng cáo sai sự thật trên các nền tảng xuyên biên giới.

Hải Hà

Tin xem nhiều