Đồng Nai là một trong những tỉnh đi đầu thực hiện hiệu quả việc triển khai cấp mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Với lợi thế có diện tích sầu riêng lớn, tỉnh đang thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sầu riêng đặt vấn đề hợp tác với nông dân nhân rộng diện tích được cấp mã số vùng trồng để đáp ứng thị trường xuất khẩu.
Đồng Nai là một trong những tỉnh đi đầu thực hiện hiệu quả việc triển khai cấp mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Với lợi thế có diện tích sầu riêng lớn, tỉnh đang thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sầu riêng đặt vấn đề hợp tác với nông dân nhân rộng diện tích được cấp mã số vùng trồng để đáp ứng thị trường xuất khẩu.
Vùng trồng sầu riêng Phú An, H.Tân Phú. Ảnh: B.Nguyên |
Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc cần tháo gỡ trong xây dựng liên kết bền vững giữa nông dân và DN.
* Cấp thiết nhân rộng mã vùng trồng
Trước đây, các nước như: Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều đưa ra yêu cầu về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói với nông sản nhập khẩu. Sau khi Nghị định thư “Yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc” được ký kết giữa 2 bên, thị trường vốn dễ tính này cũng yêu cầu chỉ những vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp mã số mới đủ điều kiện xuất khẩu.
Hiện tổng diện tích sầu riêng của Đồng Nai có gần 9,2 ngàn ha với hơn 8 ngàn ha đang cho thu hoạch, sản lượng đạt khoảng 50,2 ngàn tấn/năm. Trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính chiếm khoảng 70%, còn lại 30% sản phẩm tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên đến nay, toàn tỉnh chỉ mới có 7 vùng trồng và 3 cơ sở đóng gói sầu riêng đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt với tổng diện tích sầu riêng hơn 533ha, chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh.
Bà Võ Thị Trúc Thanh, đại diện Cơ sở Đóng gói Thanh Trung (TP.Long Khánh) cho biết, việc xây dựng mã số vùng trồng cho trái sầu riêng hiện nay rất cấp thiết. Hiện cơ sở có 2 xưởng đóng gói sầu riêng tươi xuất khẩu với sản lượng lớn. Vụ thu hoạch tới, cơ sở gặp rất nhiều khó khăn trong đảm bảo sản lượng sầu riêng xuất khẩu vì diện tích mã số vùng trồng còn quá ít so với tổng diện tích sầu riêng. Cơ sở mong chính quyền TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai hỗ trợ cho DN, nông dân tăng nhanh diện tích sầu riêng được cấp mã số vùng trồng để đáp ứng về sản lượng của thị trường xuất khẩu. Cơ sở cũng mong muốn xây dựng được chuỗi liên kết với nông dân, với những vùng trồng sầu riêng đã được cấp mã số một cách bền vững.
* Doanh nghiệp “bắt tay” với nông dân
Trong mục tiêu nhân rộng mã số vùng trồng sầu riêng cung cấp cho thị trường xuất khẩu, nhiều DN xuất khẩu sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ các HTX, nông dân trồng sầu riêng thực hiện.
Bà Hoàng Thị Mỹ Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Hòa Hạnh (xã Bàu Trâm, TP.Long Khánh) chia sẻ, hiện công ty có 3 nhà máy đóng gói, sơ chế sầu riêng xuất khẩu. Trong đó, chỉ tính riêng nhà máy ở TP.Long Khánh có công suất 150 tấn/ngày, thu mua khoảng 90 ngàn tấn sầu riêng/năm. DN đã xây dựng một đội ngũ kỹ thuật viên để hướng dẫn người dân làm mã số vùng trồng nhằm đảm bảo sản lượng sầu riêng xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường khó tính khác. DN rất mong chính quyền địa phương hỗ trợ cho DN, HTX, nông dân xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng bền vững tại địa phương.
Tuy nhiên thực tế hiện nay, diện tích sầu riêng được cấp mã số vùng trồng còn hạn chế so với nhu cầu xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Các cơ sở, DN xuất khẩu sầu riêng phải cạnh tranh trong việc ký kết hợp đồng thu mua với nông dân, HTX đã có mã số vùng trồng.
Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc (TP.Long Khánh) cho biết, hiện có một thực tế là nông dân được cấp mã số vùng trồng và ký hợp đồng cung cấp cho DN đóng gói sầu riêng xuất khẩu nhưng khi thu hoạch lại không bán sầu riêng cho DN đã ký kết hợp đồng. Ông Tâm đặt vấn đề: “Nếu trước đó, nông dân ủy quyền mã số vùng trồng và ký hợp đồng bán sản phẩm cho một DN thì có thể bán và ủy quyền mã số vùng trồng cho DN khác hay không?”.
Giải đáp vấn đề này, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh nêu ví dụ, HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú An (H.Tân Phú) sau khi các xã viên thống nhất đã ký hợp đồng cung cấp sầu riêng cho 3 DN. Việc chọn lựa DN và nội dung thỏa thuận hợp tác, các xã viên trong HTX đã cùng bàn bạc, thống nhất. Nhưng sau khi đã ký kết hợp đồng với DN thì 2 bên phải tuân thủ theo nội dung hợp đồng đã ký kết. Đây cũng là giải pháp giúp hạn chế tình trạng mạo danh mã số vùng trồng khi tham gia thị trường xuất khẩu.
Dưới góc nhìn DN, bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Tiền Giang) chia sẻ, DN đang nỗ lực xây dựng chuỗi liên kết với các vùng trồng sầu riêng trên địa bàn Đồng Nai cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên khi triển khai vào thực tế, DN gặp một số khó khăn, trong đó, nông dân e ngại trong việc ủy quyền cho DN về mã số vùng trồng. Nhưng thực tế, việc ủy quyền cho DN đứng tên mã số vùng trồng thì DN sẽ có trách nhiệm hơn với HTX, với nông dân tham gia chuỗi liên trên tinh thần cùng nhau phát triển, chia sẻ lợi ích.
Hiện toàn tỉnh có 13 hồ sơ đăng ký mã số vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích gần 788ha. Trong đó, có 5 hồ sơ đã hoàn thiện gửi Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số, 4 hồ sơ đang hoàn thiện và 4 hồ sơ đăng ký chuẩn bị kiểm tra, đánh giá. Có 5 cơ sở đóng gói đã gửi hồ sơ; trong đó có 3 cơ sở đã hoàn chỉnh hồ sơ gửi Cục Bảo vệ thực vật và 2 cơ sở đang hoàn thiện hồ sơ. |
Bình Nguyên