Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm địa phương

07:10, 07/10/2022

Hiện nay, nhiều loại nông sản thế mạnh, sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) ở các địa phương trong tỉnh ngày càng được chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất. Nhưng trên thực tế, vấn đề đầu ra vẫn cần có phương án mang tính "dài hơi", bền vững.

Hiện nay, nhiều loại nông sản thế mạnh, sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) ở các địa phương trong tỉnh ngày càng được chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất. Nhưng trên thực tế, vấn đề đầu ra vẫn cần có phương án mang tính “dài hơi”, bền vững.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 264 tỉnh Cao Văn Quang (hàng trước, bìa phải) khảo sát thực tế tại HTX Nông nghiệp, dịch vụ thương mại thanh long Xuân Hưng (H.Xuân Lộc). Ảnh: H.Quân
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 264 tỉnh Cao Văn Quang (hàng trước, bìa phải) khảo sát thực tế tại HTX Nông nghiệp, dịch vụ thương mại thanh long Xuân Hưng (H.Xuân Lộc). Ảnh: H.Quân

* Cần thêm sự kết nối, hỗ trợ

Việc phát triển thương hiệu, xây dựng các chuỗi liên kết, các kênh quảng bá, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm đang trở thành một khâu quan trọng, thiết yếu trong chuỗi sản xuất và cung ứng hiện nay. Nhiều doanh nghiệp (DN), HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất trong tỉnh ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề này. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có nhiều DN nhỏ và vừa, HTX còn gặp một số khó khăn.

Việc bán hàng, tìm đầu ra cho các loại nông sản, hàng hóa địa phương của nhiều HTX, tổ hợp tác, đơn vị sản xuất vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các thương lái. Điều này dẫn đến giá bán dễ bị biến động, thiếu ổn định, nhất là sau những khó khăn từ đại dịch Covid-19.

Giám đốc HTX Nông nghiệp, dịch vụ, thương mại thanh long Xuân Hưng (H.Xuân Lộc) Nguyễn Văn Nga chia sẻ, HTX được thành lập từ giữa năm 2019. Trong quá trình hoạt động, HTX đã triển khai thực hiện chuỗi liên kết và ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm trên cây thanh long với các hộ dân tham gia chuỗi liên kết trên địa bàn các xã Xuân Hưng, Xuân Tâm với 57 hộ và tổng diện tích tham gia khoảng 72ha. HTX được địa phương hỗ trợ thực hiện xây dựng theo chuẩn VietGAP, sản phẩm thanh long của HTX đã có nhãn hiệu hàng hóa thanh long Xuân Hưng.

“Đầu ra của sản phẩm còn thiếu ổn định do giá thanh long liên tục trồi sụt, nhất là sau đại dịch Covid-19 giá thanh long xuống thấp, ảnh hưởng đến thu nhập của thành viên trong chuỗi cũng như HTX. Để xây dựng đầu ra ổn định, HTX mong muốn được hỗ trợ kết nối xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ bền vững” - ông Nga cho biết thêm.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Bích Lệ, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (H.Nhơn Trạch), một trong những đơn vị chủ thể sản phẩm OCOP của tỉnh chia sẻ, một trong những khó khăn của HTX là nguồn nguyên liệu về sen của HTX dần bị thu hẹp. Hơn thế nữa, phát triển thương hiệu, tìm kiếm các nhà phân phối để quảng bá sản phẩm, cũng như tìm các kênh tiêu thụ ổn định là vấn đề mà HTX phải tính toán lâu dài, mong muốn có thêm nhiều sự hỗ trợ, kết nối sản phẩm từ các sở, ngành và địa phương.

Ngoài ra, nhiều DN, HTX còn mong muốn có thêm sự hỗ trợ về vay vốn, hỗ trợ để chuyển giao, nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng xanh, hiện đại, tạo các kênh kết nối sản xuất và tiêu thụ bền vững, khép kín.

Ông Trần Kim Sơn, đại diện trang trại trồng nấm mối đen của Công ty TNHH Thực phẩm công nghệ sinh học nấm Đất Việt (H.Long Thành) cho hay, trang trại chú trọng phát triển mô hình trồng nấm sạch, có giá trị thương phẩm cao. Điều này đòi hỏi sự đầu tư về công nghệ, trang thiết bị theo hướng hiện đại. Do đó, vấn đề nguồn vốn để xây dựng, phát triển mô hình là rất quan trọng. Để xây dựng chuỗi liên kết, cần có phương án hỗ trợ tiếp cận vay vốn để các hộ nông dân tham gia chuỗi.

* Chú trọng chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ bền vững

Ban Chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (Ban Chỉ đạo 264) tỉnh vừa thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam gắn với triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TU ngày 16-3-2022 của Ban TVTU và khảo sát các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh.

Một mô hình sản xuất nấm mối đen tại xã Cẩm Đường (H.Long Thành). Ảnh: H.Quân
Một mô hình sản xuất nấm mối đen tại xã Cẩm Đường (H.Long Thành). Ảnh: H.Quân

Các đoàn này do trưởng, phó trưởng ban Ban Chỉ đạo 264 tỉnh làm trưởng đoàn cùng với các thành viên Ban Chỉ đạo 264 tỉnh, đại diện các đoàn thể, sở, ngành, đơn vị và các hội, hiệp hội về khảo sát thực tế tại các địa phương để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các đơn vị đang thực hiện chuỗi liên kết sản xuất trên địa bàn tỉnh. Từ đó, phối hợp đề xuất những giải pháp triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản tại các địa phương trong tỉnh.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi nhận định, vấn đề xây chuỗi liên kết “ngang” giữa các hộ sản xuất đang được nhiều đơn vị, HTX thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, về phát triển chuỗi liên kết theo “chiều dọc” để kết nối giữa các đơn vị sản xuất với nhà cung ứng, tiêu thụ hàng hóa thì vẫn còn gặp khó khăn, thiếu tính ổn định. Trong thời gian tới, Sở NN-PTNT sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh các phương án hỗ trợ để phát triển các chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa địa phương mang tính bền vững, giảm bớt phụ thuộc vào các khâu trung gian trong quá trình cung ứng, tiêu thụ. Trong đó, sẽ tăng cường hỗ trợ đưa các sản phẩm thế mạnh, sản phẩm OCOP của địa phương vào chuỗi siêu thị, chuỗi bán lẻ lớn, phát triển các kênh quảng bá, kết nối sản phẩm địa phương trên các kênh thương mại điện tử, trực tuyến, kết nối sản phẩm địa phương với các loại hình du lịch sinh thái…

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 264 tỉnh Vũ Đình Trung chia sẻ, để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa, nông sản địa phương, ban chỉ đạo 264 ở địa phương cần đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, quảng bá, giới thiệu nông sản, hàng hóa địa phương; chú trọng các phương án hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất hàng hóa địa phương để góp phần nâng cao thương hiệu, phát triển các chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ ổn định, bền vững…

Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 264 tỉnh CAO VĂN QUANG đề nghị ban chỉ đạo 264 các địa phương cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đẩy mạnh hỗ trợ DN, HTX, đơn vị sản xuất ở địa phương trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã, mở rộng thị trường, chú trọng các hoạt động xây dựng thương hiệu, bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu cho hàng hóa, nông sản địa phương.

Đặc biệt, cần hỗ trợ hình thành và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, sản phẩm thế mạnh, sản phẩm OCOP của địa phương; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại để các sản phẩm hàng hóa địa phương đến gần hơn nữa với người tiêu dùng.

Hải Quân

Tin xem nhiều