Đồng Nai xếp thứ 6 cả nước về thu ngân sách nhà nước và năm 2022 dự tính sẽ thu được hơn 55,2 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng chi ngân sách cho tỉnh lại thấp nhất trong Top 10 tỉnh, thành đứng đầu cả nước và thấp nhất vùng tứ giác kinh tế ...
Đồng Nai xếp thứ 6 cả nước về thu ngân sách nhà nước và năm 2022 dự tính sẽ thu được hơn 55,2 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng chi ngân sách cho tỉnh lại thấp nhất trong Top 10 tỉnh, thành đứng đầu cả nước và thấp nhất vùng tứ giác kinh tế (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu).
H.Long Thành rất cần nguồn vốn lớn để đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối với Sân bay Long Thành. |
UBND tỉnh vừa có văn bản số 8400/UBND-KTNS gửi Bộ Tài chính đề nghị tăng tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách Đồng Nai từ 45% lên 48% trong giai đoạn 2023-2025 để tỉnh có thêm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế của Đồng Nai tăng trưởng cao sẽ góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.
* Chi cho người dân thấp nhất khu vực
Đồng Nai có diện tích hơn 5,9 ngàn km2 và dân số khoảng 3,2 triệu người, đông thứ năm trong cả nước. Tỉnh nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm của Đông Nam bộ, đóng góp lớn vào thu ngân sách của cả nước. Do đó, Đồng Nai rất cần nguồn ngân sách lớn để thực hiện các công trình, cung cấp phúc lợi cho người dân trên địa bàn như: giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao… Đồng thời, tỉnh cần nguồn vốn để đầu tư phát triển, duy trì hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm tăng thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài (FDI).
Ngày 21-10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính về tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2025. Theo đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính quan tâm, xem xét chấp thuận tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2025 từ 45% lên 51% nhằm tạo điều kiện cho tỉnh hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2023-2025 mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao phó. P.V |
Tuy nhiên, với việc liên tục giảm tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách tỉnh dẫn đến Đồng Nai có mức chi cho một người dân thấp nhất trong vùng tứ giác kinh tế và nhiều tỉnh, thành khác. Cụ thể, mức chi cho người dân chỉ đạt 6,7 triệu đồng/người dân, bằng 33% so với Quảng Ninh và 40% so với Bà Rịa - Vũng Tàu. Với Bình Dương, chi cho người dân đạt 7,4 triệu đồng/người, TP.HCM là 9,1 triệu đồng/người.
Với nguồn lực ngân sách được phân bổ hạn chế như hiện nay, Đồng Nai gặp khó khăn trong việc tiếp tục duy trì, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư.
Vừa qua, trong các hội nghị về kết nối vùng để phát triển kinh tế, TS. Trần Du Lịch nhiều lần đề xuất, Vùng Đông Nam bộ có đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế của cả nước, thu ngân sách. Do đó, Chính phủ nên xem xét tăng tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về cho ngân sách địa phương để có thêm nguồn lực đầu tư kết nối hạ tầng kỹ thuật, tạo đột phá trong phát triển kinh tế. Khi kinh tế của khu vực Đông Nam bộ phát triển, sẽ đóng góp lớn hơn cho ngân sách nhà nước.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, hiện Đồng Nai rất cần nguồn vốn lớn để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối với Cảng hàng không Quốc tế Long Thành mới phát huy được hiệu quả khi Cảng hàng không đi vào hoạt động giai đoạn 1 vào năm 2025. Trong đó, có những dự án quan trọng như: 4 tuyến đường bộ kết nối với Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng cho đường Vành đai 3, 4, cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu với tổng kinh phí ước 60 ngàn tỷ đồng.
* Hứa hẹn nguồn thu lớn
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu Đồng Nai được tăng tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về cho ngân sách địa phương ngang bằng các tỉnh, thành khác như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Ninh Bình… Khi tỉnh có thêm nguồn lực, đầu tư hạ tầng kỹ thuật sẽ tăng thu hút đầu tư trong nước, FDI vào công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch, logistics, bất động sản. Kết nối hạ tầng giao thông thuận lợi, các doanh nghiệp (DN) sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án tại Đồng Nai và sớm đưa vào hoạt động. Theo đó, giúp cho tỉnh tăng thêm nhiều nguồn thu từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
TP.Biên Hòa cần nguồn vốn lớn để đầu tư các tuyến đường quan trọng. |
Ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho hay: “Hiện nay, trong các khu công nghiệp của Đồng Nai có gần 1,2 ngàn các dự án của DN FDI đang hoạt động, đóng góp cho ngân sách nhà nước gần 1 tỷ USD/năm. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2022, các DN FDI trong khu công nghiệp đóng góp cho ngân sách hơn 664 triệu USD. Nếu các khu công nghiệp mới sớm thành lập, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và thu hút DN vào xây dựng nhà máy sản xuất, xuất khẩu sẽ đóng góp rất lớn cho ngân sách”.
Năm 2023, tổng dự toán thu nội địa của tỉnh hơn 40,3 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 1% so với dự toán năm 2022. Trong đó, tiền sử dụng đất 2,5 ngàn tỷ đồng, xổ số kiến thiết hơn 1,7 ngàn tỷ đồng và các khoản thu khác hơn 36 ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó, thu từ xuất nhập khẩu dự tính đạt hơn 19,8 ngàn tỷ đồng, tăng 20% so với dự toán năm 2022.
Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, kết nối hạ tầng giao thông tốt sẽ tạo ra đột phá cho phát triển kinh tế của Đồng Nai trong những năm tới. Hiện nay, rất nhiều DN trong nước, FDI muốn đầu tư vào tỉnh trên các lĩnh vực và đang đợi tỉnh hoàn thiện các tuyến đường sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Hai năm nay, đấu giá đất của tỉnh gặp khó khăn do vướng Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng. Vì thế, nhiều khu đất “vàng” của tỉnh chưa đấu giá được để có vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông nên tỉnh rất trong đợi Bộ Tài chính sẽ xem xét tăng tỷ lệ điều tiết các khoản thu cho tỉnh để có vốn triển khai các công trình giao thông quan trọng trên địa bàn.
Khánh Minh