Báo Đồng Nai điện tử
En

Dán nhãn phương tiện chở rác: Vẫn mang tính hình thức

07:10, 06/10/2022

Hiện nay, hầu hết phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đều tuân thủ dán/gắn nhãn, thay đổi màu sơn theo hướng dẫn của Sở TN-MT. Tuy nhiên, theo đánh giá của người dân và những người trực tiếp đi gom rác, việc làm này còn hình thức bởi tỷ lệ phân loại rác thải sinh hoạt trong dân ít và không thường xuyên, khó bố trí phương tiện và nhân công để thu gom rác nhiều lần.

Hiện nay, hầu hết phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đều tuân thủ dán/gắn nhãn, thay đổi màu sơn theo hướng dẫn của Sở TN-MT. Tuy nhiên, theo đánh giá của người dân và những người trực tiếp đi gom rác, việc làm này còn hình thức bởi tỷ lệ phân loại rác thải sinh hoạt trong dân ít và không thường xuyên, khó bố trí phương tiện và nhân công để thu gom rác nhiều lần.

Xe thu gom rác thải có dán nhãn tại P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa. Ảnh: B.Mai
Xe thu gom rác thải có dán nhãn tại P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa. Ảnh: B.Mai

* Phải dán nhãn, thay đổi màu sơn

Dự thảo đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt tỉnh Đồng Nai đưa ra yêu cầu, trước ngày 31-12-2022, tổ chức, cá nhân thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải trên địa bàn tỉnh phải chuẩn hóa phương tiện bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật về môi trường, thực hiện dán nhãn và chuyển đổi màu sơn theo hướng dẫn.

Về dán nhãn, phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải có dòng chữ “Thu gom chất thải thực phẩm” hoặc “Thu gom chất thải rắn tái chế, sinh hoạt khác”, chữ được thiết kế với kích thước ít nhất là 20cm, màu vàng và gắn ở cả hai bên phương tiện. Phải sơn màu xanh lá cây đối với phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải thực phẩm và sơn màu xám đối với các phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt khác. Trường hợp 1 phương tiện cùng lúc thu gom 2 nhóm chất thải thì sơn màu xanh lá cây, dán 2 nhãn và thùng xe bố trí 2 ngăn riêng biệt.

Dự thảo đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt tỉnh Đồng Nai đưa ra yêu cầu, trước ngày 31-12-2022 tổ chức, cá nhân có hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt phải chuẩn hóa phương tiện đáp ứng các yêu cầu an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Xe phải có dòng chữ “Thu gom chất thải thực phẩm” hoặc “Thu gom chất thải rắn tái chế, sinh hoạt khác” gắn ở ít nhất hai bên. Sơn màu xanh lá cây đối với xe chở chất thải thực phẩm và màu xám với xe chở nhóm chất thải khác, trường hợp 1 xe thu gom cả 2 loại chất thải thì sơn màu xanh và có 2 ngăn riêng biệt.

Theo lý giải của Sở TN-MT, quy định này đã được luật hóa tại Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Việc triển khai áp dụng sẽ góp phần thực hiện hiệu quả chương trình phân loại rác thải tại nguồn của tỉnh.

Chia sẻ về yêu cầu này, ông Thái Văn Sơn, cộng tác viên thu gom rác thải sinh hoạt tại TP.Biên Hòa cho biết, đơn vị đã dán nhãn, sơn màu, làm nắp đậy, sửa chữa thùng xe để không làm rơi vãi nước và rác trong quá trình vận chuyển. Tuy nhiên, để thu gom chất thải theo đúng nhãn mác gắn trên xe là khó vì rất ít hộ gia đình phân loại rác. Một số hộ gia đình có phân loại rác nhưng lại không có bao bì 2 màu xanh,  xám dẫn đến khó phân biệt đâu là rác thực phẩm, đâu là rác khác. Tại các trục đường, trước cơ quan công sở có 2 thùng rác khác màu nhưng không có ai phân loại rác. Do vậy có tình trạng xe dán nhãn “Thu gom chất thải thực phẩm” nhưng chở rác sinh hoạt khác.

Bà Nga, đại diện HTX Dịch vụ và vệ sinh môi trường Thành Lâm (H.Trảng Bom) cho rằng, việc dán nhãn, sơn màu còn hình thức vì không có hộ gia đình nào phân loại rác. Theo bà Nga, chỉ khi phần lớn hộ gia đình thực hiện phân loại rác, khu dân cư có thùng chứa và điểm tập kết theo tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường thì việc dán nhãn, sơn màu mới phát huy hiệu quả.

* Cần đồng bộ các hạ tầng khác

Theo ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Biên Hòa, thực hiện chỉ đạo của UBND TP.Biên Hòa, từ ngày 1-6-2022, đơn vị đã tiến hành rà soát và yêu cầu các cộng tác viên nâng cấp phương tiện, dán nhãn và chuyển đổi sơn màu xe. Việc dán nhãn và thay đổi màu sơn cơ bản hoàn thiện, riêng chuẩn hóa phương tiện một số cộng tác viên đang khó tiếp cận vốn ưu đãi từ hệ thống ngân hàng nhà nước/Quỹ Bảo vệ môi trường Đồng Nai nên chưa hoàn thành. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục đôn đốc, hỗ trợ cộng tác viên chuẩn hóa phương tiện.

Giám đốc HTX Hà Sơn Bình (H.Long Thành) Phạm Ngọc Lâm cho rằng, HTX đã chuẩn hóa phương tiện theo yêu cầu nhưng chưa bố trí phương tiện, nhân công thu gom riêng từng loại chất thải vì phần lớn hộ dân chưa phân loại chất thải tại nguồn. Mức thu bình quân 30 ngàn đồng/hộ/tháng và tần suất thu gom rác 6 ngày/tuần, HTX chỉ đủ bù chi phí, không có lãi.

Bà Trần Thị Thu Hường (ngụ KP.Hương Phước, P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) cho rằng, thời gian qua, bà là tuyên truyền viên phân loại rác tại nguồn. Thời gian đầu, nhiều hộ gia đình thực hiện tốt nhưng sau bỏ dần vì rác thải đã phân loại nhưng lại gom chung với rác chưa phân loại. “Tôi thấy có xe dán nhãn “Thu gom chất thải thực phẩm” nhưng rác gì cũng bỏ lên đó, chỉ có ve chai (rác tái chế) là công nhân môi trường nhặt riêng, treo bao tải bên hông xe. Nhìn vậy tôi cũng không muốn phân loại rác” - bà Hường chia sẻ.

Thay đổi màu sơn, dán nhãn phương tiện chỉ là yêu cầu về hình thức đối với phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải. Vấn đề quan trọng là phương tiện đó có đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về an toàn giao thông và vệ sinh môi trường, rồi tỷ lệ hộ gia đình phân loại rác tại nguồn thường xuyên đạt bao nhiêu, các hạ tầng khác như: thùng chứa, điểm tập kết, trạm trung chuyển đã đạt chuẩn hay chưa… Còn hiện tại, tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn thấp, hạ tầng chưa đáp ứng thì việc dán nhãn, thay đổi màu sơn có làm cũng không có tác dụng.

Ban Mai

Tin xem nhiều