Những năm gần đây, Việt Nam liên tục đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước, trong đó có nhiều hiệp định quan trọng như: CPTPP, EVFTA, RCEP. Với các FTA đã có hiệu lực, nhiều dòng thuế đã và đang giảm dần về 0%.
Những năm gần đây, Việt Nam liên tục đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước, trong đó có nhiều hiệp định quan trọng như: CPTPP, EVFTA, RCEP. Với các FTA đã có hiệu lực, nhiều dòng thuế đã và đang giảm dần về 0%. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) muốn hưởng các ưu đãi, cần có kế hoạch trong ngắn hạn, dài hạn phù hợp.
Đồng Nai là nơi đầu tiên trên cả nước có Công ty TNHH Koyu & Unitek ở Khu công nghiệp Loteco (TP.Biên Hòa) xuất khẩu thịt gà vào thị trường Nhật Bản. Ảnh: K.Minh |
Khoảng 5-6 năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mỗi năm đều tăng trưởng từ 10-20%. Đặc biệt, trong 2 năm qua, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn giữ mức tăng cao. Có được kết quả trên là do nhiều DN đã có sự tính toán chuẩn bị từ trước với những thị trường Việt Nam đã ký kết các FTA.
* Điểm sáng trong dịch bệnh
Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về hội nhập sâu, điều này đã tạo ra sức hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư trên thế giới. Do đó, những năm gần đây, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước ta đầu tư trên các lĩnh vực liên tục tăng, giúp cho công nghiệp, thương mại dịch vụ, nông nghiệp phát triển. Vì vậy, Việt Nam từ nước chuyên nhập siêu, mấy năm gần đây đã chuyển sang xuất siêu.
Năm 2021, Đồng Nai là một trong 4 tỉnh, thành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt 21,8 tỷ USD, tăng 16% so với năm trước. Nguyên nhân là nhờ các DN kịp thời phục hồi sản xuất và mở rộng xuất khẩu vào những nước Việt Nam đã ký kết các FTA. DN hưởng được những ưu đãi từ FTA đều đã có sự chuẩn bị từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, khối DN FDI nhanh nhạy, đáp ứng được các quy định của các FTA nên đã hưởng các lợi thế về thuế nhiều hơn DN có vốn đầu tư trong nước.
Ông Wu Ming Ying, Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai cho biết: “Đại dịch Covid-19 gây ra thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế thế giới, để tồn tại và phát triển bền vững các DN phải tính toán lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong ngắn hạn, dài hạn, khai thác các lợi thế từ các FTA Việt Nam đã ký kết nhằm duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ. Các DN Đài Loan tại Đồng Nai theo dõi rất kỹ những hiệp định Việt Nam đang đàm phán để tìm hiểu và chuẩn bị sẵn các yêu cầu để khi hiệp định ký kết có hiệu lực có thể hưởng những chính sách ưu đãi về thuế”.
Theo nhiều DN trên địa bàn tỉnh, các FTA như: CPTPP, EVFTA, Việt Nam - Nhật Bản… là “đường sáng” cho xuất khẩu trong đại dịch. Tuy xuất khẩu hàng hóa vào những thị trường này có những biến động nhưng DN vẫn giữ được thị phần và từng bước mở rộng thị trường.
Bà Delphine Rousselet, Giám đốc điều hành Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam đánh giá: “EVFTA đã mở ra cơ hội hợp tác cho DN Việt Nam với các đối tác của EU, nên dù dịch bệnh nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU vẫn tăng. Bởi sau khi hiệp định có hiệu lực, nhiều dòng thuế giảm về 0%. Dự tính trong những năm tới, xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ tiếp tục tăng cao”.
* Còn nhiều tiềm năng chưa khai thác
Tuy các DN tại Việt Nam đã quan tâm và khai thác những ưu đãi của các FTA nhưng nhiều tiềm năng vẫn còn bỏ ngỏ. Theo các chuyên gia kinh tế, nếu các DN sản xuất, xuất khẩu không tính toán đường xa cho các thị trường FTA thì sẽ đánh mất những cơ hội khi các dòng thuế giảm về 0%. Như vậy, hàng hóa xuất khẩu vào những thị trường đã có FTA không tăng được khả năng cạnh tranh với các đối tác có mặt hàng cùng loại đến từ những nước khác. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới rất xem trọng việc tham gia vào hội nhập sâu nên đã tiến hành đàm phán để gia nhập các FTA.
Theo Bộ Công thương, đến cuối năm 2021, tỷ lệ các DN hưởng ưu đãi về chứng nhận xuất xứ hàng hóa mới đạt khoảng 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường Việt Nam đã ký FTA. Điều này chứng tỏ Việt Nam chưa khai thác hết những ưu đãi về thương mại hàng hóa. Các DN chưa chú trọng khai thác hết các thị trường có FTA. Cụ thể, trong EVFTA có 27 nước nhưng DN chỉ tập trung khai thác được 5-6 nước; trong CPTPP nhiều thị trường của các nước thành viên chưa được khai thác…
Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết: “Khi các FTA được ký kết, DN phải chú ý vào các quy định để hưởng các ưu đãi, đồng thời phải tập trung vào những mặt hàng có lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu. Muốn làm được điều này, DN phải có sự chuẩn bị kỹ trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh, từ việc mua nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, đến quá trình sản xuất phải đáp ứng đầy đủ các quy định của từng thị trường FTA dự tính sẽ mở rộng tiêu thụ”.
Cũng theo ông Khanh, tại nhiều thị trường mà Việt Nam đã ký kết FTA đòi hỏi tiêu chuẩn hàng hóa rất cao, muốn xuất khẩu sang và hưởng các ưu đãi phải đáp ứng được các tiêu chí. Do đó, DN phải nâng cấp sản phẩm để phù hợp với yêu cầu. Vượt qua khó khăn trên, DN sẽ có những đơn hàng lớn, ổn định lâu dài.
Thực tế, người tiêu dùng ở nhiều nước ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng, mẫu mã, tiện lợi của hàng hóa. Đặc biệt là các sản phẩm hữu cơ, thân thiện với môi trường, người tiêu dùng sẵn sàng bỏ thêm một khoản chi phí để mua những mặt hàng trên. Vì thế, từ trong sản xuất, chế biến, các DN phải chú ý đến những xu hướng trên để chủ động xây dựng kế hoạch cho phù hợp.
Khánh Minh