Báo Đồng Nai điện tử
En

Sớm hoàn thiện dữ liệu về đất đai

11:02, 14/02/2022

Đồng Nai có diện tích đất đai lớn, tốc độ đô thị hóa nhanh, tỉnh rất chú trọng trong quản lý đất đai. Do đó, tỉnh đang thực hiện dự án Hoàn thiện, phát triển cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, tiến tới hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu.

Đồng Nai có diện tích đất đai lớn, tốc độ đô thị hóa nhanh, tỉnh rất chú trọng trong quản lý đất đai. Do đó, tỉnh đang thực hiện dự án Hoàn thiện, phát triển cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, tiến tới hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu.

Từ nay đến năm 2030, H.Nhơn Trạch sẽ triển khai hơn 600 dự án nên rất cần có thông tin dữ liệu đất đai đầy đủ, chính xác. Ảnh: H.GIANG
Từ nay đến năm 2030, H.Nhơn Trạch sẽ triển khai hơn 600 dự án nên rất cần có thông tin dữ liệu đất đai đầy đủ, chính xác. Ảnh: H.GIANG

Theo Sở TN-MT, đến nay Đồng Nai đã tổ chức thực hiện hoàn thành dự án Tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai với nền tảng là cơ sở dữ liệu địa chính. Tuy nhiên, các dữ liệu còn lại là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã triển khai thực hiện nhưng chưa đầy đủ để tích hợp vào cơ sở dữ liệu đất đai.

* Có đầy đủ thông tin về đất đai

Đồng Nai được Bộ TN-MT đánh giá là tỉnh xây dựng dữ liệu về đất đai tương đối tốt. Về cơ bản, cơ sở dữ liệu địa chính đã xây dựng hoàn thành, hiện đang thực hiện cập nhật thường xuyên đồng thời chỉnh sửa những tồn tại, hạn chế đối với dữ liệu đã xây dựng qua các thời kỳ. Thế nhưng, dữ liệu đất tổ chức, đất nông lâm trường đã xây dựng nhưng khối lượng còn hạn chế, chưa đầy đủ; dữ liệu giá đất; dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai chưa triển khai thực hiện. Vì thế, xây dựng dự án trên là để bổ sung, hoàn thiện các thông tin còn thiếu trên cơ sở dữ liệu được xây dựng trước đây; đồng thời, xây dựng các dữ liệu thành phần của cơ sở dữ liệu đất đai theo quy định hiện hành.

Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Thường cho biết: “Thời gian qua, UBND tỉnh đã tiến hành lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương về dự án Hoàn thiện, phát triển cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Đồng Nai để cập nhật đầy đủ các thông tin về từng thửa đất từ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất… Những thông tin trên sẽ được công khai để người dân biết và giúp các huyện, thành phố quản lý đất đai thuận lợi hơn”.

Hiện nay, thông tin về quy hoạch, diện tích, loại đất của từng thửa đất trên địa bàn Đồng Nai đã được cập nhật trên DNAILIS, nhưng còn chậm và chưa đầy đủ. Vì thế, hầu hết các địa phương, doanh nghiệp, người dân đều mong cơ sở dữ liệu về đất đai sớm hoàn thiện, cập nhật đầy đủ, kịp thời để tạo thuận lợi trong việc sử dụng và khai thác được những ưu thế của đất đai.

Hiện Đồng Nai đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính cho 170/170 xã nhưng quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính được thực hiện ở nhiều giai đoạn, quy định pháp luật từng giai đoạn có sự điều chỉnh khác nhau dẫn đến cơ sở dữ liệu còn những hạn chế. Cụ thể, dữ liệu không gian địa chính một số thửa đất không đồng bộ với nhau, ngày cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thiếu tập tin hồ sơ đính kèm, trùng thông tin người sử dụng đất, thiếu địa chỉ của người sử dụng đất. Các dự án xã hội hóa, đầu tư hạ tầng giao thông, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn của các huyện đã xây dựng hoàn thiện nhưng chưa được cập nhật...

Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường (Sở TN-MT) Lê Văn Tân cho hay: “Dự án trên có tổng kinh phí hơn 38 tỷ đồng và sẽ hoàn thiện vào năm 2025. Khi hoàn thiện dự án, mọi thông tin về từng thửa đất sẽ được cập nhật đầy đủ. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có đầy đủ những thông tin về những thửa đất để đầu tư, xây dựng công trình, dự án được nhanh hơn. Về phía các huyện, thành phố khi thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho từng công trình, dự án sẽ rút ngắn được nhiều thời gian”.

* Đáp ứng nhu cầu phát triển

Trong 5-10 năm tới, Đồng Nai sẽ có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội khá nhanh. Dự tính sẽ có hàng ngàn dự án trên các lĩnh vực sẽ được đầu tư xây dựng trong những năm tới. Các dự án muốn triển khai đa số phải thu hồi đất đai của người dân hoặc tổ chức và thời gian bồi thường, giải phóng mặt bằng cho từng dự án rất lâu, từ 3-6 năm. Cá biệt có những dự án công tác bồi thường kéo dài hơn 10 năm. Đất đai ở nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh biến động nhanh, cơ sở dữ liệu đất đai được hoàn thiện và cập nhật đầy đủ, liên tục sẽ giúp cho công tác quản lý, bồi thường giải phóng mặt bằng nhanh hơn. Các dự án triển khai đúng tiến độ, sớm đưa vào khai thác sẽ tạo điều kiện cho từng địa phương phát triển kinh tế.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, Đồng Nai có tốc độ đô thị hóa nhanh, từ nay đến năm 2030, mỗi huyện, thành phố đều triển khai 500-600 dự án trên nhiều lĩnh vực. Do đó, tỉnh sẽ hoàn thiện nhanh dữ liệu về đất đai, cập nhật đầy đủ, chính xác nhằm hỗ trợ các địa phương, sở, ngành, người dân những thông tin cần thiết để quản lý, thực hiện tốt hơn. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh phải kết nối với các sở, ngành, Trung ương để khi cần có thể truy cập. Đặc biệt, tới đây, trong dữ liệu đất đai sẽ có thông tin về đất lúa, đường giao thông ở các xã nông thôn mới vừa được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa. Đồng Nai sẽ ưu tiên triển khai trước ở các xã nông thôn mới kiểu mẫu để người dân ngồi tại nhà cũng có thể truy cập quy hoạch chi tiết về thửa đất của mình. Từ đó, người dân có thể đầu tư sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.

Hương Giang

Tin xem nhiều