Báo Đồng Nai điện tử
En

Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số

10:01, 23/01/2022

Năm 2022, Đồng Nai đặt ra mục tiêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt trong khoảng từ 22,8-23 tỷ USD. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang làm biến đổi các hoạt động kinh tế, giao thương cũng như đầu tư, hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới thì Việt Nam, nước có nền sản xuất thiên về xuất khẩu, cũng bị ảnh hưởng.

Năm 2022, Đồng Nai đặt ra mục tiêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt trong khoảng từ 22,8-23 tỷ USD. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang làm biến đổi các hoạt động kinh tế, giao thương cũng như đầu tư, hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới thì Việt Nam, nước có nền sản xuất thiên về xuất khẩu, cũng bị ảnh hưởng.

Thủ công mỹ nghệ là một trong những mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Đồng Nai
Thủ công mỹ nghệ là một trong những mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Đồng Nai. Ảnh: V.GIA

Để tiếp tục giữ vững đà phát triển, doanh nghiệp (DN) buộc phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, số hóa để triển khai các giải pháp xúc tiến đầu tư, thương mại.

* Tăng xúc tiến đầu tư, thương mại

Năm 2021, kinh tế đối diện với nhiều thách thức nhưng thu hút đầu tư và tình hình xuất nhập khẩu của Đồng Nai vẫn có những chuyển biến rất tích cực. Chính quyền địa phương, cộng đồng DN đã nỗ lực tham gia nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa đến các thị trường có ký kết hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA).

Cụ thể, Đồng Nai đã tham gia các hội thảo, diễn đàn, hội nghị về lĩnh vực hợp tác kinh tế, hợp tác đầu tư do Bộ Ngoại giao tổ chức như: hội thảo trực tuyến giữa kỳ về hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp (ngày 20-4); diễn đàn Nhịp cầu phát triển 2021 với chủ đề Kết nối địa phương - DN, Nắm bắt cơ hội tại TP.Hà Nội (ngày 26-4); diễn đàn Thị trưởng Mayor Forum trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao các thành phố trên thế giới năm 2021 - World Cities Summit - WCS 2021 qua hình thức trực tuyến (từ ngày 21 đến 23-6); tọa đàm trực tuyến với Đoàn đại sứ, Tổng lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2021-2024 (ngày 18-10); hội thảo trực tuyến Logistics Hà Lan - Việt Nam: Xác định cơ hội và kết nối đối tác (ngày 2-10), hội nghị Gặp gỡ Hoa Kỳ: Chung tay hợp tác tái mở cửa, phục hồi và phát triển khu vực kinh tế phía Nam (ngày 23-11); hội nghị trực tuyến Gặp gỡ châu Âu 2021: Đối tác Việt Nam - EU hậu Covid-19 và công bố Sách trắng Eurocham 2021 (ngày 25-11)...

Vào cuối năm, Sở Công thương chính thức ra mắt Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai (ecdn.vn) ngày 29-12. Đây là kênh giới thiệu và kinh doanh hàng hóa phù hợp với tình hình mới trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Sàn thương mại điện tử góp phần tiêu thụ sản phẩm của người sản xuất và kết nối đến người tiêu dùng trong nước và thế giới thông qua môi trường mạng.

Những hoạt động nói trên cùng với nỗ lực của cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh đã giúp Đồng Nai cán đích xuất khẩu 21,8 tỷ USD, tăng 16,16% so với cùng kỳ và xuất siêu đạt 3,1 tỷ USD. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài cũng ở mức cao gần 1,3 tỷ USD, vượt kế hoạch được giao.

Nhìn tổng thể, bức tranh kinh tế đối ngoại vẫn tăng trưởng ổn định, tuy nhiên cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai Châu Minh Nguyện cho rằng, các DN hiện nay đã lấy lại được đà khôi phục sản xuất nhưng vấn đề đứt gãy nguồn cung ứng đầu vào, đầu ra vẫn còn tiếp diễn. Bên cạnh đó là giá cước vận tải xuất khẩu cao gấp nhiều lần khiến cho doanh số xuất khẩu tăng nhưng hiệu quả về lợi nhuận lại có phần giảm sút.

Tương tự, Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Tiến Sỹ nhận định, hàng hóa, các sản phẩm nông nghiệp của Đồng Nai vẫn còn bấp bênh. Dịp cuối năm, khi thị trường xuất khẩu hàng hóa qua Trung Quốc bị ngưng trệ đã ảnh hưởng nhiều đến sản phẩm của Đồng Nai. Về lâu dài, cần có giải pháp hỗ trợ để thúc đẩy thu hút đầu tư vào chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng và bớt phụ thuộc vào thị trường khi xảy ra biến động.

* Đẩy mạnh ứng dụng số hóa

Theo Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tỉnh, năm 2022 có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho rằng, để có thể tiếp tục giữ được đà tăng trưởng trong thu hút đầu tư, gia tăng giá trị xuất khẩu của hàng hóa, Đồng Nai cần phải thay đổi phù hợp hơn với tình hình thực tế. Theo đó, tiếp tục định hướng về ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, cần chú trọng thu hút các dự án lớn, của các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở và thành lập các cơ quan, trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Đồng Nai gắn với việc đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Đối với cộng đồng DN, muốn “xâm nhập” được vào các thị trường mới, cần khắc phục điểm yếu như: thiếu nhân công tay nghề cao, phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, hạn chế về xúc tiến thương mại, một số sản phẩm nông, thủy sản chưa đảm bảo chất lượng… Đồng thời, chủ động chuyển đổi số để tìm kiếm bạn hàng, đa dạng hóa thị trường. Thông tin về đối tác trên internet, từ chính quyền sở tại, Đại sứ quán Việt Nam, thương vụ các nước là những nguồn tin mà DN có thể dựa vào đó để có thể đưa ra các quyết định kinh doanh.

“Các sở, ngành phải có giải pháp để triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp trong điều kiện dịch bệnh hiện nay. Tập trung tuyên truyền, hỗ trợ, khuyến khích người dân, DN đổi mới hoạt động kinh doanh, giao dịch thương mại theo hướng trực tuyến. Nâng cao hiệu quả vận hành Sàn giao dịch thương mại điện tử, phối hợp phát triển DN công nghệ số. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trực tuyến, công nghệ số là giải pháp tối ưu nhất hiện nay và sẽ trở thành xu hướng của tương lai” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh.

Văn Gia

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích