Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ vọng xuất khẩu năm 2022

02:01, 18/01/2022

Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, nhưng kim ngạch xuất khẩu của cả nước cũng như Đồng Nai vẫn ghi nhận kỷ lục mới. Từ đầu năm 2022, các DN đã "tăng tốc" với kỳ vọng tăng xuất khẩu sang nhiều nước.

Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế trong nước và thế giới nhưng kim ngạch xuất khẩu của cả nước cũng như Đồng Nai vẫn ghi nhận kỷ lục mới. Từ đầu năm 2022, các doanh nghiệp (DN) đã “tăng tốc” với kỳ vọng tăng xuất khẩu sang nhiều nước.

Sản xuất linh kiện máy móc xuất khẩu tại Công ty TNHH Việt Nam Kaneko ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2, H.Nhơn Trạch. Ảnh: H.GIANG
Sản xuất linh kiện máy móc xuất khẩu tại Công ty TNHH Việt Nam Kaneko ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2, H.Nhơn Trạch. Ảnh: H.GIANG

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2021 của Việt Nam đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước đó và xuất siêu khoảng 4 tỷ USD. Riêng Đồng Nai kim ngạch xuất khẩu hơn 21,83 tỷ USD, tăng hơn 16,16% so với năm 2020, xuất siêu hơn 3,2 tỷ USD.

* Kế hoạch tăng trưởng khá

Năm 2022, Đồng Nai đưa ra kế hoạch kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng từ 8-8,5% so với năm trước. Với nhiều DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và DN có vốn đầu tư trong nước từng bước ổn định, mở rộng sản xuất, cùng những DN đang gấp rút hoàn thiện những dự án mới tại các khu công nghiệp để đưa vào hoạt động thì kế hoạch trên không khó để hoàn thành. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do ký kết đã có hiệu lực, nhiều dòng thuế suất đã và đang giảm về 0% cũng góp phần thúc đẩy xuất khẩu tốt hơn.

Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại TP.HCM cho biết: “Hiện nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai cũng như Việt Nam. Hai năm nay, dù xảy ra dịch bệnh Covid-19 nhưng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa hai bên vẫn tăng trưởng khá. Năm 2022, khả năng giao thương giữa hai nước sẽ tiếp tục tăng cao, Đồng Nai là một trong những điểm đến được nhiều DN Hoa Kỳ lựa chọn để đầu tư hoặc ký kết các đơn hàng lớn cho năm”.

Trong năm 2021, Việt Nam trở thành một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới và trở thành nước tham gia vào hội nhập sâu nhanh và rộng. Những yếu tố trên giúp cho DN có thêm các lợi thế khi tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Đồng Nai là một trong những trung tâm công nghiệp hàng đầu của cả nước nên được nhiều đối tác nước ngoài tìm đến để hợp tác, ký kết các đơn hàng lớn trong thời gian dài. Qua tìm hiểu, có những DN tại Đồng Nai đã nhận được đơn đặt hàng đến quý III, IV-2022.

Ông Lê Quốc Thanh, Tổng giám đốc điều hành khu vực Việt Nam  của Tập đoàn Phong Thái cho biết: “Tập đoàn có 5 công ty ở Đồng Nai  chuyên sản xuất giày dép, dệt may xuất khẩu. Từ cuối năm trước, các công ty của tập đoàn đã nhận được nhiều đơn hàng lớn cho năm 2022, nên phải tuyển thêm lao động để tăng công suất đáp ứng nhu cầu của đối tác”. Cũng theo ông Thanh, 2 vấn đề nếu giải quyết tốt trong năm nay, xuất khẩu của Tập đoàn Phong Thái sẽ tăng cao là kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 và tuyển đủ nguồn lao động cho các dây chuyền sản xuất tại Đồng Nai và một số tỉnh khác.

* Nhiều thị trường chưa được khai thác tốt

Đồng Nai đã thực hiện giao thương với hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng hàng hóa xuất khẩu vẫn tập trung ở một số thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc; còn lại các thị trường khác chưa được DN quan tâm khai thác nhiều. Trong năm 2021, đại dịch Covid-19 khiến Đồng Nai không thể tổ chức các đợt xúc tiến thương mại trực tiếp với các nước nên tỉnh đã kết nối với các bộ, ngành hỗ trợ DN giao lưu trực tuyến để mở rộng thị trường tiêu thụ, giảm bớt rủi ro khi tập trung quá lớn vào một vài thị trường.

Cụ thể, EU là thị trường xuất khẩu lớn của Đồng Nai nhưng các DN mới xuất khẩu tập trung ở 5-6 nước trong khối, còn lại hơn 20 quốc gia khác trong khối kim ngạch xuất khẩu rất khiêm tốn. Tương tự, trong các nước Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định CPTPP, RCEP, hiện các DN Việt chỉ khai thác tốt được 3-4 thị trường, dù thị trường rất rộng lớn.

Tổng giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam Binu Jacob cho hay: “Đầu năm 2021, công ty đã đầu tư 132 triệu USD vào Đồng Nai để xây dựng thêm 1 nhà máy sản xuất cà phê phục vụ cho xuất khẩu. Nestlé Việt Nam đã lên kế hoạch khai thác và mở rộng thị trường xuất khẩu sang nhiều nước để khai thác các lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết”.

Từ đầu năm 2022, nhiều DN trên địa bàn Đồng Nai đã tiến hành tuyển thêm lao động để tăng công suất. Ngoài ra, những DN đang đầu tư xây dựng nhà xưởng cũng gấp rút hoàn thành để lắp đặt máy móc sớm đi vào hoạt động. Dự tính trong năm nay, trên địa bàn tỉnh có trên 80 dự án trong các khu công nghiệp sẽ hoàn thành, đi vào sản xuất và sản phẩm làm ra chủ yếu sẽ xuất khẩu.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, trong năm 2022, UBND tỉnh tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, tham tán thương mại ở các nước, tổng lãnh sự nhiều quốc gia tại TP.HCM để tổ chức các đợt giao lưu trực tuyến, trực tiếp kết nối DN Đồng Nai với các DN nước ngoài nhằm mở rộng hợp tác và xuất khẩu. Lợi thế của DN Đồng Nai là sản phẩm có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của những nước như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU thì rất dễ dàng đáp ứng những thị trường khác trên toàn cầu.

Hương Giang

 

 

Tin xem nhiều