Báo Đồng Nai điện tử
En

Dịch vụ môi trường rừng: Hơn 6 ngàn hộ dân được hưởng lợi trực tiếp

11:01, 03/01/2022

Trên địa bàn Đồng Nai hiện có hơn 6 ngàn hộ dân đang được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Đây là tiền của các đơn vị khai thác nước mặt, nước ngầm, thủy điện và những người trực tiếp sử dụng điện, nước có nghĩa vụ đóng góp vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng.

Trên địa bàn Đồng Nai hiện có hơn 6 ngàn hộ dân đang được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Đây là tiền của các đơn vị khai thác nước mặt, nước ngầm, thủy điện và những người trực tiếp sử dụng điện, nước có nghĩa vụ đóng góp vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng.

Tổ cộng đồng bảo vệ rừng Núi Tượng (H.Tân Phú) tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: H.Lộc
Tổ cộng đồng bảo vệ rừng Núi Tượng (H.Tân Phú) tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: H.Lộc

Nhờ có tiền DVMTR, người nhận khoán bảo vệ, phát triển rừng có thêm nguồn thu cải thiện cuộc sống; đơn vị chủ rừng và quản lý rừng có nguồn tái đầu tư cho phát triển rừng, phát triển hạ tầng.

* Nguồn thu tăng thêm, ổn định

Nhiều năm qua, hơn 1,2 ngàn hộ dân vùng đệm (thuộc các tỉnh: Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng) Vườn quốc gia Cát Tiên được hợp đồng nhận khoán quản lý, bảo vệ hơn 48 ngàn ha rừng. Bình quân mỗi hộ tham gia giữ rừng nhận 11,9 triệu đồng/năm (năm 2020). Số tiền tuy không lớn nhưng là nguồn thu ổn định để cải thiện cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Phòng (ngụ ấp 4, xã Núi Tượng, H.Tân Phú) cho biết, ông tham gia nhận khoán bảo vệ rừng từ năm 2013, thu nhập tăng dần qua các năm. “Mỗi ngày, Tổ cộng đồng bảo vệ rừng Núi Tượng đều cắt cử người thay phiên cùng cán bộ kiểm lâm đi tuần tra khu vực nhận khoán nhằm ngăn ngừa tình trạng xâm hại, săn bắt, chặt cây rừng. Việc chi trả tiền DVMTR cho người nhận khoán được Vườn quốc gia Cát Tiên giải quyết kịp thời, minh bạch. Nhờ đó, chúng tôi có động lực tham gia” - ông Phòng cho biết.

Ông Đào Quang Nguyên, thành viên Tổ cộng đồng bảo vệ rừng Núi Tượng chia sẻ thêm, mỗi tháng tổ viên đi tuần 5-6 ngày, trong đó có đợt tuần tra dài ngày phải chuẩn bị theo nước, đồ ăn để ngủ lại trong rừng. Mặc dù vất vả, nguồn thu không cao nhưng mọi người đều vui vì có thêm thu nhập, được góp sức bảo vệ rừng, bảo vệ tài sản của Nhà nước.

 Tại rừng ngập mặn, mỗi năm hơn 100 hộ dân được thuê diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản. Ông Nguyễn Quang Huy (ngụ xã Phước An, H.Nhơn Trạch) chia sẻ, nhiều năm qua, ông thuê hơn 4ha diện tích mặt nước thuộc quyền quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành nuôi tôm theo hình thức quảng canh với mức giá hơn 2 triệu đồng/ha/năm. Nhờ đó, mỗi năm gia đình ông có thêm nguồn thu khoảng 70-80 triệu đồng.

Tương tự, rừng phòng hộ Xuân Lộc mỗi năm có khoảng 2,2 ngàn hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng, trồng rừng và khai thác gỗ; rừng phòng hộ Tân Phú có gần 1 ngàn hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng, thuê đất rừng trồng cây lâm nghiệp. Các hộ này được trả tiền DVMTR theo diện tích nhận khoán hoặc được hưởng tiền công từ trồng, chăm sóc, khai thác rừng. Không chỉ góp phần cải thiện đời sống cho người dân vùng đệm, chính sách DVMTR đang góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững, tăng tỷ lệ che phủ rừng.

* Xã hội hóa bảo vệ và phát triển rừng

Phó giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên Nguyễn Văn Minh cho biết, đơn vị có hơn 48 ngàn ha cung ứng DVMTR. Trong đó, diện tích tự quản lý khoảng 41 ngàn ha, khoảng 7 ngàn ha hợp đồng với người dân. Năm 2021, đơn vị đã hợp đồng khoán bảo vệ rừng với 11 tổ cộng đồng, khoảng 230 hộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai bảo vệ rừng. Nhờ sự tham gia của các cá nhân, hộ gia đình nên không xảy ra các vụ xâm hại rừng lớn, không để xảy ra cháy rừng; thông tin về đối tượng phạm tội được người dân cung cấp kịp thời cho trạm kiểm lâm. Cũng thông qua hoạt động này, ý thức giữ gìn tài nguyên, bảo vệ rừng của người dân được nâng lên rõ rệt. 

Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai Nguyễn Hoàng Hảo cho biết, từ năm 2011 đến nay, đơn vị duy trì diện tích giao khoán gần 4 ngàn ha rừng cho hơn 1,6 ngàn lượt hộ gia đình. Mặc dù mức chi trả DVMTR cho các hộ nhận khoán thấp (từ 64-79 ngàn đồng/ha/năm), bằng 1/2 mức chi trả của tỉnh cho diện tích thuê khoán rừng thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên nhưng là nguồn thu nhập tăng thêm rất quan trọng với người dân các xã vùng đệm, nhất là đồng bào dân tộc ít người. Ngoài ra, khu bảo tồn còn hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, làm đường, công trình điện, nhà văn hóa và các công trình phúc lợi khác cho các xã gần rừng, trung bình 40 triệu đồng/công trình/năm. Nhờ có nguồn DVMTR, đơn vị chủ động hợp đồng khoán quản lý, bảo vệ rừng với người dân, tổ cộng đồng sống gần rừng.

Ông Lê Thuần Thành, Phó giám đốc quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh cho biết: Năm 2020, quỹ đã giải ngân hơn 43 tỷ đồng cho các chủ rừng là tổ chức và cá nhân, hộ gia đình nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng. Năm 2021, quỹ đã chi tạm ứng gần 25 tỷ đồng. Việc chi trả tiền DVMTR của quỹ và các đơn vị đảm bảo công khai, minh bạch, đúng người, đúng diện tích. Đối với cá nhân, hộ gia đình, chính sách đã góp phần giải quyết việc làm, cải thiện sinh kế cho người dân sinh sống gần rừng và có thêm công trình phúc lợi cộng đồng. Đối với 10 đơn vị chủ rừng là tổ chức, nhờ có tiền DVMTR mà các đơn vị chủ động mở rộng diện tích giao khoán quản lý, bảo vệ rừng; trồng rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng và chi trả dịch vụ cho người nhận khoán.

Cũng theo ông Thành, hiện toàn tỉnh có hơn 1,1 ngàn hộ là chủ rừng và hơn 5 ngàn hộ nhận khoán bảo vệ rừng được trả tiền DVMTR. Chính sách chi trả DVMTR vừa tạo sinh kế phát triển kinh tế - xã hội, vừa khuyến khích người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó làm tăng tỷ lệ che phủ rừng và giảm tác động biến đổi khí hậu, hạn chế thiên tai. Hiện còn khoảng 5,5 ngàn ha rừng chưa lập được hồ sơ quản lý, hợp đồng giao khoán để chi trả DVMTR. Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đang làm việc các đơn vị chủ rừng, quản lý rừng để thống nhất diện tích chi trả DVMTR năm 2021.

Theo quy định của Luật Lâm nghiệp, các tổ chức, cá nhân khai thác nước để sản xuất nước sạch, thuỷ điện; khai thác du lịch sinh thái trên đất rừng phải trả tiền DVMTR cho Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Đồng Nai hoặc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam. Số tiền này được chi ngược lại cho các chủ rừng, người nhận khoán bảo vệ rừng. Năm 2021, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Đồng Nai ước thu 49,3 tỷ đồng, thu từ các cơ sở sản xuất, cung ứng dịch vụ trong tỉnh 36,4 tỷ đồng, còn lại do Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam điều phối.

Hoàng Lộc

 

Tin xem nhiều
Công ty thu mua vải cây tận nơi