3 tháng sau khi có nghị quyết của Chính phủ về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020
3 tháng sau khi có nghị quyết của Chính phủ về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 (Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16-6-2021), “bài toán” về nguồn vật liệu, nhất là nguồn đất san lấp phục vụ dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vẫn chưa được giải quyết.
Dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua địa bàn tỉnh hiện vẫn còn thiếu 1,8 triệu m3 đất san lấp. Ảnh: P. Tùng |
Nguy cơ chậm tiến độ dự án do thiếu đất san lấp đang ngày càng lớn.
* Còn thiếu 1,8 triệu m3 đất san lấp
Dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là một trong 2 dự án trọng điểm quốc gia đang được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi qua địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận có chiều dài toàn tuyến 99km, trong đó đoạn qua địa bàn Đồng Nai có chiều dài 51,3km.
Theo Sở TN-MT, đối với việc thực hiện hạ nền cải tạo đất nông nghiệp để tận dụng nguồn đất san lấp phục vụ dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, UBND tỉnh đã giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan thẩm định, phê duyệt phương án theo đúng quy định. Trên cơ sở kết quả thẩm định, phê duyệt phương án cải tạo đất, giao Sở TN-MT tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét việc cho phép thu hồi khoáng sản trong quá trình thực hiện dự án theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay Sở TN-MT chưa nhận được hồ sơ thu hồi khoáng sản do Sở NN-PTNT thẩm định chuyển đến. |
Dự án được chính thức khởi công thực hiện vào cuối tháng 9-2020. Thời gian qua, chủ đầu tư và các nhà thầu đã nỗ lực thi công để đảm bảo tiến độ chung của dự án. Tuy nhiên, quá trình thi công, các nhà thầu đang gặp khó khăn lớn có nguy cơ làm chậm tiến độ dự án là việc thiếu nguồn vật liệu phục vụ thi công, đặc biệt là nguồn đất san lấp.
Ông Nguyễn Công Hợp, Phó trưởng phòng Quản lý dự án 2, Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GT-VT), chủ đầu tư dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho biết, đối với đoạn qua địa bàn Đồng Nai, nhu cầu về đất san lấp phục vụ thi công là khoảng 2,9 triệu m3 (chưa tính khối lượng đất tận dụng, điều phối trong tuyến).
Theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có tổng số 10 mỏ đất đắp nền đường với trữ lượng khoảng 9 triệu m3. Tuy nhiên, trong số các mỏ đất nói trên, hiện mới chỉ có 3 mỏ được cấp phép khai thác với trữ lượng thực tế chỉ khoảng 1,25 triệu m3. Thời gian qua, do việc thực hiện các thủ tục cấp phép các mỏ khai thác đất san lấp gặp nhiều khó khăn nên nguồn đất san lấp phục vụ dự án chủ yếu được lấy từ nguồn đất tận dụng trong quá trình thi công.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc liên doanh gói thầu số 3 cho hay, khó khăn lớn nhất trong quá trình thi công hiện nay là thiếu nguồn đất phục vụ đắp nền đường. Theo hồ sơ kỹ thuật, nguồn đất san lấp phục vụ thi công gói thầu số 3 được lấy từ 4 mỏ đất trên địa bàn 2 huyện Cẩm Mỹ và Xuân Lộc. Tuy nhiên, đến nay các mỏ này vẫn chưa hoàn thành thủ tục cấp phép khai thác nên nhà thầu chỉ có thể sử dụng nguồn đất tận dụng, điều phối trong quá trình thi công. Mặc dù vậy, nguồn đất này đến nay cũng đã cạn kiệt. Tương tự, tại gói thầu số 4, khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ thi công cũng là thiếu nguồn đất san lấp.
Theo ông Nguyễn Công Hợp, hiện nay nguồn đất tận dụng “lấy chỗ cao đắp chỗ thấp” phục vụ dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua địa bàn Đồng Nai đã hết. Trong khi đó, nhu cầu về nguồn đất san lấp phục vụ thi công vẫn rất lớn. “Đối với 2 gói thầu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện vẫn còn thiếu khoảng 1,8 triệu m3 đất san lấp” - ông Nguyễn Công Hợp cho biết.
* Có cơ chế đặc thù vẫn chưa hết… khó
Trên thực tế, việc thiếu nguồn vật liệu, nhất là nguồn đất san lấp phục vụ các dự án đường cao tốc, trong đó có dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã kéo dài lâu nay. Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là việc thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác các mỏ vật liệu, trong đó có các mỏ đất, phức tạp và kéo dài. Chính vì vậy, ngày 16-6-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60 với mục tiêu đơn giản hóa và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án. Tuy nhiên, việc áp dụng cơ chế đặc thù này vào thực tiễn vẫn rất khó khăn.
Đối với dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, hiện nay trên địa bàn tỉnh cũng chỉ mới có 4 mỏ vật liệu thông thường đang lập thủ tục thăm dò khoáng sản.
Ông Phạm Hữu Nghĩa, Trưởng phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và biến đổi khí hậu, Sở TN-MT cho biết, trên cơ sở Nghị quyết 60 của Chính phủ, Sở TN-MT đã có văn bản triển khai thực hiện các giải pháp đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp phục vụ các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh tới Ban Quản lý dự án Thăng Long, các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đơn vị đã hướng dẫn Ban Quản lý dự án Thăng Long phối hợp cùng các nhà thầu thi công lập hồ sơ xin khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp tại các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản.
Tuy nhiên, theo phản ánh của Ban Quản lý dự án Thăng Long, trình tự xin giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp như khoáng sản khác phải theo quy định của pháp luật về khoáng sản mất nhiều thời gian, nhiều thủ tục phức tạp. Ngoài ra, qua khảo sát thực tế, Ban Quản lý dự án Thăng Long có đề xuất những khu vực có nguồn đất làm vật liệu san lấp có chất lượng tốt để làm đường giao thông nhưng không nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nên Sở TN-MT không thể hướng dẫn để lập hồ sơ xin khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp ở khu vực nằm ngoài quy hoạch theo quy định của pháp luật về khoáng sản.
Cùng với đó, theo quy định tại Điểm đ, Khoản 3, Điều 62 Luật Đất Đai năm 2013, việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất mà phải thỏa thuận với người dân. Chính vì vậy, nhiều mỏ vật liệu xây dựng thông thường dù đã được quy hoạch và cấp phép khai thác nhưng chưa triển khai thực hiện do chưa thỏa thuận được việc sử dụng đất với người dân. “Hiện nay, giá đất tăng cao nên việc thỏa thuận giá với người dân là không dễ dàng. Trong khi đó, nếu chưa thể thỏa thuận được với người dân thì chưa thể thực hiện khai thác được dù mỏ đã được cấp phép” - ông Phạm Hữu Nghĩa cho biết.
Phạm Tùng