Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2021, theo dự báo của Bộ KH-ĐT, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của vùng Đông Nam bộ sẽ giảm 0,13%. Riêng Đồng Nai đang cố gắng để đạt mức tăng trưởng GRDP 4,61%, nhưng có khả năng 2/5 chỉ tiêu lớn về kinh tế sẽ không đạt được do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2021, theo dự báo của Bộ KH-ĐT, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của vùng Đông Nam bộ sẽ giảm 0,13%. Riêng Đồng Nai đang cố gắng để đạt mức tăng trưởng GRDP 4,61%, nhưng có khả năng 2/5 chỉ tiêu lớn về kinh tế sẽ không đạt được do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Công ty TNHH Friwo Việt Nam ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) mong sớm khôi phục lại sản xuất như bình thường. Ảnh: H.GIANG |
Theo UBND tỉnh, các chỉ tiêu lớn về kinh tế của Đồng Nai gồm có: GRDP, thu nhập bình quân đầu người, kim ngạch xuất khẩu, tổng vốn đầu tư toàn xã hội... Trong đó, dự kiến có 2 chỉ tiêu kinh tế sẽ khó đạt theo Nghị quyết của HĐND tỉnh là GRDP và thu nhập bình quân đầu người. Cụ thể, kế hoạch năm 2021, GRDP của tỉnh tăng 8,5% trở lên nhưng khả năng chỉ đạt 4,61% và thu nhập bình quân đầu người 131,1 triệu đồng/người nhưng có thể chỉ đạt 122,53 triệu đồng/người.
* Thiệt hại nặng nề do Covid-19
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông đánh giá, Đồng Nai, TP.HCM và Bình Dương là 3 tỉnh, thành chịu thiệt hại nặng nề nhất do dịch bệnh Covid-19. Ba trung tâm công nghiệp lớn của cả nước sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ kéo theo cả chuỗi sản xuất của Việt Nam bị gián đoạn dẫn đến chỉ số sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài... sụt giảm mạnh. Đồng thời, nhiều người lao động mất việc làm, thu nhập giảm tạo áp lực nặng nề cho công tác an sinh xã hội của Chính phủ, nhiều địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết: “Các vướng mắc của DN trên địa bàn tỉnh đã được tổng hợp, vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh sẽ được nhanh chóng giải quyết, còn vượt quá thẩm quyền của tỉnh sẽ đề xuất Chính phủ hỗ trợ tháo gỡ kịp thời. Đồng Nai đã kiến nghị Chính phủ miễn giảm, gia hạn thời gian nộp thuế, chỉ đạo các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay với DN. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ DN duy trì sản xuất, kinh doanh, giảm tiền điện, nước cho DN khi bố trí cho lao động lưu trú tại nhà máy”. |
Tác động của dịch bệnh Covid-19 vào ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ trực tiếp và rõ nét nhất, đặc biệt là các địa phương có cơ cấu kinh tế phụ thuộc nhiều vào công nghiệp - xây dựng như: Đồng Nai gần 62%, Bình Dương trên 67%. Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) ở Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM vẫn đang gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu sản xuất, thiếu chuyên gia kỹ thuật bậc cao, thiếu đơn hàng xuất khẩu, thiếu lao động.
Bà Bùi Thị Thu Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ KH-ĐT) cho biết: “Ở khu vực Đông Nam bộ, các DN gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, khoảng 97% DN bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đó 53% bị tác động vừa phải và 44% bị tác động nghiêm trọng. Nhiều DN bị ngưng trệ sản xuất và đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột, dẫn đến giảm doanh thu và mất khả năng thanh toán. Thời gian qua, có 26,5% DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã thu hẹp quy mô”.
Tại Đồng Nai, trong các khu công nghiệp có 1.628 dự án đang hoạt động, nhưng đợt dịch lần thứ tư bùng phát chỉ có gần 1,1 ngàn DN duy trì hoạt động sản xuất nhờ thực hiện phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”. Thế nhưng, nhiều DN cũng chỉ duy trì sản xuất khoảng 30-60% công suất so với thời điểm bình thường.
* Tạo điều kiện để DN khôi phục sản xuất
Ngày 15-9, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 11102/KH-UBND về việc từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội nhưng vẫn phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Mục tiêu là để thúc đẩy phục hồi kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho DN khôi phục sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định tăng trưởng kinh tế, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Hiện có nhiều DN trên địa bàn tỉnh đang trông đợi tỉnh sẽ khống chế được dịch bệnh trong tháng 9-2021, mở rộng các vùng xanh, nới lỏng các quy định về đi lại, vận chuyển hàng hóa để có thể khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Ông Artur Petrosjan, Tổng giám đốc Công ty TNHH Friwo Việt Nam ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) cho hay: “Khi chưa xảy ra đợt dịch lần thứ tư, công ty có gần 2,3 ngàn lao động làm việc trong các nhà máy, đơn hàng rất dồi dào. Từ tháng 7-2021, dịch bệnh lây lan nhanh ra diện rộng, công ty chỉ tổ chức cho 769 người lưu trú tại nhà máy để làm việc. Theo đó, công suất các nhà máy giảm khoảng 60%, nhiều đơn hàng buộc phải thương lượng với đối tác kéo dài thời gian giao hàng, ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của công ty”. Cũng theo ông Artur Petrosjan, Friwo có 100% vốn của Đức, chuyên sản xuất các linh kiện điện tử xuất khẩu vào châu Âu và tiêu thụ trong nước. Năm 2020, thấy Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 khá tốt, tập đoàn đã dời tất cả nhà máy ở Trung Quốc về Đồng Nai để hoạt động, gặp đợt dịch này công ty rất khó xoay xở.
Dù khó khăn, các DN vẫn tin tưởng, hy vọng Chính phủ, Đồng Nai nhanh chóng dập dịch và có những giải pháp mở cửa, phục hồi kinh tế phù hợp để DN ít gặp trở ngại trong phục hồi sản xuất, kinh doanh. Hiện trong khu công nghiệp đã có gần 60 DN đăng ký mới, bổ sung lao động để khôi phục sản xuất cho kịp các đơn hàng đã ký kết từ đầu năm.
Hương Giang