Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuẩn hóa các trạm trung chuyển chất thải

09:09, 05/09/2021

Toàn tỉnh hiện chỉ có 9 trạm trung chuyển chất rắn thải sinh hoạt cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn về xây dựng và môi trường. Còn lại là trạm trung chuyển, điểm tập kết rác tạm thời.

Toàn tỉnh hiện chỉ có 9 trạm trung chuyển chất rắn thải sinh hoạt cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn về xây dựng và môi trường. Còn lại là trạm trung chuyển, điểm tập kết rác tạm thời.

 Điểm tập kết chất thải phục vụ hoạt động sang tiếp rác thải ở TP.Biên Hòa
Điểm tập kết chất thải phục vụ hoạt động sang tiếp rác thải ở TP.Biên Hòa. Ảnh: B.MAI

Việc triển khai đầu tư trạm trung chuyển, điểm tập kết chất thải thời gian qua gặp nhiều vướng mắc do địa phương thiếu quỹ đất phù hợp, ngân sách cấp huyện có hạn và việc kêu gọi xã hội hóa khó khăn.

* 9/66 công trình sang tiếp rác đạt quy chuẩn

Ông Trần Trọng Toàn, Phó giám đốc Sở TN-MT cho biết, trên địa bàn Đồng Nai hiện có 34 trạm trung chuyển và 32 điểm tập kết rác. Tuy nhiên, chỉ có 9 trạm trung chuyển cơ bản đáp ứng quy chuẩn QCVN 01:2019/BXD của Bộ Xây dựng về quy mô, diện tích tối thiểu, hệ thống phòng ngừa mùi hôi và sự cố, khoảng cách an toàn môi trường.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2019/BXD về quy hoạch xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành có 2 loại trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Đó là trạm trung chuyển không cố định, áp dụng với khối lượng chất thải dưới 100 tấn chất thải/ngày đêm. Thời gian vận hành không quá 45 phút/ca và không quá 3 giờ/ngày; trạm trung chuyển chất thải cố định áp dụng khối lượng từ trên 100 tấn chất thải/ngày đêm. Trạm phải có tường bao, mái che, hệ thống thu gom, xử lý nước thải; hệ thống lọc và khử mùi đảm bảo không phát tán chất ô nhiễm ra môi trường xung quanh. Trạm tiếp nhận và vận chuyển hết khối lượng chất thải trong thời gian không quá 2 ngày đêm. Các trạm trung chuyển chất thải phải cách công trình nhà ở và các khu vực thường xuyên tập trung đông người ≥ 20m.

Các trạm trung chuyển, điểm tập kết rác còn lại chỉ mang tính chất tạm thời, không đảm bảo an toàn giao thông và môi trường. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này theo ông Toàn là nguồn kinh phí xây dựng các trạm, điểm tập kết rác là nguồn xã hội hóa và ngân sách cấp huyện. Hằng năm, các địa phương có rất nhiều công trình, dự án ưu tiên phải thực hiện. Một số địa phương chưa bố trí được quỹ đất phù hợp hoặc có quỹ đất nhưng chưa có vốn để triển khai. Có địa phương có quỹ đất, có vốn nhưng người dân xung quanh khu vực dự kiến đầu tư trạm trung chuyển chất thải không đồng tình vì sợ ô nhiễm.

Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Nguyễn Quang Phương cho rằng, huyện có 23 điểm tập kết rác nhưng chỉ 5 điểm tại các xã: Bình Lợi, Tân Bình, Tân An, Hiếu Liêm và TT.Vĩnh An được xây dựng kiên cố, có tường bao xung quanh, có mái che và nền bê tông. Năm 2020 huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn rà soát quỹ đất công để bổ sung, cập nhật quy hoạch vị trí xây dựng điểm trung chuyển, trạm san tiếp rác, đồng thời đề xuất thực hiện để huyện bố trí kinh phí xây dựng trong năm 2021. Có 3 địa phương là xã Bình Hòa, xã Mã Đà và TT.Vĩnh An đề xuất nhưng hiện chưa triển khai được do nguồn vốn ngân sách huyện ít, việc vận động xã hội hóa còn nhiều khó khăn.

Theo Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom Lê Ngọc Tiên, trước đây, địa phương đầu tư xây dựng 7 trạm trung chuyển chất thải rồi bàn giao cho các xã quản lý nhưng hiện tại chỉ còn 2 trạm duy trì hoạt động. Nguyên nhân do đơn vị vận chuyển chất thải trực tiếp sang tiếp rác từ xe nhỏ sang xe lớn. Các trạm trung chuyển chất thải chưa đảm bảo về kỹ thuật và khoảng cách với nhà dân. Hiện tại việc bố trí quỹ đất để xây dựng trạm trung chuyển chất thải gặp khó khăn do quỹ đất công nằm rải rác trong khu dân cư.

* Chuẩn hóa vào năm 2023

Hiện tại, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều thiếu các trạm trung chuyển chất thải. Hoạt động sang tiếp rác chủ yếu diễn ra ở các bãi đất trống hoặc ngay trên đường gây ảnh hưởng đến giao thông đi lại, mỹ quan và môi trường sống xung quanh.

Theo Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Trọng Toàn, hiện đa số các địa phương đã xác định được mạng lưới các trạm trung chuyển chất thải và cập nhật vị trí vào quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất. Sở TN-MT xem xét và yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát các trạm chưa phù hợp qua đó điều chỉnh, bổ sung hoặc chuyển đến vị trí mới nhằm hạn chế tình trạng quy hoạch không phù hợp, không đáp ứng được nhu cầu thực tế của địa phương. Lộ trình đặt ra là năm 2021, các địa phương phải hoàn thành mạng lưới các trạm trung chuyển chất thải.

Sau khi các địa phương thống nhất và cập nhật vị trí xây dựng trạm trung chuyển chất thải vào quy hoạch sử dụng đất, Sở TN-MT sẽ tổng rà soát hiện trạng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ quá trình thu gom, vận chuyển chất thải, đảm bảo đến hết năm 2023, các công trình, trạm trung chuyển, hạng mục, nguồn vốn đáp ứng hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt của từng địa phương và toàn tỉnh theo đề án Tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2021-2025.

Riêng tại TP.Biên Hòa, do mật độ dân cư đông, quỹ đất để bố trí mạng lưới trạm trung chuyển chất thải có hạn, Sở TN-MT thống nhất với đề xuất của địa phương là quy hoạch vị trí xây dựng trạm trung chuyển chất thải khoảng 10ha tại P.Phước Tân. Trạm trung chuyển chất thải quy mô lớn này đang được triển khai thực hiện để nhanh chóng chấm dứt tình trạng quá tải điểm sang tiếp rác tạm.

Đại diện lãnh đạo UBND TP.Biên Hòa cho rằng, việc quy hoạch xây dựng trạm trung chuyển chất thải ở phường ngoại ô có thuận lợi là quỹ đất rộng, đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường với nhà dân. Tuy nhiên, việc đưa toàn bộ chất thải sinh hoạt của thành phố về trạm trung chuyển, sau đó chở ngược về các khu xử lý ở H.Vĩnh Cửu và H.Thống nhất tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Do đó, TP.Biên Hòa kiến nghị cùng với việc chuẩn hóa các trạm trung chuyển chất thải phải chuẩn hóa phương tiện vận chuyển để hạn chế rác thải và nước rơi vãi ra đường.

Ban Mai

Tin xem nhiều