Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ kinh tế tư nhân

11:05, 24/05/2021

Xác định kinh tế tư nhân là động lực phát triển quan trọng, là tương lai của nền kinh tế đất nước, nhiều chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đã và đang được cả nước cũng như Đồng Nai tích cực thực hiện.

[links()]Xác định kinh tế tư nhân là động lực phát triển quan trọng, là tương lai của nền kinh tế đất nước, nhiều chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đã và đang được cả nước cũng như Đồng Nai tích cực thực hiện. Cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính và xây dựng đề án hỗ trợ DN là giải pháp mà Đồng Nai đang thực hiện.

Tổ chức các cuộc tiếp xúc, trao đổi giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước là điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Đồng Nai phát triển. Trong ảnh: Doanh nghiệp Đồng Nai giới thiệu sản phẩm tại hội nghị kết nối giao thương Việt - Nhật do UBND tỉnh tổ chức năm 2020. Ảnh: V.Thế
Tổ chức các cuộc tiếp xúc, trao đổi giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước là điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Đồng Nai phát triển. Trong ảnh: Doanh nghiệp Đồng Nai giới thiệu sản phẩm tại hội nghị kết nối giao thương Việt - Nhật do UBND tỉnh tổ chức năm 2020. Ảnh: V.Thế

* Tìm chiến lược phát triển mới cho kinh tế tư nhân

Để phù hợp với xu hướng phát triển của cả thập kỷ cũng như sự bền vững của nền kinh tế, Chính phủ đang xây dựng định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, trong đó có nội dung ưu tiên hỗ trợ cho khu vực DN tư nhân phát triển mạnh mẽ nhằm tạo đột phá về chất lượng DN, sức cạnh tranh của thương hiệu Việt.

Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ do Bộ KH-ĐT soạn thảo đang được lấy ý kiến rộng rãi, nêu rõ: “Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân. Hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động”.

Chính phủ cũng khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-65%.

Tại Đồng Nai, nhận thức được vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân, tỉnh đã và đang điều chỉnh chiến lược phát triển, hướng sự ưu tiên nhiều hơn đối với cộng đồng DN nhỏ và vừa, DN tư nhân. Hiện Đồng Nai đang xây dựng đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa đến năm 2025. Đề án đề cập đến 9 nhóm vấn đề. Trong đó, nhóm chính sách hỗ trợ chung bao gồm: hỗ trợ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa; hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, kinh doanh đối với DN ngành công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, quản trị DN, nâng cao chất lượng lao động; hỗ trợ sử dụng các dịch vụ tư vấn; đăng ký thành lập DN miễn phí; tư vấn, hướng dẫn thủ tục về thuế và hỗ trợ về các vấn đề pháp lý. Đồng Nai cũng đẩy mạnh chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể sang DN; hỗ trợ DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị sản xuất...

Những giải pháp nói trên của tỉnh nhằm hướng tới một cộng đồng DN mạnh nên xây dựng đề án với nhiều chính sách hỗ trợ rộng rãi. Mục tiêu cụ thể của đề án là: số lượng DN nhỏ và vừa thành lập mới giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng 9% hằng năm, tổng số DN thành lập mới trong 5 năm là trên 30,6 ngàn DN. Các DN mới thành lập từ ngày đề án được phê duyệt tạo ra khoảng 300 ngàn việc làm mới.

Qua thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh và việc triển khai các gói chính sách hỗ trợ từ Nhà nước trong nhiều năm qua, DN cho thấy họ vẫn rất khó khăn để tiếp cận, mặc dù mỗi chính sách hỗ trợ đều có quy định riêng của mình. Để các ưu đãi về chính sách được thực thi đúng tinh thần hỗ trợ DN và dễ tiếp cận hơn, trong điều kiện nguồn lực của tỉnh có hạn, các DN kiến nghị tỉnh cần tập trung vào 3 lĩnh vực chính đang vướng mắc nhiều nhất là: mặt bằng sản xuất, nguồn vốn tín dụng và đào tạo cán bộ quản trị DN.

Theo ông Nguyễn Đức Tuấn Hải, Giám đốc Công ty TNHH Chiếc Lá Xanh (TP.Biên Hòa), đối với các DN sản xuất hàng, nhất là những DN làm hàng xuất khẩu, vấn đề đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng sản phẩm, tiêu chí môi trường, lao động là rất quan trọng. Đó là lý do mà DN của ông chuyển hoạt động sản xuất vào khu công nghiệp, dù quy mô còn nhỏ. Đối tác nước ngoài, nhất là các đối tác đến từ Âu - Mỹ một khi làm ăn với chúng ta thì rất coi trọng các vấn đề tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo an toàn sản xuất, vệ sinh nhà xưởng cũng như sự ổn định lao động. Nếu thiếu các yếu tố này, dù khả năng DN có thể sản xuất được sản phẩm họ cần nhưng cũng sẽ rất khó hợp tác. Do vậy, vấn đề là Nhà nước cần hỗ trợ DN trong đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như xây dựng thương hiệu, sản phẩm hợp chuẩn, hợp quy để DN có thể đáp ứng đủ.

* Tận dụng cơ hội để phát triển

Hiện nay, Việt Nam đã thực sự tham gia sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết. Hàng hóa Việt Nam có cơ hội xâm nhập và chiếm lĩnh thị trường của các nước phát triển thông qua những ưu đãi thuế quan được hưởng. Điều đó được thể hiện qua việc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 song xuất khẩu của Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng vẫn tăng trưởng tốt, trong đó có đóng góp của các DN tư nhân.

Theo ông Võ Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty CP An Phú Thịnh (H.Long Thành), tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết trong thời gian vừa qua đã giúp DN này tìm kiếm được nhiều đơn hàng xuất khẩu hơn. Chỉ trong vài năm, từ một xưởng sản xuất ở mức trung bình, DN này đã hợp tác, phát triển và xây dựng được chuỗi sản xuất thông qua 3 nhà máy chuyên sản xuất, xuất khẩu đồ bảo hộ lao động ở Đồng Nai, Quảng Nam và Nghệ An.

Không chỉ An Phú Thịnh, sự phát triển trong kinh doanh của các công ty tư nhân giúp họ ngày càng gia tăng tiềm lực, mở rộng quy mô trong và ngoài tỉnh, đồng thời mong muốn tham gia vào các dự án công của địa phương.

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Đặng Văn Điềm nhận định, cộng đồng DN trong tỉnh hiện nay khá đông đảo, có mặt ở hầu hết các ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Trong quá trình hoạt động, DN nhận thấy được các lợi thế của địa phương và mong muốn tham gia, đồng hành với chính quyền trong các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó nhiều DN, nhất là DN hoạt động trên lĩnh vực xây dựng, bất động sản... mong muốn được hỗ trợ để tham gia đấu thầu các dự án phát triển của tỉnh. Khi được hỗ trợ, DN sẽ có cơ hội thực hiện các mục tiêu của mình, tạo động lực phát triển mạnh hơn trong tương lai.

Về phía chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, những năm tới là thời cơ vàng cho sự phát triển của Đồng Nai cũng như cộng đồng DN. Lợi thế lớn của địa phương chính là việc có nhiều dự án hạ tầng lớn như các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, cảng biển, khu đô thị, đặc biệt là cảng hàng không quốc tế Long Thành... sẽ là “thỏi nam châm” thu hút các nhà đầu tư đến hợp tác, làm ăn. Cơ hội rất nhiều nhưng điều quan trọng là DN phải chuẩn bị tinh thần để nắm bắt. “Trước mắt và cả lâu dài, cơ hội là rất lớn, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng, xây dựng cơ bản và những dịch vụ đi kèm. Do vậy, DN cần nắm bắt thông tin, chủ động liên hệ với các cơ quan, ban, ngành của tỉnh để tiếp cận và có định hướng phát triển phù hợp với nhiệm vụ chung của tỉnh” - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo tỉnh, Đồng Nai luôn coi sự hài lòng của cộng đồng DN là thước đo cho hiệu quả điều hành chính sách của địa phương. Thời gian tới, lãnh đạo tỉnh và các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục tiếp xúc, đối thoại thẳng thắn, trực tiếp để lắng nghe tiếng nói của DN; đồng thời sẽ là cầu nối để DN trong nước, DN nhỏ và vừa trên địa bàn có cơ hội gặp gỡ, tìm kiếm đối tác thông qua những chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương.

Thêm một nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thân thiện và minh bạch. Hỗ trợ DN tư nhân, nhất là DN lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, triển khai nhanh chính sách hỗ trợ từ Trung ương, nắm bắt tình hình hoạt động của DN để kịp thời đề ra các giải pháp hỗ trợ thiết thực.

Vương Thế - Hoàng Lộc

 

 

Tin xem nhiều