Báo Đồng Nai điện tử
En

Bùng phát 'cơn sốt' giá đất nông nghiệp

04:05, 28/05/2021

Từ giữa năm 2017, 'cơn sốt' giá đất nông nghiệp ở Đồng Nai bắt đầu bùng phát và kéo dài cho đến nay. Hiện giá đất nông nghiệp ở các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tăng từ 4-10 lần so với năm 2016... đã và đang gây nhiều hệ lụy cho các địa phương.

Từ giữa năm 2017, 'cơn sốt' giá đất nông nghiệp ở Đồng Nai bắt đầu bùng phát và kéo dài cho đến nay. Hiện giá đất nông nghiệp ở các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tăng từ 4-10 lần so với năm 2016. Những 'cơn sốt' đất kéo dài chưa có hồi kết đã gây ra nhiều hệ lụy cho các địa phương.

Đất nông nghiệp ở H.Nhơn Trạch được rao bán khắp nơi. Ảnh: H.Giang
Đất nông nghiệp ở H.Nhơn Trạch được rao bán khắp nơi. Ảnh: H.Giang

Bài 1: 'Bỏng tay' với giá đất nông nghiệp

Khoảng 4 năm nay, giá đất nông nghiệp tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh không ngừng 'nhảy múa'. Hiện giá đất nông nghiệp tại nhiều khu vực đụng vào là 'bỏng tay' vì được bán như đất thương mại, dịch vụ, thậm chí có nơi phân lô bán theo giá đất nền.

'Cơn sốt' giá đất nông nghiệp diễn ra khắp nơi không chỉ do nhu cầu thực tế mà có tình trạng bị 'thổi giá'.

* Giá đất tăng “khủng”

Chưa khi nào giá đất nông nghiệp tại Đồng Nai lại tăng cao như hiện nay dù hơn 1 năm qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến thị trường bất động sản ở nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam “hạ nhiệt”. Nguyên nhân khiến giá đất nông nghiệp chỉ có tăng mà không giảm là do ăn theo các công trình hạ tầng lớn của quốc gia, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như: cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, đường vành đai 3, cầu Cát Lái... Đây là thực trạng đã diễn ra hơn chục năm nay, bắt đầu từ các vùng phát triển khu công nghiệp, đô thị như các huyện Long Thành, Nhơn Trạch và vài năm trở lại đây “cơn sốt” này lan dần đến các huyện vùng sâu, vùng xa như: Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu...

Cùng với đó là làn sóng nhà đầu tư, trong đó có cả doanh nghiệp từ các tỉnh, thành khác mà chủ yếu là ở TP.HCM đầu tư “lướt sóng” để kiếm lời. Ông Trần Văn Hải, xã Xuân Đông (H.Cẩm Mỹ) kể, năm 2016, đất nông nghiệp trên địa bàn xã chỉ khoảng từ 240-800 triệu đồng/ha tùy theo vị trí. Thế nhưng đến nay, 1ha đất nông nghiệp đã tăng lên 1,5-8 tỷ đồng. Những thửa đất nông nghiệp gần mặt tiền đường lớn, giá có thể lên đến 1-2 tỷ đồng/sào (1 ngàn m2). Đa số là người dân ở TP.HCM về mua đất, chờ giá cao để bán lại. Ông Hải cho biết thêm: “Gia đình tôi có hơn 1ha đất đang trồng cây ăn trái được “cò” đất đến hỏi mua với giá hơn 6 tỷ đồng nhưng tôi không bán. Nông dân bán đất rồi lấy gì mà canh tác. Bán đất thì dễ chứ mua lại đất nông nghiệp để sản xuất rất khó”.

Tương tự, tại các huyện Tân Phú, Định Quán không chỉ khu vực gần quốc lộ, tỉnh lộ mà giá đất trên các tuyến đường liên xã, trong các ấp cũng tăng cao. Ông Trịnh Văn Sơn, Trưởng ấp 2, xã Thanh Sơn (H.Định Quán) cho biết: “Khoảng 4-5 năm trước, đất nông nghiệp ở khu vực xa trung tâm UBND xã Thanh Sơn giá chỉ gần 200 triệu đồng/ha, nhưng hiện đã lên đến hơn 1 tỷ đồng/ha, tăng gấp 5-6 lần; đất nằm trên các tuyến đường lớn có khi lên đến 5-7 tỷ đồng/ha. Do “cơn sốt” đất đẩy giá tăng lên chứ những khu vực nằm sâu phía trong chỉ sản xuất nông nghiệp, khó phát triển kinh doanh”.

Tại các khu vực có công nghiệp phát triển như các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, giá đất nông nghiệp còn bị những người đầu tư đẩy lên mức 20-50 tỷ đồng/ha. Đơn cử như giá đất nông nghiệp ở P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) được bán với giá 4-5 triệu đồng/m2; các phường vùng ven Phước Tân, Tam Phước cũng từ 3-4 triệu đồng/m2. Các xã Phước An, Tam An, Long Đức, Long An của H.Long Thành, đất nông nghiệp được chuyển nhượng với giá 2-3 triệu đồng/m2. Trên địa bàn H.Nhơn Trạch, khu vực các xã Phú Hữu, Đại Phước, Long Tân, Phú Hội, Long Thọ..., đất nông nghiệp mua bán ngoài thị trường tự do khoảng 2-4 triệu đồng/m2.

* Đất đang bị “thổi” giá

Những “cơn sốt” giá đất thường đi theo các thông tin đầu tư cầu, đường giao thông hoặc quy hoạch lên khu đô thị… Trong đó, không ít thông tin thất thiệt là do giới đầu cơ hoặc “cò” đất cố tình đồn thổi để thao túng giá bán.

Dọc tuyến đường 600A thuộc xã Phú An (H.Tân Phú), người dân treo bảng bán đất nông nghiệp với giá đất nền, có nơi rao giá 700 triệu đồng/128m2 . Ảnh: B.Nguyên
Dọc tuyến đường 600A thuộc xã Phú An (H.Tân Phú), người dân treo bảng bán đất nông nghiệp với giá đất nền, có nơi rao giá 700 triệu đồng/128m2 . Ảnh: B.Nguyên

Dưới góc nhìn của người đi mua đất, bà Lê Thị Thảo, người dân tại P.Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) chia sẻ, bà từng tìm mua đất ở khu vực km106 trên quốc lộ 20, thuộc xã Phú Ngọc (H.Định Quán) vì nghe thông tin về tiềm năng cho lợi nhuận tốt khi khu vực này sẽ quy hoạch lên thị trấn và có nhiều dự án đường giao thông lớn. Bà Thảo được “cò” giới thiệu miếng đất rộng 6.700m2 với giá 5,5 tỷ đồng. Mức giá này đã tăng theo cấp số nhân so với 2-3 năm về trước nhưng vẫn có nhiều khách tìm mua vì kỳ vọng đất khu vực này tiếp tục “sốt”. Bà Thảo cho biết: “Giá đất tăng cao như hiện nay là tình trạng chung ở tất cả các địa phương. Tôi từng được chào bán lô đất trồng cây hằng năm trên tuyến đường 600A nối với Vườn quốc gia Cát Tiên thuộc xã Phú An (H.Tân Phú) với giá 700 triệu đồng/nền 128m2”.

Cảnh báo về tình trạng đất nông nghiệp đang bị đẩy giá, Phó chủ tịch UBND H.Định Quán Ngô Tấn Tài cho hay, tình trạng nhập nhèm thông tin, đưa thông tin sai để “thổi” giá đất từng xảy ra tại địa phương. Cụ thể vào đầu năm 2020, giới đầu cơ, “cò” đất “thổi” thông tin khu vực km106 thuộc xã Phú Ngọc sẽ quy hoạch lên thị trấn, đầu tư đường liên tỉnh, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đi qua, thậm chí gắn với dự án không liên quan là Cảng hàng không quốc tế Long Thành để “thổi” giá đất lên rất nhiều lần. Tại khu vực này, hàng loạt văn phòng kinh doanh bất động sản được mở ra, “cò” đất tỏa ra các tuyến đường để chào bán đất, in thông tin quảng cáo dán khắp các cột điện, khu dân cư. Thực tế, khu vực này không hề được quy hoạch lên thị trấn, cũng không liên quan gì đến các dự án đường giao thông lớn nhưng “cò” đất vẫn nhập nhèm thông tin để tạo cơn “sốt ảo” về giá đất để thu hút người mua.

Ông Vũ Văn Phấn, nguyên Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, chuyên gia trên lĩnh vực bất động sản đánh giá, Đồng Nai là nơi có công nghiệp phát triển, người dân các nơi về tỉnh làm việc trong các khu công nghiệp đông nên nhu cầu về nhà, đất ở rất lớn. Đây cũng là khu vực đất đai đang “nóng”, doanh nghiệp, nhà đầu tư thứ cấp muốn đến Đồng Nai đầu tư vì còn nhiều tiềm năng phát triển. Vì vậy, bất động sản trên lĩnh vực công nghiệp, nhà ở, du lịch nghỉ dưỡng, thương mại dịch vụ, nông nghiệp thu hút rất nhiều nhà đầu tư. Trong đó, có những doanh nghiệp chỉ chạy theo lợi nhuận, mua bán đất nông nghiệp, phân lô, bán nền gây khó khăn trong công tác quản lý của chính quyền địa phương, giở chiêu trò “thổi” giá đất nông nghiệp lên cao gây ra những “cơn sốt ảo” về đất nông nghiệp, làm bất ổn thị trường bất động sản.

Bình Nguyên - Hương Giang

Bài 2: Đất sốt giá “ảo”, hệ lụy thật

Tin xem nhiều