Theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp phải dành tối thiểu 10% diện tích đất trồng cây xanh, doanh nghiệp hoạt động trong KCN phải dành tối thiểu 20% diện tích đất trồng cây xanh.
Theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp phải dành tối thiểu 10% diện tích đất trồng cây xanh, doanh nghiệp hoạt động trong KCN phải dành tối thiểu 20% diện tích đất trồng cây xanh. Quy định này nhằm làm giảm diện tích bê tông, giảm hiệu ứng nhà kính và hướng đến tạo cảnh quan sinh thái phục vụ mục đích phát triển công nghiệp bền vững.
Công nhân chăm sóc mảng xanh tại Khu công nghiệp Tam Phước (TP.Biên Hòa). Ảnh: B.MAI |
Mặc dù chưa đạt được tỷ lệ tuyệt đối, nhưng các chủ đầu tư phát triển hạ tầng, doanh nghiệp thứ cấp trong các KCN trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đến việc phát triển mảng xanh.
* Các KCN đảm bảo 10% diện tích cây xanh
Để hướng tới mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững, những năm gần đây Đồng Nai có nhiều giải pháp hữu hiệu như thu hút đầu tư có chọn lọc; đầu tư vốn cho các công trình nhằm xử lý triệt để nguồn nước thải, khí thải, chất thải rắn, công trình cảnh báo nguy cơ và ứng phó sự cố; yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp trong KCN tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về môi trường, trong đó có trồng cây xanh.
Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng của Bộ Xây dựng quy định đối với chủ đầu tư hạ tầng, diện tích đất trồng cây, vườn hoa, sân cỏ trong hàng rào tối thiểu phải bằng 10% tổng diện tích của toàn bộ KCN, cụm công nghiệp; diện tích đất cây xanh trong khuôn viên nhà máy tối thiểu 20% tổng diện tích đất xây dựng. |
Theo đại diện Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, hầu hết các KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đều thực hiện nghiêm túc việc dành đất cho hệ thống cây xanh, mặt nước và đường giao thông. Trong đó, có nhiều đơn vị phát triển hạ tầng, doanh nghiệp trong KCN đã đầu tư hệ thống cây xanh khá bài bản, đồng bộ, tạo cảnh quan sinh thái, tạo bức tường xanh làm giảm khí thải, bụi thải, tiếng ồn từ hoạt động sản xuất.
Để đạt được kết quả này, ngay từ khâu quy hoạch xây dựng, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai yêu cầu chủ đầu tư phát triển hạ tầng xây dựng quy hoạch KCN phải có đầy đủ các hạng mục theo quy định, trong đó, đảm bảo diện tích cây xanh tối thiểu là 10% tổng diện tích của KCN. Hằng năm có kế hoạch chỉnh trang, trồng cây xanh tại các tuyến đường nội bộ, khuôn viên của KCN. Đối với các doanh nghiệp thứ cấp trong KCN, ban quản lý yêu cầu mỗi công ty phải dành tối thiểu 20% diện tích đất cho hệ thống cây xanh, mặt nước và đường giao thông; kiên quyết không cấp phép xây dựng cho doanh nghiệp không đảm bảo yếu tố này.
Các KCN, doanh nghiệp trong KCN có thể trồng cây xanh theo dải liền khối (công viên) hoặc trồng xen kẽ giữa các công trình xây dựng, ở dải phân cách đường giao thông, hành lang công trình, tuy nhiên phải đảm bảo điều kiện thuận lợi cho giao thông, phòng cháy chữa cháy, ứng phó sự cố môi trường và phù hợp không gian kiến trúc khu vực xung quanh. Các trạm xử lý nước thải cũng phải trồng cây xanh để hạn chế mùi hôi phát tán ra xung quanh.
* Doanh nghiệp phải tham gia
Thực hiện quy định của pháp luật về môi trường và hưởng ứng phong trào Trồng cây xanh, nhiều doanh nghiệp quan tâm và thực hiện tốt quy định về trồng cây xanh trong khuôn viên nhà máy. Tích cực tham gia trồng các loại cây xanh, thảm cỏ ở KCN và trồng rừng góp phần tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường hiệu quả.
Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu) là một trong những doanh nghiệp tiên phong và thực hiện tốt quy định về trông cây xanh. Theo lãnh đạo công ty, từ khi thiết kế xây dựng, công ty yêu cầu phải có công viên gần nhà ăn, có dải cây xanh ngăn cách các khu, nhà xưởng. Ngay khi xây dựng nhà máy, công ty đã đầu tư hàng tỷ đồng để trồng nhiều loại cây xanh, thảm cỏ. Công ty thuê đội ngũ làm công tác vệ sinh môi trường và chăm sóc cây xanh thường xuyên nhằm xây dựng môi trường thân thiện, tạo khuôn viên thoáng mát và trong lành cho công nhân nghỉ ngơi.
Mảng xanh trong khuôn viên Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu) |
Tại Công ty TNHH Dệt may Eclat Việt Nam (H.Nhơn Trạch), nhiều cây xanh thuộc hàng cổ thụ được trồng bao quanh khuôn viên nhà máy. Bên trong, nhiều bồn hoa, cây cảnh được bố trí đẹp mắt. Bà Nguyễn Thị Tiếp, quản lý nhân sự công ty cho biết, doanh nghiệp đang nỗ lực tạo nên một nhà máy xanh. Ở mỗi nhà xưởng, nhà kho đều được bao quanh bằng hệ thống cây xanh, bồn hoa, thảm cỏ. Những tán cây vừa làm giảm độ nóng cho nhà xưởng, hạn chế tiếng ồn, mùi hôi vừa tạo môi trường làm việc xanh - sạch - đẹp - thân thiện cho công nhân.
Trên thực tế, bên cạnh những doanh nghiệp làm tốt công tác bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực sự đầu tư trồng cây xanh trong khuôn viên nhà máy theo quy định. Nguyên nhân là chi phí thuê đất công nghiệp ngày càng cao, việc đầu tư và duy trì công trình cây xanh tốn kém, do thay đổi về tỷ lệ diện tích cây xanh tối thiểu thời điểm trước và sau năm 2015, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến môi trường.
Mới đây, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào Tết trồng cây và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021. Kế hoạch yêu cầu Ban Quản lý các KCN Đồng Nai rà soát, kiểm tra tỷ lệ diện tích tối thiểu trồng cây xanh theo quy định đối với chủ đầu tư hạ tầng và các doanh nghiệp trong KCN. Vận động doanh nghiệp phát triển thêm cây xanh trong khuôn viên nhà máy, hành lang KCN để hạn chế ô nhiễm môi trường; yêu cầu và có chế tài với doanh nghiệp không trồng cây xanh theo quy định.
Ban Mai