Vụ thu hoạch năm nay, năng suất cây tiêu thấp hơn mọi năm, ngoài yếu tố ảnh hưởng của thời tiết còn do giá tiêu vẫn thấp hơn giá thành sản xuất. Nhiều vườn tiêu có nguy cơ suy kiệt, rơi vào cảnh bị chặt bỏ.
Vụ thu hoạch năm nay, năng suất cây tiêu thấp hơn mọi năm, ngoài yếu tố ảnh hưởng của thời tiết còn do giá tiêu vẫn thấp hơn giá thành sản xuất. Nhiều vườn tiêu có nguy cơ suy kiệt, rơi vào cảnh bị chặt bỏ.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (phải) đi khảo sát vườn tiêu của nông dân tại xã Lâm San, H.Cẩm Mỹ. Ảnh: B.Nguyên |
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, với hơn 12 ngàn ha, là cây trồng chiếm diện tích khá lớn ở Đồng Nai nên có thể nói cây tiêu vẫn là cây trồng chủ lực của tỉnh. Vấn đề hiện nay, tỉnh không khuyến khích phát triển thêm diện tích cây tiêu mà có thể sẽ tập trung triển khai các nhóm giải pháp nhằm nâng cao giá trị của cây trồng này qua việc nâng được năng suất, chất lượng, đảm bảo các yêu cầu, tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường để nông dân trồng tiêu ổn định sản xuất.
* Tiếp tục gặp khó trong vụ thu hoạch mới
Hiện vườn tiêu hơn 2ha của ông Phan Kiệm, nông dân xã Lâm San (H.Cẩm Mỹ) đang trong mùa thu hoạch. Niên vụ này, đầu vụ mưa không đều nên năng suất tiêu thấp hơn hẳn mọi năm. Mất mùa nhưng giá tiêu bán tại vườn chưa vượt quá 50 ngàn đồng/kg, vẫn thấp hơn giá thành sản xuất khiến nông dân lại tiếp tục đối mặt với vụ thu hoạch nhiều khó khăn. Theo ông Phan Kiệm, giá tiêu thấp trong khi giá nhân công hái tiêu cao, tại địa phương lại khó tìm người hái tiêu nên nhiều nhà vườn năng suất thấp đành bỏ mặc không thu hoạch vì thu là lỗ tiền công. Nhà vườn nào có năng suất khá hơn thì thuê nhân công thu hoạch với giá từ 230-250 ngàn đồng/ngày hoặc nông dân chọn giải pháp thuê công thu hoạch theo hình thức lấy chia cho người hái 50-60% tổng sản lượng tiêu thu hoạch mỗi ngày, giá nhân công quá cao trong khi giá tiêu thấp khiến nông dân trồng tiêu càng khó khăn vì cầm chắc thua lỗ.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, UBND tỉnh rất quan tâm đến khó khăn của nông dân trồng tiêu nên đã có chương trình về làm việc với HTX Nông nghiệp Lâm San, với các địa phương rà soát lại các chính sách hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất cũng như tiêu thụ hồ tiêu; giúp nông dân trồng tiêu ổn định được sản xuất chứ không để xảy ra tình trạng chặt bỏ tiêu tiếp tục chuyển sang cây trồng khác. Thời gian tới, tỉnh sẽ quan tâm đưa các chính sách hỗ trợ về sơ chế, về kỹ thuật sản xuất, đánh giá chứng nhận GAP, xây dựng thương hiệu hàng hóa… để hồ tiêu đạt chuẩn xuất khẩu sang châu Âu và các thị trường khó tính. Mục tiêu cuối cùng là để cây tiêu phát triển bền vững, nông dân trồng tiêu có thu nhập tốt hơn, ổn định được cuộc sống nhờ cây trồng này. |
Nhiều hộ dân trồng tiêu chọn giải pháp mua lưới về trải trong vườn hứng tiêu rụng dần hoặc kéo dài thời gian thu hoạch. Tuy nhiên, với mức đầu tư từ 40-50 triệu đồng mua lưới/ha tiêu thì không phải nông dân nào cũng có điều kiện chọn giải pháp này.
Ông Huỳnh Tấn Thìn, Chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ, địa phương hiện đang đứng đầu về diện tích cây tiêu trên địa bàn tỉnh cho biết, suốt 3 năm qua, nông dân trồng tiêu liên tục gặp khó khăn do giá tiêu luôn thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất và có thể nói hiện đang là thời điểm nông dân khó khăn nhất vì tiêu vừa mất mùa, vừa mất giá. Theo ông Thìn, việc phá bỏ một vườn tiêu hay trồng lại đều không đơn giản. Chủ trương của huyện hiện nay không có kế hoạch mở rộng diện tích trồng tiêu trong tình hình giá tiêu thấp, dịch bệnh khiến nhiều diện tích tiêu chết mà muốn hỗ trợ nông dân chăm sóc, giữ ổn định diện tích tiêu hiện có. Địa phương có thế mạnh là nông dân trồng tiêu nhiều năm gắn bó với cây tiêu, có kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cây trồng này. Ở đây, giải pháp để ổn định đời sống cho người dân trong giai đoạn hiện nay là chú trọng vào kỹ thuật chăm sóc để giảm giá thành, tăng năng suất, chất lượng để có lợi nhuận cao hơn.
* Hỗ trợ nông dân ổn định sản xuất
Những năm trước đây, giá trị của cây tiêu cao nên có thời điểm diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh tăng lên 17-18 ngàn ha. 3 năm trở lại đây, giá tiêu liên tục ở mức dưới giá thành sản xuất, giá trị sản xuất của cây tiêu thấp hơn những cây trồng khác nên nông dân tự bỏ tiêu chuyển đổi sang cây trồng khác khiến diện tích hồ tiêu giảm hàng ngàn ha.
Nỗ lực vượt khó, HTX Lâm San, đơn vị đầu tư dự án Cánh đồng lớn cho cây tiêu ở xã Lâm San (H.Cẩm Mỹ) đã có nhiều giải pháp nhằm tăng giá trị cho hồ tiêu. Ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lâm San chia sẻ, gần đây, HTX đầu tư hệ thống máy bóc tách vỏ và sấy tiêu mang lại giải pháp tiết kiệm chi phí, không gây ô nhiễm môi trường mà quan trọng nhất là làm ra hạt tiêu sọ đạt chuẩn xuất khẩu đi châu Âu. Chất bã từ quy trình sơ chế này cũng được tận dụng sử dụng trong chăn nuôi và cũng xuất khẩu tốt nên góp phần tăng giá trị cho hạt tiêu xuất khẩu. “Để dự án cánh đồng lớn thật sự phát huy hiệu quả và cây tiêu phát triển bền vững, nông dân trồng tiêu và HTX rất mong được tiếp cận nhanh nhất các chính sách hỗ trợ dành cho dự án cánh đồng lớn” - ông Luân kiến nghị.
Bàn về giải pháp phát triển bền vững cho cây hồ tiêu, ông Huỳnh Tấn Thìn cho biết thêm, chủ trương của H.Cẩm Mỹ là tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ dự án cánh đồng lớn cho cây tiêu do HTX Lâm San triển khai như: hỗ trợ về bảo vệ thực vật, hỗ trợ về vật tư hệ thống tưới tiết kiệm, hỗ trợ về kỹ thuật canh tác, hỗ trợ phân tích mẫu đất, nước… Kết quả, thời gian qua, tổng kinh phí địa phương hỗ trợ cho dự án cánh đồng lớn sản xuất, tiêu thụ hồ tiêu cho HTX Lâm San là khoảng 17,3 tỷ đồng. Trong quý II này, huyện tiếp tục đẩy nhanh việc hỗ trợ nguồn kinh phí còn lại cho nông dân theo kế hoạch trong dự án. Trong việc đầu tư chế biến, xã, huyện đã có quy hoạch hỗ trợ HTX đầu tư khu kho bãi, sơ chế, chế biến. Ngoài ra, huyện cũng mong được tỉnh và các chuyên gia hỗ trợ tìm thêm giải pháp trồng xen canh cây gì vào vườn tiêu để tăng hiệu quả đất canh tác.
Bình Nguyên