Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tại Việt Nam (Quyết định 13) đã hết hiệu lực từ ngày 31-12-2020. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Công thương vẫn chưa trình Chính phủ quy định mới thay thế.
Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tại Việt Nam (Quyết định 13) đã hết hiệu lực từ ngày 31-12-2020. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Công thương vẫn chưa trình Chính phủ quy định mới thay thế.
Công ty CP Công nghệ tích hợp Sao Nam (TP.HCM) giới thiệu sản phẩm ngói phát điện đến khách hàng. Ảnh: Hoàng Lộc |
Đây là lần thứ 2 chính sách phát triển ĐMTMN bị bỏ trống, tính từ ngày 1-7-2019. Điều này khiến nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân đang và sắp làm điện mặt trời không khỏi lo lắng.
* Lỗ hổng chính sách
Sau gần 1 năm bỏ “trống” chính sách đối với các dự án phát triển ĐMTMN, ngày 6-4-2020, Thủ tướng ký ban hành Quyết định số 13. Điểm nhấn của quyết định này là các dự án ĐMTMN có quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23-11-2019 và có ngày vận hành thương mại của dự án hoặc một phần dự án trong giai đoạn từ ngày 1-7-2019 đến hết ngày 31-12-2020 được ký hợp đồng bán điện với giá cố định 1.943 đồng/kWh, áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Ngay sau đó, hàng loạt cơ chế liên quan đến thủ tục đầu tư lắp đặt, sản xuất và nhập khẩu thiết bị, hỗ trợ vay tín dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư được các bộ, ban, ngành, địa phương triển khai. ĐMTMN như bước vào giai đoạn phát triển “bùng nổ”, góp phần làm giảm áp lực nguồn cung, áp lực đầu tư hạ tầng.
Tính đến hết ngày 31-12-2020, cả nước có hơn 101 ngàn công trình ĐMTMN được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt gần 9,3 ngàn MWp, tổng sản lượng điện phát lưới đạt hơn 1,15 tỷ kWh. Riêng tại Đồng Nai, trong năm 2020 có hơn 4,5 ngàn khách hàng lắp đặt ĐMTMN được ký hợp đồng, gấp 3 lần số khách hàng lắp đặt của những năm trước cộng lại; tổng công suất lắp đặt hơn 664MWp, gấp 14,7 lần chỉ tiêu được giao trong năm (45MWp). Tổng sản lượng ĐMTMN phát lên lưới hiện đạt hơn 61 triệu kWh.
Giữa lúc ĐMTMN đang gia tăng mạnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra thông báo: Quyết định số 13 đã hết hiệu lực từ ngày 31-12-2020 và đến nay chưa có quyết định mới của Thủ tướng và hướng dẫn thực hiện tiếp theo của Bộ Công thương, do đó, các công ty điện lực dừng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ các hệ thống ĐMTMN phát triển sau ngày 31-12-2020 cho đến khi có hướng dẫn mới của cơ quan có thẩm quyền. Điện mặt trời chính thức “trống” chính sách lần 2.
Ông Bùi Việt Phương, Trưởng bộ phận marketing, Công ty TNHH Kỹ thuật Đạt (TP.HCM) cho rằng, khoảng 1 tháng trở lại đây, các dự án ĐMTMN kể cả đang và sắp triển khai đều có dấu hiệu chững lại. Người dân, doanh nghiệp không dám lắp đặt vì e ngại ngành Điện không đấu nối, mua điện, công ty phải tính toán lại sản lượng thiết bị nhập về, hoạt động kinh doanh gần như không phát triển. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ thúc đẩy truyền thông về giải pháp điện mặt trời có lưu trữ năng lượng. Giải pháp này giúp khách hàng lưu trữ điện từ hệ thống vào giờ bình thường và phát sử dụng trong giờ cao điểm. Lắp đặt ĐMTMN ngoài mục đích nối lưới còn mục đích sử dụng tại chỗ cho các hộ gia đình, doanh nghiệp sản xuất” - ông Phương chia sẻ.
* Rủi ro cho nhà đầu tư
Theo chia sẻ của các nhà đầu tư, việc thay đổi chính sách hoặc chậm trễ ban hành chính sách mới khi chính sách cũ hết hiệu lực đều gây nên những rủi ro, bất lợi. Với các dự án ĐMTMN cũng vậy, trước khi triển khai dự án, nhà đầu tư phải tính toán kỹ chi phí đầu tư, giá bán, thời gian thu lợi dựa trên quy định hiện hành. Do đó, chính sách về giá mua điện, thủ tục pháp lý phải rõ ràng và ổn định trong thời gian dài để khuyến khích các hộ gia đình, doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia.
Ông Nguyễn Thượng Quân, Giám đốc Công ty CP Công nghệ tích hợp Sao Nam (TP.HCM) cho rằng, việc chậm trễ ban hành chính sách đã tác động không nhỏ đến các đơn vị sản xuất và kinh doanh thiết bị, doanh nghiệp và các nhà đầu tư làm ĐMTMN. Trong thời gian chờ quyết định mới, Bộ Công thương nên tính toán phương án đề xuất gia hạn Quyết định số 13 đến hết năm 2021. Lý do ông Quân đưa ra là Quyết định số 13 từ khi ban hành đến khi hết hiệu lực chỉ tồn tại gần 8 tháng, thời gian này dịch Covid-19 bùng phát và cả nước thực hiện giãn cách xã hội đã tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và triển khai các dự án điện mặt trời của nhà đầu tư.
Ông Bùi Việt Phương, Trưởng bộ phận marketing, Công ty TNHH Kỹ thuật Đạt cũng cho rằng, mặc dù các doanh nghiệp rất nỗ lực “chạy đua” với Quyết định 13 nhưng vẫn còn những công trình, những dự án chưa thể phát lưới trước ngày 1-1-2021. Công ty kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền có thể chưa ghi nhận sản lượng và ký hợp đồng mua bán điện nhưng sớm ban hành văn bản cho phép các doanh nghiệp, hộ gia đình có công trình ĐMTMN hoàn thành sau ngày 31-12-2020 được đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Như vậy, ĐMTMN sẽ không bị chững lại, vừa đạt mục tiêu phát triển năng lượng xanh vừa giảm áp lực thiếu năng lượng.
Hầu hết các nhà đầu tư, đơn vị kinh doanh thiết bị ĐMTMN đều đang mong chờ cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành quy định mới, tiếp tục có chính sách khuyến khích lâu dài để các hộ gia đình, doanh nghiệp yên tâm đầu tư điện mặt trời phát lưới và sử dụng tại chỗ nhằm tiết kiệm điện.
Thông tin từ Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết, đơn vị đang phối hợp với các đơn vị tư vấn nghiên cứu các mô hình, quy mô và giá mua bán điện tương ứng cho từng loại hình ĐMTMN. Dự kiến trong quý I-2021, Cục sẽ có báo cáo Bộ Công thương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích ĐMTMN cho giai đoạn tiếp theo. |
Hoàng Lộc