Báo Đồng Nai điện tử
En

Bất cập trong cấp phép thăm dò, khai thác vật liệu san lấp

11:01, 18/01/2021

Thời gian qua, nhiều địa phương xảy ra tình trạng lợi dụng cải tạo đất sản xuất nông nghiệp, hạ độ cao mặt bằng, cải tạo ao nuôi thủy sản tận thu đất làm vật liệu san lấp (VLSL).

Thời gian qua, nhiều địa phương xảy ra tình trạng lợi dụng cải tạo đất sản xuất nông nghiệp, hạ độ cao mặt bằng, cải tạo ao nuôi thủy sản tận thu đất làm vật liệu san lấp (VLSL).

Một công trình hạ độ cao mặt bằng có thu hồi đất tại P.Phước Tân, TP.Biên Hòa. Ảnh: B.Mai
Một công trình hạ độ cao mặt bằng có thu hồi đất tại P.Phước Tân, TP.Biên Hòa. Ảnh: B.Mai

Việc làm này vừa gây tác động tiêu cực đến môi trường, lãng phí nguồn tài nguyên vừa làm thất thoát nguồn thu. Mới đây, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo rà soát nhu cầu và siết chặt việc cấp phép thăm dò, khai thác VLSL.

* Lợi dụng cải tạo đất lấy đất, đá bán

Tại cuộc họp liên quan đến quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm VLSL trên địa bàn tỉnh mới đây, ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở
TN-MT cho rằng, để giải quyết nhu cầu VLSL làm công trình xây dựng dân dụng, đường giao thông nông thôn mới, tỉnh cho phép một số trường hợp được cải tạo đất nông nghiệp có thu hồi VLSL chuyển ra ngoài. Tuy nhiên, do công tác giám sát, kiểm tra chưa thường xuyên và chặt chẽ, đã xảy ra tình trạng khai thác không phép, thu hồi khoáng sản đem bán không đúng với quy định của Luật Khoáng sản.

“Mục đích của cải tạo đất là làm tăng độ phì nhiêu, tăng năng suất cây trồng. Nhưng trên thực tế, cải tạo thì ít mà móc đất, đá bán thì nhiều. Cải tạo 2, 3 năm chưa xong, có trường hợp đề xuất gia hạn 5 năm. Một số khu vực cải tạo đất xong trở thành hõm sâu, không trồng cây được” - ông Hưng cho biết.

Theo thông tin từ Sở TN-MT, từ tháng 9-2017, tỉnh chủ trương không giải quyết hồ sơ đề xuất cải tạo đất nông, lâm nghiệp làm VLSL nữa, nhưng việc cải tạo đất vẫn diễn ra. Năm 2019, UBND tỉnh ban hành văn bản có nội dung, khi tổ chức, cá nhân có nhu cầu cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi VLSL, Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Sở TN-MT và các đơn vị liên quan thẩm định phương án cải tạo đất, nhấn mạnh các giải pháp làm tăng độ phì nhiêu của đất để hạn chế tối đa san ủi mặt bằng, thu hồi đất dôi dư làm VLSL.

Ông Trần Lâm Sinh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, việc cải tạo mặt bằng, cải tạo đất trong sản xuất nông nghiệp đơn thuần là cần thiết và không phải xin phép. Các dự án xin phép là có tận thu đất, nhưng tận thu ở mức nào lại do Sở TN-MT thẩm định. Theo ông Sinh, năm 2020, Sở NN-PTNT đã tổ chức kiểm tra, giám sát việc cải tạo đất của người dân rất nhiều lần nhưng không giải quyết được do các bên chưa có sự phối hợp, các dự án cải tạo đất kéo dài nhiều năm nên tốn nhiều nhân công, thời gian.

Tương tự với đất lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản, nhiều địa phương khá lúng túng khi người dân xin hạ độ cao mặt bằng đất trồng cây lâu năm, xin cải tạo đất làm ao nuôi, trồng thủy sản. Bởi những trường hợp này đều có thu hồi đất đưa đi nơi khác.

* Siết quy định khai thác VLSL

Về góc độ địa phương, ông Nguyễn Văn Linh, Phó chủ tịch UBND H.Xuân Lộc cho rằng, nhiều chủ công trình xây dựng hạ tầng đặt vấn đề nguồn cung VLSL nhưng huyện chưa có câu trả lời cụ thể. Theo ông Linh, phải có quy hoạch khai thác VLSL của tỉnh. Sau đó, tùy từng công trình, địa phương giới thiệu cho chủ đầu tư làm thủ tục đăng ký thăm dò, khai thác. Như vậy vừa tạo điều kiện để các công trình thực hiện đúng thời gian, đúng tiến độ vừa hạn chế tình trạng san ủi mặt bằng lấy đất đem bán hoặc công trình ở địa phương này nhưng lại lấy VLSL ở nơi khác xa hơn.

Sở TN-MT thì kiến nghị tỉnh ban hành văn bản yêu cầu các huyện, thành phố đánh giá lại nhu cầu VLSL, từ đó đề xuất bỏ hoặc bổ sung địa điểm vào quy hoạch khai thác VLSL giai đoạn 2021-2025; đối với trường hợp hạ độ cao có thu hồi VLSL, nếu đất san ủi dùng làm công trình tại chỗ thì không phải xin phép khai thác, còn đất san ủi xong đưa đi nơi khác thì phải tính toán khối lượng để tính thuế, phí và cấp quyền khai thác khoáng sản. Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, địa phương khoanh định các khu vực không đấu giá quyền khai thác VLSL, xây dựng quy hoạch khai thác VLSL của tỉnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, các dự án đang và sắp triển khai đều cần rất nhiều VLSL. Mặc dù tỉnh đã có nghị quyết về việc quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Đồng Nai giai đoạn
2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030, tuy nhiên, qua báo cáo của các ngành, địa phương cho thấy, việc cấp phép thăm dò, quản lý khai thác và thu phí tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là VLSL còn nhiều hạn chế, gây thất thu cho ngân sách. Trong quy hoạch khai thác VLSL tới đây phải làm kỹ khu vực được phép thăm dò, khai thác, khu vực cấm; cải tạo đất như thế nào.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi yêu cầu phải siết chặt công tác cấp phép thăm dò, khai thác VLSL, nhưng đồng thời tạo điều kiện về mặt thủ tục cho các chủ đầu tư. “Thủ tướng cho phép Đồng Nai chủ động đề xuất, bổ sung quy hoạch khai thác khoáng sản tạo điều kiện cho dự án Sân bay Long Thành và các dự án trọng điểm quốc gia. Sở TN-MT tham khảo cách làm của các địa phương đề xuất quy trình, thủ tục theo hướng đơn giản hóa cho nhà đầu tư đăng ký khai thác” - Phó chủ tịch UBND tỉnh cho hay.

Đồng Nai có nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản lớn, hoạt động khai thác khoáng sản diễn ra sôi động. Hiện toàn tỉnh có 47 dự án khai thác khoáng sản (thuộc nhóm vật liệu xây dựng và nước khoáng) được Bộ TN-MT và UBND tỉnh cấp phép hoạt động. 36 dự án đang hoạt động, 5 dự án đang trong quá trình xây dựng cơ bản, còn lại chưa hoạt động, ngưng hoạt động và hết hạn khai thác. Bên cạnh các mỏ khoáng sản theo quy hoạch, tại một số địa phương diễn ra tình trạng khai thác khoáng sản không phép, trá hình.

            Ban Mai

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích