Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, một số quốc gia phát triển như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã kêu gọi các doanh nghiệp (DN) dịch chuyển sản xuất về nước hoặc đầu tư sang nước thứ ba nhằm đa dạng hoá chuỗi cung ứng. Trong xu thế đó, Việt Nam là nơi có nhiều cơ hội đón dòng vốn dịch chuyển.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, một số quốc gia phát triển như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã kêu gọi các doanh nghiệp (DN) dịch chuyển sản xuất về nước hoặc đầu tư sang nước thứ ba nhằm đa dạng hoá chuỗi cung ứng. Trong xu thế đó, Việt Nam là nơi có nhiều cơ hội đón dòng vốn dịch chuyển.
Sản xuất các loại pin để xuất khẩu tại Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2. Ảnh: K.Minh |
Hiện nay, Đồng Nai là nơi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ lớn của cả nước nên nhiều DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) muốn đầu tư vào tỉnh để dễ dàng tìm được đối tác cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhau nhằm tăng được tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu vào những nước Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại. Đây cũng là dịp để DN trên địa bàn tỉnh tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu sâu hơn.
* Chuỗi cung ứng bị phân tán
Lâu nay, chuỗi cung ứng toàn cầu lệ thuộc khá lớn vào một vài quốc gia như: Trung Quốc, Ấn Độ. Do đó, khi xảy ra đại dịch, các nước phát triển trên thế giới đã có tính toán phân bổ lại chuỗi cung ứng để không tập trung quá nhiều vào một vài quốc gia. Trong vòng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng có nhiều cơ hội đón được làn sóng trên với các ưu điểm: phòng chống dịch Covid-19 khá tốt, chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế cao so với các nước trong khu vực.
Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, DN Việt Nam tại Đồng Nai tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu chưa nhiều. Đơn cử trong xuất khẩu, sản phẩm của DN Việt tại Đồng Nai chỉ chiếm gần 20% trong tổng kim ngạch, còn lại hơn 80% thuộc về DN FDI. |
Ông Lee Jeong Man, Trưởng Văn phòng Đại diện tỉnh Gyeongnam tại TP.HCM cho biết: “Nhiều DN Hàn Quốc đã đầu tư vào tỉnh hơn 20 năm và khá thành công. Do đó, khoảng 4 năm nay, số DN Hàn Quốc đầu tư vào Đồng Nai tăng nhanh và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới”.
Hiện tại, Hàn Quốc đầu tư vào Đồng Nai gần 6,8 tỷ USD, dẫn đầu các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh. Các DN Hàn Quốc đa phần đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thuộc các ngành Dệt may, Giày dép, Điện tử, Máy móc thiết bị. Các DN Hàn Quốc khi đầu tư vào tỉnh cũng tìm đối tác cung ứng sản phẩm đầu vào cho mình nên góp phần đưa các DN trên địa bàn cùng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc, kim ngạch xuất khẩu của lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở Đồng Nai chiếm hơn 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Điều này chứng tỏ các DN ngày càng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Với ngành Dệt may, Giày dép, Sản phẩm gỗ, các DN trên địa bàn tỉnh thường xuất khẩu sản phẩm đã hoàn thiện. Trong đó, nhiều DN gia công cho những thương hiệu lớn trên thế giới. Đơn hàng và kim ngạch cho những mặt hàng trên mỗi năm đều tăng trưởng khá. Vì thế, DN tại Việt Nam đang từng bước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và phân phối sản phẩm công nghiệp trên toàn cầu.
* Đón làn sóng dịch chuyển sản xuất
Trên rất nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp như: giày dép; dệt may; máy móc thiết bị và phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện... hiện đang có sự bàn thảo, sắp xếp, phân bố lại chuỗi cung ứng. Theo đó, thời gian tới, nhiều tập đoàn, DN sẽ có sự dịch chuyển sản xuất sang các nước trong khu vực ASEAN.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da - giày - túi xách Việt Nam cho biết: “Các tập đoàn giày dép lớn trên thế giới đang dự tính dịch chuyển khoảng 15-20% chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước khác. Việt Nam là nơi có thể đáp ứng nhanh các đơn hàng lớn, khó nên sẽ được lựa chọn nhiều. Khi đại dịch Covid-19 lắng xuống, nhiều đơn hàng giày dép, túi xách sẽ dịch chuyển về Việt Nam”.
Thực tế, đại dịch Covid-19 đã khiến cho kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề, mức tăng trưởng âm, nhưng một số mặt hàng xuất khẩu của Đồng Nai vẫn tăng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sản phẩm gỗ; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng. Cụ thể, trong 8 tháng của năm 2020, kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử đạt gần 490 triệu USD, tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm trước, sản phẩm gỗ đạt hơn 986 triệu USD, tăng hơn 5%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng hơn 1,15 tỷ USD, tăng gần 5%.
Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành, tỉnh, thành để tháo gỡ vướng mắc thúc đẩy kinh tế phát triển, Bộ trưởng Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Kiểm soát và khống chế được dịch bệnh Covid-19 đã giúp cho các nhà đầu tư tin tưởng và đánh giá cao môi trường đầu tư ở Việt Nam. Trong tình hình dịch bệnh, kinh tế thế giới tăng trưởng âm thì Việt Nam là một trong số ít quốc gia vẫn giữ mức tăng trưởng dương là điểm cộng khá cao để DN FDI chọn dịch chuyển sản xuất đến. Tới đây, Việt Nam sẽ là nơi được nhiều tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào để mở rộng sản xuất, xuất khẩu”.
Đồng Nai sẽ là điểm đến được nhiều DN FDI chọn lựa để dịch chuyển các đơn hàng về. Các DN tại Đồng Nai đợi dịch lắng xuống, giao thương với các nước thuận lợi, các đơn hàng sẽ tăng nhanh.
Khánh Minh