UBND tỉnh vừa phê duyệt mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025. Đây được xem là "lá chắn" phục vụ cho công tác quản lý, xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường.
UBND tỉnh vừa phê duyệt mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Mạng lưới này được xem là “lá chắn” phục vụ cho công tác quản lý, xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường và dự báo nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí.
Một trạm quan trắc không khí tự động, di động bằng xe của Sở TN-MT. Ảnh:L. An |
* Xây dựng mạng lưới giám sát
Từ năm 2016, Đồng Nai đã phê duyệt mạng lưới quan trắc môi trường đất, nước, không khí nhưng còn phân tán, riêng rẽ và chưa thống nhất về phương pháp, quy trình, thông số, tần suất quan trắc.
Mới đây, Sở TN-MT đề xuất và UBND tỉnh đã phê duyệt mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường bảo đảm thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh, đồng bộ, áp dụng công nghệ quan trắc tiên tiến nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin về chất lượng môi trường, phục vụ cho công tác quản lý, xử lý, khắc phục và dự báo nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Theo quyết định phê duyệt đến năm 2025, Đồng Nai có mạng lưới quan trắc môi trường các thành phần: nước mặt, trầm tích, nước ngầm; đất và không khí. Cụ thể, về mạng lưới quan trắc định kỳ môi trường nước, trong 5 năm tới, Đồng Nai có 169 vị trí quan trắc chất lượng nước mặt định kỳ, 29 vị trí quan trắc chất lượng dòng chảy, 56 vị trí quan trắc trầm tích, 127 công trình quan trắc nước dưới đất. Trong giai đoạn 2025-2030, Đồng Nai tiếp tục duy trì mạng lưới quan trắc này và phát triển thêm 2 vị trí quan trắc chất lượng nước mặt định kỳ.
Về mạng lưới quan trắc không khí, từ nay đến năm 2025, Đồng Nai thực hiện quan trắc không khí ở 148 vị trí. Trong đó, có 2 vị trí khu vực nền, 7 vị trí khu vực xử lý chất thải rắn, 9 vị trí khu vực khai thác đá, 16 vị trí khu vực sân bay Biên Hòa, 21 vị trí khu vực giao thông công cộng có mật độ phương tiện cao, 25 vị trí khu vực dân cư và 70 vị trí khu vực khu công nghiệp. Các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao như: khu/cụm công nghiệp, khu vực giao thông công cộng có mật độ phương tiện cao sẽ được bổ sung thêm các vị trí quan trắc sau năm 2025.
Trong quan trắc môi trường đất, tỉnh sẽ thiết lập mạng lưới quan trắc ở 92 vị trí (giai đoạn 2020-2025) và nâng lên 96 vị trí năm 2030. Các khu vực đất công nghiệp, đất sản xuất nông nghiệp và vùng phụ cận sân bay Biên Hòa được bố trí nhiều vị trí quan trắc.
Ngoài ra, tỉnh cũng xây dựng mạng lưới quan trắc tự động với 11 trạm quan trắc nước mặt, 6 trạm quan trắc không khí tự động cố định và 1 xe quan trắc không khí tự động di động. Thành lập Trung tâm Quan trắc và kỹ thuật môi trường (thuộc Sở TN-MT) thực hiện giám sát định kỳ, đột xuất và tự động diễn biến môi trường trên địa bàn tỉnh.
* Kiểm soát chất lượng môi trường
Theo Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức, việc tăng cường, mở rộng, đưa vào vận hành mạng lưới quan trắc phù hợp, duy trì hoạt động ổn định sẽ cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác và có hệ thống các dữ liệu về chất lượng môi trường đất, nước, không khí cho cơ quan quản lý; nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường các khu vực trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác quản lý môi trường theo Quy hoạch mạng lưới quan trắc TN-MT quốc gia giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ.
Cán bộ môi trường lấy mẫu nước trên sông Đồng Nai thực hiện quan trắc |
Ngành TN-MT cho rằng, sự đồng bộ về mạng lưới quan trắc sẽ xác định được chính xác nguồn ô nhiễm, khả năng phát tán ô nhiễm, là cơ sở để các cơ quan, ban, ngành thực hiện chức năng giám sát môi trường. Từ đó, có những kiến nghị, đề xuất phù hợp với cơ quan quản lý, từng bước hoàn thiện chính sách bảo vệ môi trường và ứng phó với sự cố môi trường.
Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả mạng lưới quan trắc môi trường đến năm 2030, tỉnh phê duyệt kế hoạch bổ sung nguồn nhân lực, đào tạo chuyên môn cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ quan trắc; nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ quan trắc tự động tiên tiến giúp cảnh báo sớm, chính xác nguy cơ ô nhiễm.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho rằng, công tác phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường; khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường trên địa bàn tỉnh ngày càng được chú trọng và nâng cao chất lượng.
Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã ban hành 2 quyết định phê duyệt mạng lưới quan trắc môi trường. Tỉnh dành nguồn kinh phí lớn đầu tư nhiều công trình, dự án liên quan đến bảo vệ môi trường như: trạm xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp, khu đô thị; lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, không khí tự động tại các nơi có nguy cơ ô nhiễm cao, vận động và yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, khai thác khoáng sản có phát sinh nguồn thải lớn lắp đặt quan trắc tự động và truyền dữ liệu về Trung tâm Quan trắc và kỹ thuật môi trường giám sát liên tục; đẩy mạnh thu gom, xử lý các loại chất thải, thực hiện nạo vét kênh mương và xây dựng các công trình chống ngập. Cùng với đó là dự án hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn về môi trường đối với các dự án hạ tầng, thu hút đầu tư.
Có thể thấy, giảm thiểu ô nhiễm môi trường là vấn đề nan giải và lâu dài. Bên cạnh nỗ lực của tỉnh trong nâng cao chất lượng quan trắc môi trường, sự chung tay của các sở, ngành, doanh nghiệp, các nhà khoa học và cộng đồng là rất cần thiết để nâng cao chất lượng môi trường; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường bền vững.
Lê An