Báo Đồng Nai điện tử
En

Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế cao nhất ASEAN

09:07, 02/07/2020

Ngày 2-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, tỉnh, thành trong cả nước về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm. Chính phủ đưa ra một loạt giải pháp để phục hồi nền kinh tế trong thời gian tới.

Ngày 2-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, tỉnh, thành trong cả nước về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm. Chính phủ đưa ra một loạt giải pháp để phục hồi nền kinh tế trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Ảnh: chinhphu.vn
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Ảnh: chinhphu.vn

Trong 6 tháng đầu năm, thành công nhất của Việt Nam là khống chế được dịch Covid-19 không để lây lan ra diện rộng. Do đó, kinh tế có bị ảnh hưởng nặng nề nhưng 6 tháng đầu năm GDP tăng 1,8%, cao nhất khu vực ASEAN. Xuất siêu đạt 4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu khu vực trong nước đạt khá cao, lên đến 11,7% góp phần cải thiện cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối và ổn định tỷ giá.

* Giữ mức tăng trưởng dương

Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế, đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế toàn cầu có thể giảm từ 5-6% trong năm 2020, đây là mức suy giảm mạnh nhất trong vòng hơn 100 năm trở lại đây. Nếu để đại dịch bùng phát lần hai trên thế giới thì GDP toàn cầu có thể giảm 7,6% trong năm nay. Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như: châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga... tăng trưởng âm. Kinh tế khu vực châu Á cũng giảm -1,5%. Tuy nhiên, Việt Nam lại giữ mức tăng trưởng 1,8%, cao nhất khối ASEAN. Có được kết quả trên là do Chính phủ, các bộ, ngành, tỉnh, thành đã kịp thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế để duy trì sản xuất và phục hồi.

Hướng đến Chính phủ số

Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục phương châm lấy dân làm gốc, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, làm động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, xây dựng thể chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử thông qua cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Trong đó, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định, giảm ít nhất 20% chi phí... Mục tiêu đẩy mạnh Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số gắn với cải cách thủ tục hành chính.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Dịch bệnh Covid-19 đã khiến nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng cả nước vẫn giữ mức tăng trưởng 1,8%. Việt Nam đứng đầu trong khối ASEAN về phục hồi kinh tế và mức phục hồi nhanh hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới dự kiến sẽ mở rộng đầu tư vào Việt Nam vì đánh giá cao về công tác phòng, chống dịch, chính trị ổn định, hội nhập nhanh, sâu rộng”. Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, từ ngày 1-8-2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu có hiệu lực sẽ giúp cho kinh tế Việt Nam mở ra thị trường khá lớn cho hàng hóa xuất khẩu. Bên cạnh đó, nông nghiệp của Việt Nam phát triển tương đối ổn định và làm bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế  trong thời kỳ khó khăn. 

Bộ trưởng Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời triển khai các giải pháp Chính phủ đề ra với phương châm hành động mới là “chống suy thoái kinh tế như chống giặc”. Việt Nam tận dụng tối đa các cơ hội để  phục hồi kinh tế, đón dòng vốn đầu tư quốc tế. Vì thế, kinh tế nước ta vẫn giữ mức tăng trưởng dương và khả năng sẽ phục hồi nhanh trong những tháng cuối năm. Chính phủ đưa ra hàng loạt các chính sách để kích cầu nội địa, mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu mới cho doanh nghiệp.

Giữ thị trường trong nước ổn định

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cơ cấu lại lĩnh vực công nghiệp, phục hồi và phát triển mới chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, đa dạng hóa, không để phụ thuộc vào một vài thị trường. Trong bối cảnh dịch bệnh, cần giữ ổn định thị trường trong nước, đảm bảo đầy đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu, kênh phân phối, phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa thông qua môi trường thương mại điện tử.

Các chính sách an sinh xã hội được các tỉnh, thành triển khai nhanh. Để hỗ trợ người dân, đã có gần 6,4 ngàn tỷ đồng hỗ trợ cho người dân khó khăn ở các tỉnh, thành.Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng đã được triển khai rộng rãi.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: “Dù kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ các địa phương thực hiện “mục tiêu kép” để khôi phục nên thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2020 vẫn đạt trên 44% so với dự toán năm. Trong đó, có 16 tỉnh, thành có nguồn thu ngân sách có điều tiết về Trung ương và có một số tỉnh thu vượt 50% dự toán”. Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thì Đồng Nai là một trong 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về nguồn thu ngân sách nhà nước đạt khá cao.

* Tập trung phục hồi kinh tế

Trong quý III và IV-2020, bên cạnh việc phục hồi nền kinh tế, Việt Nam sẽ tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19, không để bùng phát dịch lần hai.

Lãnh đạo tỉnh tham gia hội nghị trực tuyến của Chính phủ. Ảnh: H.Giang
Lãnh đạo tỉnh tham gia hội nghị trực tuyến của Chính phủ. Ảnh: H.Giang

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý: “Các bộ, ngành, địa phương không được lơ là trong công tác phòng, chống dịch, bởi để dịch bùng phát lại thì nền kinh tế sẽ chịu thiệt hại rất lớn. Vì vậy các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, nỗ lực phấn đấu hơn nữa, đổi mới cách làm, nâng cao năng lực, tranh thủ thời cơ, quyết liệt hành động, động viên, khích lệ huy động sự vào cuộc và phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân cả nước vượt qua khó khăn”.

Trong những tháng cuối năm, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, từng bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh, thành đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo đơn giản các thủ tục hành chính, tập trung rà soát, tháo gỡ rào cản, vướng mắc, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư, phục hồi nền kinh tế. Tiếp tục giữ lạm phát ở mức  4%, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công cho các công trình để sớm hoàn thành đưa vào khai thác tạo đột phá cho phát triển kinh tế. Thị trường thế giới đang bị thu hẹp, trong nước sức mua giảm, vì thế phải có chính sách kích cầu nội địa và mở rộng xuất khẩu ra nhiều quốc gia khác. Kịp thời gỡ khó cho các dự án lớn, hỗ trợ nhiều hơn nữa cho lĩnh vực nông nghiệp để phát triển trồng trọt, tái đàn với chăn nuôi heo hướng đến sản xuất sạch xuất khẩu theo đường chính ngạch. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương chú ý hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, làng nghề, hộ gia đình phục hồi kinh tế, phát triển ngành kinh tế mới.

Tại hội nghị, nhiều tỉnh, thành đã đề xuất Chính phủ cắt giảm bớt các điều kiện trong hỗ trợ doanh nghiệp bị dịch Covid-19 để họ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ, kéo dài thời hạn cho vay với doanh nghiệp. Phân bổ nguồn vốn đầu tư công cho giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương để tính toán bố trí vốn cho các công trình trong giai đoạn tới phù hợp với điều kiện phát triển của từng khu vực. Trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn tới nên cho chuyển đổi nhiều diện tích đất lúa sang đất khác để phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Tại Đồng Nai tham gia hội nghị trực tuyến có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, các Phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, GRDP trên địa bàn tỉnh tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách của tỉnh đạt hơn 25,8 ngàn tỷ đồng. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 43%, thu hút đầu tư trong nước hơn 17,2 ngàn tỷ đồng, 1.642 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới... Trong những tháng cuối năm, Đồng Nai tập trung khắc phục khó khăn trên các lĩnh vực để hoàn thành các mục tiêu về kinh tế - xã hội.

 

Hương Giang

Tin xem nhiều