Báo Đồng Nai điện tử
Thứ 3, 28/01/2025, 03:00 En

Cải tiến cách tính bậc thang giá điện theo hướng có lợi cho người dân

09:07, 24/07/2020

Việc bỏ và nới biểu giá điện bậc thang để giảm tiền điện lũy tiến đã được nhiều khách hàng, chuyên gia, các đại biểu Quốc hội kiến nghị.

Câu chuyện bỏ và nới biểu giá điện bậc thang để giảm tiền điện lũy tiến cho người dân đã được nhiều khách hàng, chuyên gia kinh tế, các đại biểu Quốc hội kiến nghị.

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng kiểm tra hoạt động kiểm định công tơ điện tại Đồng Nai. Ảnh: H.Lộc
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng kiểm tra hoạt động kiểm định công tơ điện tại Đồng Nai. Ảnh: H.Lộc

Mới đây, khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố kết quả kiểm tra: trong 3 tháng 4, 5, 6-2020, cả nước có trên 7,63 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt có điện năng tiêu thụ tăng 1,3 lần trở lên, câu chuyện này được nhắc lại nhiều lần, trên nhiều diễn đàn. Cũng có ý kiến cho rằng, cần hạn chế sai sót trong quá trình đo chỉ số, lập hóa đơn.

* Cần có sự điều chỉnh

Nhiều khách hàng sử dụng điện sinh hoạt phản ánh, từ đầu năm đến nay, hóa đơn tiền điện liên tục tăng. 3 kỳ hóa đơn gần đây, mặc dù được giảm giá 10% nhưng tiền điện vẫn không giảm. Thống kê của EVN mới đây cũng chỉ ra, trong 3 tháng 4, 5 và 6-2020, cả nước có trên 7,63 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt có điện năng tiêu thụ tăng 1,3 lần trở lên, tương đương gần 30% khách hàng tiêu thụ tăng 30% trở lên.

Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN cho rằng, hiện nay, Bộ Công thương đang xây dựng các phương án sửa đổi liên quan đến biểu giá điện bậc thang điện. Dự kiến sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi khách hàng vào tháng 8, tháng 9 và trình Chính phủ vào cuối năm nay. Theo đó, Bộ sẽ điều chỉnh biểu giá 6 bậc xuống còn 5 bậc, thay đổi tăng chỉ số ở mỗi bậc theo hướng có lợi hơn cho khách hàng. Cụ thể, bậc 1 từ 0-100kWh, bậc 2 từ 101-200kWh, bậc 3 từ 201-400kWh, bậc 4 từ 401-700kWh, bậc 5 từ 701kWh trở lên. So với biểu giá cũ, bậc 5 ở biểu giá đề xuất tăng 300kWh. Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng xây dựng phương án một giá điện để người dân có thêm lựa chọn.

Nguyên nhân được cho là do nắng nóng, nhiều hộ gia đình mua sắm mới hoặc sử dụng nhiều hơn các thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng như máy lạnh, quạt nước; do thực hiện giãn cách xã hội, người dân hạn chế ra ngoài nên nhu cầu sử dụng điện tại nhà nhiều hơn bình thường; có sai sót trong quá trình ghi chỉ số, lập hóa đơn tiền điện.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân sâu xa của câu chuyện giá điện là biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mà Bộ Công thương ban hành năm 2017 không phù hợp với thực tế nhu cầu sử dụng của người dân hiện nay. Hiện tại, khoảng 50% khách hàng hộ gia đình sử dụng trên 300kWh điện và chịu mức giá 2,6-2,9 ngàn đồng/kWh, cao gần gấp đôi giá ban đầu. Cần có sự điều chỉnh để các hộ gia đình sử dụng điện ít, các hộ thu nhập thấp giảm gánh nặng chi phí sử dụng điện.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, việc lắng nghe ý kiến của khách hàng, cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt là cần thiết. Vì hiện tại, đời sống của nhân dân được cải thiện mọi mặt, nhu cầu tiêu dùng điện tăng cao. Do đó, các chỉ số trong bậc thang giá điện cũng phải tăng tương ứng để tránh lặp lại tình trạng tiền điện tăng vọt mùa nắng nóng. Ông Hùng cho rằng, Hội ủng hộ phương án 2 tính tiền điện mà Bộ Công thương đang xây dựng. Điều này sẽ giúp người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn.

* Kiểm soát chất lượng công tơ điện, ghi chỉ số

Bên cạnh đa dạng các phương án tính tiền điện, phát triển các dự án năng lượng tái tạo cho tiêu dùng, nhiều ý kiến cho rằng, ngành điện cần xã hội hóa và tăng cường kiểm tra chất lượng công tơ điện; hạn chế sai sót trong quá trình ghi chỉ số, in hóa đơn.

2.	Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng kiểm tra hoạt động kiểm định công tơ điện tại Đồng Nai
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng kiểm tra hoạt động kiểm định công tơ điện tại Đồng Nai

Tại buổi làm việc với PC Đồng Nai, ông Bùi Trung Dũng, Vụ Đo lường thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho hay, việc kiểm tra, kiểm định chất lượng công tơ điện đang được thực hiện độc lập, khách quan theo Nghị định 105 của Chính phủ quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và Luật Đo lường. Hoạt động xã hội hóa kiểm định công tơ được triển khai, hiện cả nước có khoảng 130 đơn vị có đủ thẩm quyền kiểm định chất lượng công tơ điện, bao gồm: doanh nghiệp tư nhân, đơn vị thuộc hệ thống quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng, đơn vị trực thuộc các Tổng công ty Điện lực.

Cùng chia sẻ vấn đề này, ông Phạm Viết Ái, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai (PC Đồng Nai) cho biết, đơn vị đang thực hiện ghi chỉ số cho khách hàng bán lẻ bằng thiết bị điện tử di động. Ngay sau khi ghi chỉ số, hóa đơn được in đưa cho khách hàng giám sát, trường hợp tăng giảm bất thường được điều chỉnh ngay. Riêng với công tơ, quá trình khách hàng lắp đặt công tơ mới, thời gian kiểm định điện lực nắm được nên không có công tơ quá hạn. “Việc kiểm định công tơ điện được thực hiện trên hệ thống tự động, rất khó can thiệp làm sai lệch các thông số” - ông Ái khẳng định.

Ông Trương Đình Quốc, Phó giám đốc PC Đồng Nai, cho biết thêm, hiện công ty có hơn 872 ngàn công tơ đang vận hành trên lưới. Trong đó, hơn 865 ngàn công tơ bán điện cho khách hàng, còn lại là công tơ nội bộ. Hầu hết số lượng công tơ đang hoạt động được kiểm tra định kỳ năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020 đều đủ tiêu chuẩn vận hành, không có sai số. Trong 6 tháng đầu năm 2020, công ty tiếp nhận hơn 14,8 ngàn yêu cầu của khách hàng liên quan đến chỉ số công tơ, hóa đơn tiền điện qua tổng đài chăm sóc khách hàng. Sau khi tiến hành kiểm tra, xác minh PC Đồng Nai đã giải thích cho khách hàng hiểu và điều chỉnh trường hợp sai sót.             

Hoàng Lộc