Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm giải pháp đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn đầu tư

11:06, 19/06/2020

Hàng loạt khó khăn phát sinh khiến tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh gặp khó.

Hàng loạt khó khăn phát sinh khiến tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh gặp khó.

* Nhiều vướng mắc

Năm 2020, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh được giao làm chủ đầu tư thực hiện 88 dự án trên địa bàn tỉnh với tổng số vốn hơn 3,3 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 6, đơn vị mới chỉ thực hiện giải ngân được hơn 737 tỷ đồng, đạt khoảng 22%, tổng vốn được giao.

Dự án Xây dựng kè gia cố bờ sông Đồng Nai (đoạn từ khu dân cư dọc sông Rạch Cát, P.Thống Nhất đến nhà máy xử lý nước thải số 2, P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) là một trong những dự án đang gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Ảnh: P.Tùng
Dự án Xây dựng kè gia cố bờ sông Đồng Nai (đoạn từ khu dân cư dọc sông Rạch Cát, P.Thống Nhất đến nhà máy xử lý nước thải số 2, P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) là một trong những dự án đang gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Ảnh: P.Tùng

Ông Trần Văn Thanh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết, công tác giải ngân vốn cho các dự án từ đầu năm đến nay gặp nhiều khó khăn. Ngoài khó khăn “cố hữu” về giải phóng mặt bằng, việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư các dự án còn bị chậm trễ do dịch bệnh Covid-19, sự thay đổi về chính sách.

Cụ thể, theo ông Thanh, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến việc thi công nhiều công trình bị chậm trễ ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn. Nhiều dự án dù đã thực hiện xong các thủ tục pháp lý nhưng không thể họp dân để triển khai thực hiện.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, hiện có 10 dự án do đơn vị làm chủ đầu tư vẫn đang gặp vướng trong công tác giải phóng mặt bằng với khoảng 153 hộ dân. Trong đó, có dự án do vướng mặt bằng nên đã phải tạm ngưng thi công.

Về chính sách, năm 2020 cũng là năm áp dụng quy định của Nghị định 68/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng (thay thế cho Nghị định 32 cũ). Điều này bắt buộc việc tính dự toán một số công trình, lựa chọn nhà thầu cũng phải thay đổi để phù hợp cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn.

Đặc biệt, năm 2020 cũng là năm áp dụng bảng giá đất mới trên địa bàn tỉnh với mức điều chỉnh tăng cao hơn. Do đó, công tác giải phóng mặt bằng các dự án cũng phải có sự điều chỉnh, kéo dài thời gian. Cụ thể, tại một số dự án khi phương án bồi thường chưa được phê duyệt thì từ đầu năm 2020 phải thực hiện lại việc xác định mức đền bù, hỗ trợ theo bảng giá đất mới. Do đó, công tác giải phóng mặt bằng vốn đã khó thực hiện lại càng bị kéo dài để điều chỉnh giá.

Thống kê của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho thấy, trong số 88 dự án do đơn vị làm chủ đầu tư hiện còn 10 dự án vẫn đang bị vướng mặt bằng làm chậm tiến độ thi công, giải ngân nguồn vốn đầu tư. Các dự án này chủ yếu tập trung ở 3 địa bàn trọng điểm là TP.Biên Hòa và 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch. “Các dự án về giao thông, thủy lợi, thoát nước là những dự án gặp nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng” - ông Trần Văn Thanh cho hay.

Tương tự, tại các địa phương, do ảnh hưởng của việc điều chỉnh chính sách, bảng giá đất nên công tác giải phóng mặt bằng cũng gặp nhiều khó khăn, kéo dài làm chậm tiến độ giải ngân nguồn vốn. “Một số dự án, do chưa phê duyệt phương án đền bù trước đây nên khi có bảng giá đất mới phải làm lại từ đầu khiến việc chi trả tiền đền bù, hỗ trợ chậm nên cũng chậm có mặt bằng sạch để nhà thầu thi công” - bà Nguyễn Thị Giang Hương, Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch cho biết.

* Tìm hướng gỡ khó

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương và các đơn vị chức năng thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân hết vốn đầu tư công được giao kế hoạch năm 2020.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cũng nêu rõ các địa phương, cơ quan chức năng phải xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020 của các cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ở địa phương. Từ đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19. Đồng thời, tỉnh sẽ xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị và chủ đầu tư gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công.

Theo ông Trần Văn Thanh, nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư vẫn là do công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án.

Theo ông Thanh, tại các dự án, đơn vị và các địa phương sẽ rà soát, bóc tách từng trường hợp để thực hiện công tác chi trả tiền đền bù, hỗ trợ. “Những trường hợp được áp theo bảng giá đất mới thì phải đảm bảo chi trả đúng, đủ theo quy định rồi vận động người dân bàn giao mặt bằng để phục vụ thi công” - ông Trần Văn Thanh cho biết.

Phạm Tùng

 

Tin xem nhiều