Thời gian qua, Đồng Nai rất quan tâm thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao bằng những chính sách hỗ trợ, khuyến khích thiết thực cho nông dân, doanh nghiệp.
Thời gian qua, Đồng Nai rất quan tâm thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao bằng những chính sách hỗ trợ, khuyến khích thiết thực cho nông dân, doanh nghiệp. Theo đó, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao không ngừng được nhân rộng vào thực tế.
Đề tài Xác lập quyền chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chôm chôm Long Khánh do Sở KH-CN triển khai góp phần nâng tầm thương hiệu cho loại đặc sản địa phương này |
Trong đó, việc tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ (KH-CN) trong lĩnh vực nông nghiệp được Đồng Nai đặc biệt quan tâm và đã tạo được sự bứt phá trong sản xuất nông nghiệp, góp phần đưa nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển theo quy mô hàng hóa lớn, sản phẩm đạt chất lượng cao.
* Đột phá về KH-CN
Vài năm trở lại đây, tỉnh luôn khuyến khích và đẩy mạnh việc ứng dụng, chuyển giao KH-CN vào thực tế sản xuất nông nghiệp. Đồng Nai tập trung phát triển mạnh tiềm lực KH-CN ở lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn. Nhờ đổi mới và tăng cường nghiên cứu, ứng dụng KH-CN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, tỉnh nhà đã có những thay đổi sâu sắc và toàn diện, đảm bảo sự phát triển ổn định của sản xuất nông nghiệp dù ngành này phải đối mặt với nhiều khó khăn về biến động thị trường, thiên tai, dịch bệnh...
Theo Sở KH-CN, giai đoạn 2010-2019, toàn tỉnh có 102 đề tài, dự án nông nghiệp cấp bộ, cấp tỉnh được triển khai. Kết quả có 45 đề tài cấp tỉnh và 19 đề tài, dự án cấp huyện thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã được nghiệm thu và chuyển giao ứng dụng KH-CN vào sản xuất. Nhiều đề tài, dự án đã đáp ứng tốt nhu cầu thực tế của nông dân.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã hỗ trợ nông dân tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất vốn có. Có thể kể đến như dự án cải tạo vườn điều già cỗi bằng trồng giống mới điều cao sản, ghép cải tạo giống trên các vườn điều già cỗi được triển khai ở H.Trảng Bom giúp cải thiện năng suất cho cây điều và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Ông Đường Minh Giang, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ An Viễn, xã An Viễn (H.Trảng Bom) cho biết, địa phương này là vùng chuyên canh cây điều lâu năm với diện tích cả ngàn ha. Nhiều vườn điều được trồng hơn 20 năm, cây già cỗi, giống cũ nên năng suất thấp. Vài năm trước, nông dân trồng điều tại địa phương được Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi giống mới để tăng năng suất cho cây điều. Trong đó, giải pháp ghép cải tạo giống cho vườn điều già cỗi cho hiệu quả nổi bật. Cụ thể, nhiều vườn điều hơn 20 năm được ghép chồi giống mới. Với phương pháp này, chỉ sau 1 năm ghép cải tạo, các cành ghép đã bắt đầu cho trái bói và từ năm thứ 2 bắt đầu cho thu hoạch với năng suất cao. Vườn điều già cỗi được trẻ hóa bằng giống cao sản cho năng suất gấp rưỡi, gấp đôi giống cũ lại không tốn chi phí và thời gian như trồng lại vườn mới.
“Nhờ các giải pháp ứng dụng KH-CN vào sản xuất, hiện đa số các nông dân trồng điều tại địa phương đều chuyển đổi giống điều cũ bằng giống cao sản. So với giống cũ, giống điều mới cho năng suất và chất lượng hạt đều tốt hơn. Nhờ đó, hạt điều tại địa phương có doanh nghiệp bao tiêu với giá nhỉnh hơn mặt bằng chung ngoài thị trường” - ông Giang nói.
Nông dân ngày càng tích cực ứng dụng KH-CN vào sản xuất. Chỉ 2 hầm ủ phân bón hữu cơ ngay trong vườn nhà, ông Nguyễn Anh Phương, nông dân trồng bưởi tại xã Tân Bình (H.Vĩnh Cửu) vui vẻ khoe: “Tôi ứng dụng công nghệ sinh học tự ủ phân bón hữu cơ và sử dụng men vi sinh để tạo ra những chế phẩm sinh học diệt sâu bọ. Với giải pháp này, nông dân có thể tận dụng nguồn phân chuồng cũng như các loại rác thải từ sản xuất nông nghiệp để làm phân bón hữu cơ giúp tiết kiệm chi phí đầu tư. Nhưng quan trọng nhất là vườn cây không sử dụng phân, thuốc hóa học, thuốc xịt cỏ nên tôi có thể yên tâm bứt cọng rau trong vườn ăn sống”. Cũng theo ông Phương, nhờ chỉ bón phân hữu cơ, trồng sạch nên trái bưởi trong vườn của ông đồng đều về chất lượng, trái ít hạt, vị đậm đà nên được nhiều mối lái đến đặt mua.
* Làm thương hiệu cho nông sản
Đề tài Xây dựng mô hình sản xuất xoài theo quy chuẩn GlobalGAP ở H.Xuân Lộc do Sở KH-CN triển khai đã có nhiều hỗ trợ cho nông dân như: hỗ trợ nông dân hiệu quả trong việc phòng trừ ruồi đục trái xoài; hỗ trợ nông dân sản xuất xoài đạt chứng nhận GlobalGAP; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu và website xoài cho HTX Xoài Suối Lớn. Ngoài ra, chương trình còn hướng dẫn cho HTX được xét cấp mã số vùng trồng cho 40ha xoài. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoặc hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản đã liên hệ với HTX bàn về việc xuất khẩu trái xoài vào những thị trường khó tính.
Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX Xoài Suối Lớn chia sẻ: “Nhờ xây dựng được vùng chuyên canh xoài sạch, được cấp chứng nhận GlobalGAP, có website quảng bá sản phẩm nên thương hiệu xoài Suối Lớn được thị trường biết tiếng từ nhiều năm nay. Gần đây, HTX được cấp mã số vùng trồng đã mở ra cơ hội rất lớn cho việc đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này”.
Theo Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Thị Hoàng, hiện nay ngoài việc triển khai các đề tài, dự án phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thì Chương trình KH-CN còn hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập. Chương trình này cũng sẽ hỗ trợ nông dân, HTX xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng website để quảng bá sản phẩm, truy xuất nguồn gốc...
Trong giai đoạn hội nhập, ứng dụng KH-CN trong truy xuất nguồn gốc gắn với chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ bền vững cũng là nội dung rất được quan tâm vì muốn cạnh tranh tốt trên thị trường xuất khẩu thì phải thực hiện việc minh bạch thông tin trong sản xuất cũng như về chất lượng sản phẩm.
Tại hội nghị Ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp tại Đồng Nai - thực trạng và giải pháp tổ chức vào đầu năm 2020, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp nhận xét, thời gian qua, Đồng Nai đã xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch góp phần phát triển sản xuất, không ngừng nâng cao thu nhập cho nông dân, nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng của tỉnh. Cần có sự liên kết giữa các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, HTX và nông dân trong ứng dụng công nghệ cao, cũng như phương pháp tổ chức quản lý, khai thác nông nghiệp thông minh. Đây là cơ sở thực tế để các nhà lãnh đạo, quản lý của tỉnh xem xét, đề xuất những cơ chế chính sách để hỗ trợ phát triển và ứng dụng rộng rãi nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất. |
Bình Nguyên