Báo Đồng Nai điện tử
En

Nan giải bảo vệ môi trường trong chăn nuôi

08:05, 07/05/2020

Với hơn 2 triệu con heo, khoảng 36,2 triệu con gia cầm, Đồng Nai được mệnh danh là "thủ phủ" chăn nuôi lớn nhất miền Nam. Chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, nhưng cũng gây ra những áp lực không nhỏ về bảo vệ môi trường đất, nước, không khí.

Với hơn 2 triệu con heo, khoảng 36,2 triệu con gia cầm, Đồng Nai được mệnh danh là “thủ phủ” chăn nuôi lớn nhất miền Nam. Chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, nhưng cũng gây ra những áp lực không nhỏ về bảo vệ môi trường đất, nước, không khí.

Vệ sinh chuồng nuôi gà đẻ tại một trại gà ở H.Cẩm Mỹ. Ảnh: H.Giang
Vệ sinh chuồng nuôi gà đẻ tại một trại gà ở H.Cẩm Mỹ. Ảnh: H.Giang

Các mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, VietGAP, khép kín đang được khuyến khích nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.

* Mỗi năm 3 triệu tấn chất thải từ chăn nuôi

Theo tính toán của ngành Nông nghiệp, bình quân mỗi ngày một con heo trưởng thành thải 1,5kg phân; trâu, bò khoảng 15kg và gia cầm 0,2kg. Với tổng đàn gia súc, gia cầm trên 38 triệu con, trung mình mỗi năm, Đồng Nai phát sinh khoảng 3 triệu tấn chất thải từ chăn nuôi - một con số khổng lồ.

Vài năm trở lại đây, vấn đề bảo vệ môi trường ở các vùng chăn nuôi được tỉnh đặc biệt quan tâm với nhiều giải pháp mạnh như: đưa chăn nuôi ra khỏi nội ô; chỉ cấp phép cho các trang trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải theo quy định; nâng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, cùng với đó là đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại lớn; chăn nuôi công nghệ cao (an toàn sinh học, VietGAP, khéo kín và chuồng lạnh) nhưng bài toán về môi trường chăn nuôi còn “nan giải”. Thống kê cho thấy, có gần 90% cơ sở sản xuất chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định, nhưng phần lớn mới chỉ dừng lại ở việc làm hầm chứa biogas. Nước và khí thải từ hầm biogas chưa được tái sử dụng hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Xuân Viên, Phó trưởng phòng Tài nguyên - môi trường H.Cẩm Mỹ cho biết, khoảng 97% trại chăn nuôi trên địa bàn có hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi đạt chuẩn, nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn phát sinh. Bà Viên cho rằng, đối với chất thải rắn, chất thải lỏng, việc thu gom, xử lý tương đối, nhưng chất thải khí rất khó. Theo bà Viên, các trang trại chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi heo thực hiện vệ sinh theo chu kỳ, phân và nước tiểu sẽ theo hệ thống đi xuống hầm chứa, nhưng khí thải, mùi hôi phát tán ra xung quanh. “Việc quan trắc không khí tự động ở các khu chăn nuôi chưa được thực hiện, lấy mẫu không khí để phân tích các chỉ số không dễ thực hiện, nhân lực chỉ vài người trong khi huyện có khoảng 200 trang trại lớn nên rất khó khăn trong công tác quản lý môi trường chăn nuôi” - bà Viên chia sẻ.   

Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai cho rằng, có nhiều phương pháp, giải pháp công nghệ để xử lý chất thải trong chăn nuôi, nhưng chủ yếu hiện nay là đầu tư hầm biogas đối với heo và sử dụng tấm lót sinh học đối với gia cầm. Đối với hệ thống xử lý biogas, bã thải được thu gom, ủ làm phân bón hữu cơ; nước tùy chuẩn mức A hoặc B được tận dụng tưới cho cây trồng hoặc xả ra môi trường; khí thải được dùng làm chất đốt. Nhưng do khí thải từ hầm là khí tạp, dễ làm hỏng máy phát và các thiết bị bằng kim loại nên khí này chưa được sử dụng nhiều. Bên cạnh đó, lượng khí thải từ các hầm biogas là rất lớn, cơ chế thu mua khí thải chưa có, trong khi nhu cầu đun nấu, chạy máy phát ở các trang trại không nhiều, phải xả hoặc đốt nguy cơ hiệu ứng nhà kính, cháy.

* Cải tổ môi trường chăn nuôi

Có ý kiến cho rằng, sau dịch tả heo châu Phi là thời điểm để ngành chăn nuôi thực hiện cải tổ, trong đó, đảm bảo an toàn sinh học là ưu tiên hàng đầu. Các tiêu chuẩn về nước thải, khí thải, chất thải rắn được kiểm soát chặt chẽ, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh. 

Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đang thực hiện khá tốt công tác đảm bảo vệ sinh môi trường. Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND H.Xuân Lộc cho rằng, là địa phương đi sau nên Xuân Lộc có lợi thế phát triển các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn, cách khu dân cư, trường học; có chính sách ưu tiên người dân, doanh nghiệp đầu tư công nghệ vào chăn nuôi để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Hiện tại, H.Xuân Lộc có gần 500 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, gần 100% các trại cam kết vận hành hệ thống xử lý thải theo quy định, đáp ứng tiêu chí môi trường theo chuẩn nông thôn kiểu mẫu. Sử dụng năng lượng khí thải làm chất đốt, phân và nước thải dùng bón cho cây trồng vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa tiết kiệm chi phí.

Tại H.Cẩm Mỹ, nhiều năm nay, địa phương chủ động cung cấp số điện thoại đường dây nóng cho người dân phản ảnh các vấn đề liên quan đến môi trường, trong đó có môi trường chăn nuôi. Theo đó, người dân phát hiện nước thải, khí thải nhiều từ các trang trại chăn nuôi có thể gọi điện đến số đường dây nóng trong vòng 20 phút bất kể ngày, đêm sẽ có cán bộ môi trường đến nơi ghi nhận hiện trường, lấy mẫu đi kiểm tra. “Chúng tôi triển khai cách làm này từ năm 2017 và khá hiệu quả, các trang trại sợ bị bắt quả tang nên không lén xả thải, cán bộ môi trường đỡ vất vả hơn” - Phó trưởng phòng Tài nguyên - môi trường H.Cẩm Mỹ Nguyễn Thị Xuân Viên cho biết.

Để tiết kiệm chi phí xử lý chất thải, tăng nguồn thu, các trang trại chăn nuôi lớn hiện nay đang có xu hướng đầu tư thêm vào lĩnh vực nông nghiệp sạch hoặc hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ để giải quyết bài toán chất thải.

Hiện tại, Đồng Nai đang hình thành vùng chăn nuôi an toàn sinh học, các mô hình chăn nuôi công nghệ cao (chăn nuôi sinh học, VietGAP, chuồng lạnh, khép kín) được ưu tiên phát triển; tỉnh cũng khuyến khích các hộ chăn nuôi hợp tác với các công ty như: C.P, Japfa, Emivest để hình thành chuỗi liên kết. Tới đây, mô hình quan trắc môi trường tự động ở các vùng chăn nuôi cũng được lắp đặt thí điểm nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí. Các ngành môi trường, nông nghiệp cam kết hỗ trợ kỹ thuật lắp đặt, vận hành hệ thống xử lý môi trường nước, không khí ở các vùng chăn nuôi.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích