Đối với Đồng Nai, thời gian qua, ảnh hưởng của dịch là chưa nhiều song trong tháng 3 và những tháng tiếp theo, dự báo nếu dịch Covid-19 kéo dài sẽ gây tác hại nặng đến toàn bộ nền sản xuất.
Đối với Đồng Nai, thời gian qua, ảnh hưởng của dịch là chưa nhiều song trong tháng 3 và những tháng tiếp theo, dự báo nếu dịch Covid-19 kéo dài sẽ gây tác hại nặng đến toàn bộ nền sản xuất.
Xoài là loại nông sản dự báo sẽ tồn kho nhiều do xuất khẩu giảm dưới tác động của dịch Covid-19. Ảnh: Vương Thế |
[links()]Cùng với cả nước, Đồng Nai đang tích cực tìm giải pháp để tháo gỡ, khắc phục, hạn chế ảnh hưởng của dịch Covid-19.
* Tháo gỡ khó khăn về tài chính
Ngày 10-3, lãnh đạo tỉnh đã họp cùng các sở, ngành, địa phương để tìm giải pháp hỗ trợ DN (DN) vượt qua khó khăn. Theo đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các cơ quan thuế, hải quan xem xét không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các DN không có dấu hiệu vi phạm để DN tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động. BHXH phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai hướng dẫn thực hiện tạm dừng BHXH đối với các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 6 hoặc hết tháng 12 và không tính lãi chậm nộp phạt.
Để giảm thiểu mức độ lây lan của dịch bệnh, tỉnh chủ động dời hoặc hủy các sự kiện đối ngoại. Cụ thể quý I-2020 hủy 2 đoàn công tác của nước ngoài đến Đồng Nai; 1 đoàn của tỉnh tham gia chương trình quảng bá địa phương do Bộ Ngoại giao tổ chức dời từ tháng 3 sang tháng 4. Bên cạnh đó 5 đoàn ra, 2 đoàn vào tỉnh cũng hoãn không tổ chức. |
Đối với giải pháp về vay vốn, ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho hay, đơn vị đã đề nghị các tổ chức tín dụng theo dõi tình hình sản xuất kinh doanh của DN, người dân và khách hàng vay vốn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Từ đó, kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay một cách phù hợp, đúng quy định theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ghi nhận trên địa bàn, hiện các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn đang rà soát, lên kế hoạch giãn nợ, giảm lãi suất vay vốn cho trường hợp bị ảnh hưởng…
Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Đồng Nai cho biết, sẽ hỗ trợ các khách hàng kinh doanh thuộc những lĩnh vực gồm: vận tải - kho bãi, dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn; xuất nhập khẩu chủ yếu với thị trường Trung Quốc (thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dệt may, da giày...). Trong đó, đối với lĩnh vực nhập khẩu chủ yếu với thị trường Trung Quốc, DN có tỷ trọng doanh số thanh toán quốc tế đối với nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc phải chiếm từ 50% trở lên mới được xem xét để hưởng các chương trình hỗ trợ vay vốn…
Chương trình hỗ trợ này kéo dài từ giữa tháng 2 đến hết tháng 4-2020. Theo đó, đối với khách hàng hiện đang có dư nợ vay bằng VND bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Vietcombank sẽ giảm lãi suất từ 1-1,5%/năm tùy vào các khoản vay ngắn, trung hay dài hạn. Đối với các khoản vay bằng đồng USD, lãi suất cho vay giảm từ 0,5-0,75%/năm tùy vào thời hạn vay của các khoản vay.
Tương tự, theo Phòng Khách hàng DN, Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Biên Hòa, khách hàng phải có văn bản đề nghị và tài liệu chứng minh tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, tình hình tài chính, thu nhập do chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 hoặc các tài liệu chứng minh doanh thu bị sụt giảm, dòng tiền bị gián đoạn so với cùng kỳ năm trước… để được xem xét áp dụng các giải pháp hỗ trợ.
* Ổn định thị trường, thúc đẩy sản xuất kinh doanh
Để ngăn chặn tình trạng đầu cơ và găm hàng, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và DN thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách để người dân không hoang mang, lo tích trữ hàng hóa, ngăn ngừa nguy cơ lợi dụng tình hình thu gom, đẩy giá hàng hóa tăng đột biến.
Theo đó, Sở tiếp tục làm việc với các DN, nhà sản xuất, phân phối, trung tâm thương mại, chợ nhằm đảm bảo chủ động nguồn cung, Sở NN-PTNT phối hợp đưa mặt bằng giá heo xuống mức hợp lý. Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân.
“Chúng tôi đã làm việc với các đơn vị phân phối hàng hóa, siêu thị trên địa bàn tỉnh đều cam kết cung ứng đủ hàng hóa với hàng trăm tỷ đồng nguồn hàng dữ trự. Người dân vì thế yên tâm và không nên tập trung đến siêu thị để mua, gom hàng hóa” - ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương khẳng định.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu trong thời gian này, tỉnh yêu cầu các địa phương, sở, ngành liên quan cần phải nắm bắt cụ thể khó khăn của DN để kịp thời tháo gỡ. Đồng thời cắt bớt các thủ tục hành chính không cần thiết, giúp DN tập trung sản xuất, kinh doanh. Nếu cần thiết, phải kiến nghị các bộ, ngành trung ương đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.
Văn Gia - Hải Quân