Theo quy hoạch mới nhất, Đồng Nai đã loại bỏ nhiều cụm công nghiệp (CCN), chỉ giữ lại 27 cụm nhưng hiện vẫn còn không ít CCN chậm triển khai hoặc không được đầu tư hạ tầng đồng bộ.
Theo quy hoạch mới nhất, Đồng Nai đã loại bỏ nhiều cụm công nghiệp (CCN), chỉ giữ lại 27 cụm nhưng hiện vẫn còn không ít CCN chậm triển khai hoặc không được đầu tư hạ tầng đồng bộ.
Cụm công nghiệp vật liệu xây dựng Tân An, huyện Vĩnh Cửu - một trong những cụm công nghiệp có nhiều nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất. Ảnh: V.GIA |
[links()]Thực trạng đó đang đặt ra yêu cầu phải tiếp tục rà soát, mạnh tay loại bỏ các CCN chậm tiến độ, kém hiệu quả, đồng thời nghiên cứu hướng tiếp cận mới để thu hút nhà đầu tư vào xây dựng hạ tầng.
* Chi phí cao làm nản lòng nhà đầu tư hạ tầng
Một vấn đề rất hóc búa hiện nay là tỷ suất đầu tư xây dựng hạ tầng CCN lại đang có xu hướng bị đẩy lên quá cao so với trước đây. Trước năm 2018, Sở Tài chính thẩm định năng lực chủ đầu tư dựa trên cơ sở đăng ký của doanh nghiệp (DN). Một số dự án được phê duyệt có suất vốn đầu tư thấp như: CCN Phước Bình (huyện Long Thành) tương ứng 6,13 tỷ đồng/hécta; CCN Phú Thanh (huyện Tân Phú) 3,2 tỷ đồng/héc ta; CCN Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom) 5,58 tỷ đồng/hécta…
Từ năm 2019, theo quyết định của Bộ Xây dựng, suất vốn đầu tư áp dụng cho CCN dưới 100 hécta tăng lên là 8,9 tỷ đồng/hécta. Việc áp dụng suất vốn đầu tư như trên, đặc biệt là tại một số CCN có DN hoạt động sẽ gặp khó khăn. Nguyên nhân là bởi các CCN này được giao cho địa phương đầu tư, vấn đề kêu gọi đóng góp từ các DN sản xuất trong CCN không dễ dàng, do đó kéo dài quá trình xây dựng hạ tầng của CCN.
Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư hạ tầng, bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng hiện nay đã rất cao do giá đất tăng cao. Giá đất của Đồng Nai mấy năm gần đây tăng lên đến chóng mặt, gấp 3-4 lần giai đoạn trước, điều này kéo theo việc triển khai giải phóng mặt bằng rất khó khăn, làm nản lòng nhà đầu tư hạ tầng các CCN.
Đó cũng là nguyên nhân mà chủ đầu tư CCN An Viễn, huyện Trảng Bom xin đổi địa điểm sang xã Đồi 61 để có giá bồi thường đất thấp hơn, nhưng nếu không kịp thời triển khai, giá đất ở xã Đồi 61 cũng đang ngày một tăng lên. Sở Công thương nhận định, do phải đầu tư một số vốn lớn để giải phóng mặt bằng, đẩy chi phí đầu tư lên xấp xỉ 10 tỷ đồng/hécta nên rất khó để nhà đầu tư thúc đẩy triển khai hạ tầng.
* Thời điểm để xem xét lại quy trình thu hút đầu tư CCN
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, bên cạnh các khu công nghiệp thì việc đầu tư xây dựng các CCN nhằm thu hút DN vào sản xuất là cần thiết.
Mục tiêu đặt ra của Đồng Nai đối với các CCN là di dời cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư để dễ quản lý, giảm thiểu ô nhiễm; đồng thời sau khi đầu tư hạ tầng, DN sẽ dễ tiếp cận và thuê đất hơn so với vào các khu công nghiệp lớn. Nếu không đáp ứng được các tiêu chí này cần phải xem xét lại. Đồng Nai chủ trương phát triển hạ tầng CCN đã nhiều năm và cũng đã có một số lần điều chỉnh quy hoạch, tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa cao. Các DN vẫn có nhiều khó khăn trong việc xây dựng hạ tầng, tỉnh cũng khó thu hút nhà đầu tư đăng ký dự án. Bên cạnh đó, các DN thứ cấp cho biết họ ngại vào CCN vì chi phí cao.
“Chúng ta phải làm rõ là sau khi đầu tư hạ tầng CCN, giá đất cho DN thuê có giảm hơn trong khu công nghiệp hay không? Nhu cầu của DN trong khu vực các CCN như thế nào và hiệu quả thu hút đầu tư, tạo việc làm cũng như nguồn thu vào ngân sách nhà nước ra sao? Nếu cảm thấy không có hiệu quả như mong muốn, tính khả thi không cao, DN đầu tư hạ tầng không mặn mà thì phải tiếp tục rà soát, mạnh tay loại bỏ” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh khẳng định.
Do đó, lãnh đạo tỉnh cho rằng đây là thời điểm cần phải xem xét lại quy trình thu hút DN đầu tư sao cho có hiệu quả nhất. Sở Công thương có trách nhiệm phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát lại hiệu quả đầu tư của các CCN. Điều quan trọng là tìm hiểu nhu cầu của DN sản xuất trong khu vực lân cận. Những khu vực nào nhu cầu lớn, thực sự cần thiết sẽ ưu tiên đầu tư. Đối với những dự án mà DN đã được giao đất nhưng chậm triển khai thì kiên quyết thu hồi và coi đó là thông điệp mạnh mẽ nhằm thúc đẩy tiến độ xây dựng hạ tầng CCN một cách có hiệu quả trong những năm tới.
Văn Gia