Hiện nay, nhiều mặt hàng, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đã cải thiện khá tốt ở khâu chất lượng, mẫu mã. Tuy nhiên, vấn đề quảng bá, cạnh tranh về thương hiệu của hàng Việt còn gặp khó...
Hiện nay, nhiều mặt hàng, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đã cải thiện khá tốt ở khâu chất lượng, mẫu mã. Tuy nhiên, vấn đề quảng bá, cạnh tranh về thương hiệu của hàng Việt còn gặp khó so với các sản phẩm của các công ty đa quốc gia, sản phẩm ngoại nhập cùng loại, nhất là ở khâu giới thiệu, trưng bày sản phẩm.
Một số sản phẩm sữa bột, bánh quy nhãn hiệu nước ngoài được bố trí ở vị trí dễ thấy tại cửa hàng tạp hóa trên đường Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Quân |
Trên thực tế, với nguồn kinh phí cho hoạt động quảng bá, phân phối sản phẩm chưa cao, nhiều nhà sản xuất hàng hóa thuần Việt (hàng hóa 100% thương hiệu Việt Nam) có quy mô nhỏ và vừa rất khó để cạnh tranh trưng bày sản phẩm ở những nơi dễ thấy để người tiêu dùng dễ chọn lựa sản phẩm.
* Không dễ chiếm ưu thế trên kệ hàng
Theo kết quả cuộc khảo sát về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh trong năm 2018, có hơn 22% ý kiến của người tiêu dùng ở thành thị và gần 21% ý kiến của người tiêu dùng ở nông thôn được khảo sát cho rằng nguyên nhân dẫn đến việc khó tìm kiếm hoặc mua các sản phẩm, hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất là do sản phẩm thường trưng bày ở chỗ khuất.
Quan sát một số gian hàng ở những chợ truyền thống, các đại lý, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện ích, hệ thống phân phối sữa, bánh kẹo, hóa mỹ phẩm, hàng tiêu dùng trên địa bàn tỉnh có thể dễ dàng bắt gặp các sản phẩm của các tập đoàn, các công ty đa quốc gia như: Unilever, P&G, Nestlé, Abbott, Dutch Lady... hoặc một số thương hiệu Việt lớn, nổi tiếng như: Vinamilk, Masan, Bibica, Kinh Đô... chứ không có nhiều hàng hóa của các nhà sản xuất quy mô trung bình và nhỏ.
Theo nhiều chủ cửa hàng tiện lợi, tiệm tạp hóa, mức hỗ trợ từ các nhà sản xuất để người bán trưng bày sản phẩm ở những vị trí đẹp, dễ nhìn vào khoảng từ 100-200 ngàn đồng đến vài triệu đồng/tháng tùy số lượng, chủng loại, diện tích trưng bày, quy mô của cửa hàng...
Chủ một sạp tạp hóa ở chợ Biên Hòa cho biết, các tập đoàn đa quốc gia, các công ty lớn có những khoản hỗ trợ cho tiểu thương khi trưng bày hàng hóa, sản phẩm của nhà sản xuất ra những gian hàng “mặt tiền”, dễ gây chú ý với người mua.
Tương tự, anh Đinh Hữu Phong, đại diện một cửa hàng kinh doanh các sản phẩm sữa, bánh kẹo, nước giải khát... ở gần khu vực chợ Tân Mai (TP.Biên Hòa) cho hay, các gian trưng bày sữa ở vị trí đẹp, gần quầy tính tiền thường được ưu tiên các nhà sản xuất đầu tư, hỗ trợ thiết kế gian hàng, quầy kệ, có những ưu đãi về trưng bày.
Thông thường, kinh phí hỗ trợ này do các nhãn hàng sữa nước ngoài đầu tư do các kênh phân phối, tiềm lực về marketing của họ mạnh hơn. Trong thời gian gần đây, nhiều nhãn hàng sữa của Việt Nam cũng chú trọng hơn ở khâu trưng bày nhưng mức hỗ trợ chưa thực sự ổn định.
* Gian nan phát triển hệ thống phân phối
Trong khi đó, tại các siêu thị, trung tâm thương mại, trừ các sản phẩm nông sản, một số đặc sản vùng miền... các doanh nghiệp sản xuất thuần Việt cũng vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt của các tập đoàn, công ty đa quốc gia bởi các đơn vị này có số lượng mặt hàng đa dạng, thường xuyên có các chính sách về khuyến mại, ưu đãi, đội ngũ chăm sóc khách hàng, phân phối sản phẩm, chi phí thuê các ô, chỗ riêng bên cạnh các gian hàng để quảng bá ở các vị trí đẹp.
Ông Phạm Phước Lộc, Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa cho biết, bên cạnh việc trưng bày nhiều loại sản phẩm Việt, các kệ hàng trong siêu thị thường ưu tiên trưng bày các sản phẩm có lượng khách hàng chọn mua nhiều, có nhu cầu cao.
Các tập đoàn, công ty đa quốc gia thường có sản phẩm đa dạng, chi phí về phân phối, marketing cao hơn nên có nhiều điều kiện để thuê các khu vực quảng bá riêng, cũng như có đội ngũ giới thiệu sản phẩm riêng thường xuyên có mặt ở siêu thị, áp dụng các chương trình khuyến mại với mật độ dày đặc hơn...
Trong khi đó, nhiều sản phẩm Việt, nhất là các mặt hàng về nông sản, thực phẩm thường chọn quảng bá vào những mùa cao điểm vì số lượng mặt hàng chưa nhiều, chi phí quảng bá còn ít nên chỉ chú trọng tập trung vào những dịp lễ, tết... khi sức mua của người tiêu dùng tăng cao.
Giám đốc một công ty chuyên về sản phẩm chăn nuôi ở Đồng Nai cho hay, kinh phí để mở điểm bán lẻ hiện là vấn đề không hề đơn giản đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hơn thế nữa, việc đưa được hàng hóa vào các siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện lợi là cơ hội lớn để quảng bá, phân phối sản phẩm. Tuy nhiên, việc đảm bảo nguồn hàng để đáp ứng lâu dài, giữ ổn định được kênh phân phối, quảng bá này lại là một bài toán nan giải khác. Ngoài ra, chi phí về marketing, quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện ngày càng cao cũng khiến một số doanh nghiệp đắn đo.
Ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) cho hay, chi phí cho các khâu quảng bá, tiếp thị, phân phối sản phẩm ngày càng tăng lên, hiện chiếm khoảng 12-15% tổng chi phí sản xuất tùy vào các mặt hàng mà công ty đang sản xuất.
Hiện nay, một số doanh nghiệp trong nước đã chú trọng hơn tới việc xây dựng các giải pháp đồng bộ từ khâu thiết lập hệ thống phân phối, tiếp thị, hỗ trợ bán hàng, quảng bá, kiểm soát... Trong đó có xây dựng các showroom, cửa hàng phân phối sản phẩm của công ty. Tuy nhiên, đây hầu hết là các thương hiệu có tiềm lực mạnh.
Hải Quân