Đồng Nai không thiếu những vùng nguyên liệu nông sản có quy mô lớn để phát triển ngành chế biến. Nhưng thực tế, chế biến nông sản, thực phẩm của tỉnh vẫn phát triển chậm.
Đồng Nai không thiếu những vùng nguyên liệu nông sản có quy mô lớn để phát triển ngành chế biến. Nhưng thực tế, chế biến nông sản, thực phẩm của tỉnh vẫn phát triển chậm. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro, giá trị gia tăng thấp.
Chế biến trái cây sấy tại Công ty TNHH Vân Phát (huyện Trảng Bom). Ảnh: B.Nguyên |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh, giai đoạn 2019-2020 Đồng Nai sẽ tập trung cho nhiệm vụ phát triển công nghiệp trong nông nghiệp. Trong đó, tỉnh đặc biệt ưu tiên phát triển ngành chế biến nông sản, thực phẩm để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, phát triển nông nghiệp bền vững.
* Phát triển manh mún, “dưới tầm”
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 300 doanh nghiệp chế biến nông sản, trong đó có khoảng 130 doanh nghiệp nằm trong các khu công nghiệp và cụm công nghiệp nhưng chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động ở các lĩnh vực như: thức ăn gia súc, bột ngọt, bột nêm, cà phê, mía đường, sữa, hạt điều, bánh kẹo...
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh, các địa phương phải rà soát lại tình hình hoạt động, tiến độ đầu tư của từng cụm công nghiệp trên địa bàn; dành quỹ đất ưu tiên cho ngành chế biến nông sản. Những địa phương có vùng nguyên liệu nông sản lớn phải đặt mục tiêu phát triển mạnh ngành chế biến nông sản. Ngoài ra, các sở, ngành phải cùng địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để 2 cụm công nghiệp chế biến nông sản được chọn làm thí điểm có thể đi vào hoạt động trong năm 2019; đồng thời cả hệ thống chính trị phải vào cuộc cùng hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành này. |
Ngoài ra, có khoảng 3 ngàn cơ sở kinh doanh, sản xuất liên quan đến chế biến nông sản, thực phẩm nhưng ở quy mô hộ gia đình, sơ chế là chính nên giá trị chưa cao. Trong 27 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, có một số cụm công nghiệp đa ngành nghề có doanh nghiệp chế biến nông sản đầu tư nhưng vẫn chưa có cụm hoặc khu công nghiệp chuyên cho ngành chế biến nông sản, thực phẩm.
Ông Hoàng Việt Hùng, Giám đốc Hợp tác xã chế biến xoài xuất khẩu La Ngà (huyện Định Quán) nhận xét: “Để ngành chế biến nông sản không còn manh mún, nhỏ lẻ và gây ô nhiễm môi trường như hiện nay, việc địa phương hình thành được các cụm công nghiệp chuyên cho chế biến là rất cần thiết. Ngoài ra, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào ngành còn nhiều rủi ro, khó khăn này rất cần sự hỗ trợ kịp thời về vốn cũng như chính sách ưu đãi”.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trí Phương, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết, qua làm việc với các huyện, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa, nhiều cơ sở chế biến nông sản tại các địa phương đều mong muốn có những khu chuyên cho ngành sơ chế, chế biến trái cây, nông sản.
“Quan điểm của Sở là ở các vùng nguyên liệu nông sản lớn cần có cụm công nghiệp chuyên sâu về chế biến. Hoặc các địa phương cần làm việc lại với các chủ đầu tư cụm công nghiệp trên địa bàn để ưu tiên một phần quỹ đất cho các doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm kết nối với các vùng nguyên liệu” - ông Phương nói.
Ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho rằng ngành nông nghiệp giữ được mức độ tăng trưởng tốt nhưng thiếu sự bền vững do ngành chế biến nông sản phát triển chưa xứng tầm với tiềm năng của tỉnh. Theo ông Gọi: “Trong đầu tư cho ngành chế biến, nên quan tâm ưu tiên cho ngành chế biến thịt và trái cây là hai thế mạnh của Đồng Nai. Trong đó, nên chọn các trung tâm vùng nguyên liệu như: các huyện Định Quán, Tân Phú, Thống Nhất, TX.Long Khánh... để xây dựng các cụm công nghiệp chế biến, qua đó hình thành được các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ”.
* Xây dựng cụm công nghiệp chế biến
Theo các địa phương, Đồng Nai nên đầu tư một số cụm công nghiệp đã có trong quy hoạch chuyên cho ngành chế biến nông sản, thực phẩm. Ngoài ra, một số cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư cũng có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư chế biến nông sản nếu giải được bài toán khó về vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng như tạo môi trường đầu tư thuận lợi...
Tại buổi làm việc của Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh với các sở, ngành và địa phương bàn về việc hình thành các cụm công nghiệp chế biến nông sản mới đây, từ đề xuất của các địa phương, Đồng Nai đã chọn Cụm công nghiệp Phú Túc (huyện Định Quán) và Cụm công nghiệp Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) thực hiện thí điểm mời gọi nhà đầu tư xây dựng cụm công nghiệp điểm trong lĩnh vực chế biến nông sản.
Ông Trần Vũ Hoài Hạ, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư đề nghị: “Các địa phương nên rà soát, đánh giá thêm các cụm công nghiệp có ngành chế biến nông sản để đề ra các phương án khả thi hơn trong thu hút đầu tư vào ngành này. Liên quan hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, cơ chế hỗ trợ chuyển từ hỗ trợ bằng tiền qua bằng chính sách. Chúng tôi sẽ tích cực tham mưu về chủ trương khuyến khích đầu tư đến hỗ trợ về vốn sao cho thủ tục gọn hơn, dễ tiếp cận hơn”. |
Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Nam Biên đánh giá: “Cụm công nghiệp Phú Túc có vị trí thuận lợi, đã cơ bản hoàn thành đầu tư các đường giao thông kết nối cũng như hệ thống điện phục vụ sản xuất. Dự kiến trong năm nay, dự án đường nối cụm công nghiệp với 3 huyện có vùng nguyên liệu nông sản lớn gồm: Định Quán, Thống Nhất, Xuân Lộc sẽ được đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển nguyên liệu về nơi chế biến”.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ cũng nêu lên sự thuận lợi khi hiện đã có 3 nhà đầu tư đăng ký đầu tư vào Cụm công nghiệp Long Giao. “Địa phương mong tỉnh xem xét bố trí nguồn vốn hoặc hướng dẫn cho địa phương về phương án vay vốn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để cụm công nghiệp sớm đi vào hoạt động” - ông Thắng nói.
Nhiều địa phương cũng đang tập trung cho công tác thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản. Ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Thống Nhất cho biết, hiện địa phương có Cụm công nghiệp Quang Trung rộng 78 hécta nằm trên quốc lộ 20, cách chợ Dầu Giây 7km, có nhiều thuận lợi thu hút đầu tư chế biến. Mong tỉnh quan tâm, ưu tiên hỗ trợ cho cụm công nghiệp này sớm được triển khai. Ngoài ngành chế biến nông sản thì có thể thu hút thêm các lĩnh vực như: cơ khí nông nghiệp, cơ giới nông nghiệp...
Bình Nguyên