Nếu tính cả các lò gạch trong các khu dân cư thì đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh vẫn còn trên 300 cơ sở chưa chịu di dời. Các địa phương cũng như tỉnh đang có nhiều biện pháp buộc các cơ sở ô nhiễm phải di dời.
Nếu tính cả các lò gạch trong các khu dân cư thì đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh vẫn còn trên 300 cơ sở chưa chịu di dời. Các địa phương cũng như tỉnh đang có nhiều biện pháp buộc các cơ sở ô nhiễm phải di dời.
Các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (TP.Biên Hòa) sẽ di dời vì nguy cơ gây ô nhiễm cao |
Vấn đề nhiều người dân phản ảnh trong các đợt tiếp xúc cử tri là tình trạng ô nhiễm môi trường. Nhiều con suối, kênh rạch trong tỉnh bị ô nhiễm nặng đều do các cơ sở sản xuất, chăn nuôi xả thải.
* Siết chặt các quy định về môi trường
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, những cơ sở sản xuất, kinh doanh có quy mô báo cáo đánh giá tác động môi trường phải di dời do Sở phụ trách thì đa số đã di dời. Thực tế, các cơ sở này đều là doanh nghiệp sản xuất lớn, có hàng hóa xuất khẩu nên nếu không di dời để đảm bảo môi trường sẽ ảnh hưởng lớn đến các đơn hàng xuất khẩu. Đây là một trong những lý do khiến các doanh nghiệp chấp hành việc di dời như: Công ty TNHH Hoàng Mỹ, Công ty TNHH Kim Lan, Công ty cổ phần tổng hợp chế biến gỗ Tân Mai, Công ty TNHH Cự Hùng...
Ông Nguyễn Tấn Vinh, Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường TP.Biên Hòa cho hay: “Theo Quyết định 891 và 1631 thì TP.Biên Hòa có 64 cơ sở thuộc diện di dời, trong đó Biên Hòa chịu trách nhiệm di dời 11 cơ sở. Thời gian qua, thành phố siết chặt các quy định về môi trường nên những cơ sở gây ô nhiễm không chịu thực hiện thì buộc dừng hoạt động, còn lại một số không phù hợp quy hoạch, chưa tìm được nơi đến trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhắc nhở để họ di dời”.
Cũng theo ông Vinh, ngoài các cơ sở trên, TP.Biên Hòa còn hơn 40 lò gạch buộc phải di dời để bảo vệ môi trường. Tương tự, ở các địa phương khác có nhiều cơ sở phải di dời như: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Trảng Bom... cũng cho biết sẽ kiểm soát thật chặt chẽ về môi trường, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý thật nghiêm và buộc dừng hoạt động.
* Rà soát lại để tháo gỡ khó khăn
Liên quan đến việc các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch phải di dời theo quy định của tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết: “Tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành liên quan, các địa phương rà soát lại tất cả những cơ sở gây ô nhiễm phải di dời ra khỏi khu dân cư, khu đô thị xem việc này thực hiện đến đâu, có khó khăn, vướng mắc gì để kịp thời tháo gỡ. Quan điểm của tỉnh là bảo vệ môi trường phải đặt lên hàng đầu, tỉnh sẽ không nhân nhượng để các cơ sở gây ô nhiễm tiếp tục hoạt động trong khu dân cư”.
Thời gian qua, Đồng Nai đã mạnh tay xử phạt hành chính gần 800 triệu đồng đối với các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường tại 2 huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ. Đây là cảnh báo cho những cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tỉnh cũng ban hành một số quyết định xử phạt các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng, buộc dừng hoạt động để di dời nếu không phù hợp quy hoạch, còn phù hợp quy hoạch phải xử lý chất thải đạt chuẩn mới cho hoạt động trở lại.
Số cơ sở buộc phải chuyển đến nơi mới vì có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu dân cư, khu đô thị trên danh sách là hơn 300. Nhưng con số thực tế có thể còn lớn hơn. Đây cũng là lý do khiến UBND tỉnh thường xuyên có các quyết định mới nhằm bổ sung thêm danh sách các cơ sở, doanh nghiệp phải di dời. Cụ thể như TP.Biên Hòa ngoài 64 cơ sở phải di dời theo 2 Quyết định 891 và 1631 thì vẫn còn khoảng 40 cơ sở sản xuất gạch và gần 100 doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1 hầu hết có công nghệ lạc hậu nguy cơ ô nhiễm cao cũng chưa di dời được.
Khánh Minh