Tính đến đầu tháng 10-2017, các nhà máy xử lý nước sạch tại Đồng Nai có thể cung cấp 410 ngàn m3/ngày đêm. Những nơi có nước sạch đưa về, UBND tỉnh đã yêu cầu ngưng khai thác nước ngầm...
Tính đến đầu tháng 10-2017, các nhà máy xử lý nước sạch tại Đồng Nai có thể cung cấp 410 ngàn m3/ngày đêm. Những nơi có nước sạch đưa về, UBND tỉnh đã yêu cầu ngưng khai thác nước ngầm để bảo vệ tài nguyên nước.
Nhà máy xử lý nước sạch Hóa An (TP.Biên Hòa) vẫn chưa khai thác hết công suất. |
Theo Sở Tài nguyên - môi trường, tổng lưu lượng khai thác tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh là hơn 1,36 triệu m3/ngày đêm, chiếm khoảng 23,5% trữ lượng nước tiềm năng. Trong đó, các nhà máy xử lý nước sạch từ nước mặt chưa nhiều, chỉ được gần 1/3, còn lại vẫn khai thác nước dưới mặt đất.
Thực tế xảy ra tình trạng nhiều nơi thiếu nước sạch sử dụng, nhưng có nơi nước sạch về lại không dùng. Do đó, một số nhà máy xử lý nước sạch tại Đồng Nai vẫn chưa khai thác hết công suất.
* “Ngại” dùng nước sạch
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu những nơi đã có hệ thống nước sạch xử lý từ nước mặt đưa về phải ngưng ngay việc khai thác nước ngầm; thu hồi giấy phép khai thác nước ngầm và không cấp phép khai thác nước ngầm nữa. Các địa phương tăng cường vận động người dân khi có nước máy nên sử dụng, ngừng dùng nước ngầm vì chất lượng không đạt yêu cầu và để bảo vệ nguồn nước ngọt cho tương lai. |
Những năm gần đây, tỉnh luôn ưu tiên đầu tư các công trình, hệ thống xử lý nước sạch từ nguồn nước mặt để cung cấp cho các khu dân cư, khu công nghiệp trên địa bàn nhằm bảo vệ nguồn nước ngầm ngày càng sụt giảm.
Ở những nơi đã có hệ thống cung cấp nước sạch xử lý từ nguồn nước mặt, UBND tỉnh yêu cầu ngưng khai thác nước ngầm, trám lấp giếng khoan, giếng đào.
Thế nhưng, có những nơi nước sạch về tận nơi song người dân lại “ngại” sử dụng và vẫn dùng nước ngầm chỉ vì không muốn tốn thêm chi phí nhỏ.
Ông Phạm Thế Tăng, Trưởng phòng Kế hoạch - kỹ thuật Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai, cho hay: “Công ty đã đầu tư hệ thống cấp nước sạch về qua thị trấn Long Thành cả trăm tỷ đồng, nhưng tỷ lệ sử dụng chỉ hơn 40%. Nhiều hộ dân vẫn sử dụng nguồn nước ngầm để ăn uống, sinh hoạt dù chất lượng nước ngầm không đảm bảo. Lý do là vì các hộ dân ngại phải chi thêm một khoản tiền nước”.
Cũng theo ông Tăng, dùng nước máy từ hệ thống cấp nước sạch thì trung bình mỗi người chỉ hết 20-30 ngàn đồng/tháng và giá nước 4 năm nay vẫn giữ nguyên theo quy định của UBND tỉnh. Tại thị trấn Long Thành, dù công ty đã kéo đường nước máy vào tận các hộ, tặng kèm đồng hồ nước nhưng nhiều hộ vẫn không chịu sử dụng.
Bà Nguyễn Thị Hà (thị trấn Long Thành, huyện Long Thành), nói: “Nguồn nước từ giếng khoan của gia đình tôi quanh năm dồi dào, nhưng khi có nước máy về tôi vẫn sử dụng, bởi dùng nước máy an tâm về chất lượng hơn so với nước ngầm. Song có những hộ chỉ vì tiếc vài chục ngàn đồng nên vẫn dùng nước ngầm dù chất lượng không đạt theo quy định”.
Theo đại diện của huyện Nhơn Trạch, những nơi có hệ thống nước sạch đưa về mà nguồn nước ngầm ô nhiễm nặng thì người dân mới sử dụng nhiều, còn lại phần lớn vẫn giữ thói quen dùng nước ngầm để ăn uống, sinh hoạt. Kết quả lấy mẫu nước ngầm phân tích cho thấy ở nhiều xã của huyện Nhơn Trạch nước ngầm bị ô nhiễm khá cao. Huyện Nhơn Trạch đang đề nghị tỉnh sớm đầu tư hệ thống nước sạch về các xã và vận động người dân sử dụng để đảm bảo sức khỏe.
* Hạn chế dùng nước ngầm
Theo Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Ngọc Hưng, sở đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị cấp nước tại Đồng Nai nhanh chóng phát triển mạng lưới tuyến ống truyền dẫn và phân phối nước sạch theo quy hoạch. Vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm, các đơn vị cấp nước tổng hợp báo cho Sở Tài nguyên - môi trường tình hình lắp đặt, triển khai mạng lưới cấp nước sạch từng khu vực để sở đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép khai thác nước dưới đất. Như vậy, các đơn vị sẽ đấu nối sử dụng nước từ hệ thống nước sạch. |
Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Minh Hoàng cho biết: “Từ năm 2014, UBND tỉnh đã quy định những nơi có hệ thống nước máy về thì phải ngưng khai thác nước ngầm để bảo vệ tài nguyên nước. Những nơi khai thác nước ngầm nhiều đã xảy ra hiện tượng sụt lún đất khá mạnh, nên các địa phương khi có hệ thống cấp nước máy về nên ngừng khai thác nước ngầm ngay để bảo vệ môi trường”.
Những địa phương có tỷ lệ khai thác nước cao so với trữ lượng hiện có là TP.Biên Hòa, các huyện: Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom. Riêng tại TP.Biên Hòa, tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt gần 90%, những hộ chưa có nước sạch phần lớn ở 4 xã trước đây thuộc huyện Long Thành sáp nhập về.
Theo ông Nguyễn Hữu Lý, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh, nước ngọt hiện nay là tài nguyên cần được bảo vệ. Tại Đồng Nai, khai thác nước ngầm ở nhiều nơi đã đến mức báo động, vì thế UBND tỉnh rất chú trọng việc đầu tư hệ thống xử lý nước mặt thành nước sạch cung cấp cho các khu dân cư, trong đó ưu tiên cho những vùng thiếu nước và nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Nếu đã có hệ thống nước sạch về đến nơi, người dân nên sử dụng để bảo vệ sức khỏe vì nguồn nước ngầm không qua xử lý chất lượng không đảm bảo.
Thực tế, nhiều khu dân cư trong tỉnh vẫn chưa có hệ thống nước máy về tận nơi, song các nhà đầu tư không dám mạnh dạn bỏ vốn ra đầu tư (đặc biệt là các vùng nông thôn) vì lo khó thu hồi vốn. Bởi người dân nhiều nơi vẫn còn tiếc rẻ muốn dùng nước ngầm từ giếng khoan, giếng đào để tiết kiệm chi phí. Vào mùa mưa, nhiều hộ ngừng dùng nước máy để sử dụng nước mưa và nước ngầm.
Ông Huỳnh Thanh Phương, Phó chủ tịch UBND xã Phước Tân (TP.Biên Hòa), nói: “Xã có khoảng 12 ngàn hộ dân với 50 ngàn nhân khẩu. Hiện số hộ có nước máy để sử dụng được hơn 50%, còn lại vẫn dùng nước ngầm. Nhiều hộ dân mong muốn có nước sạch về để sử dụng, song cũng có những hộ nước máy về tận nơi không dùng vì không muốn tốn thêm chi phí”.
Hương Giang