Gần 4 năm trở lại đây, công nghệ số được nhiều doanh nghiệp Việt chú ý, đầu tư bài bản, thương hiệu được nhiều người biết đến, doanh thu tăng cao.
Hiện nay, công nghệ số đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN) Việt cũng như thế giới. Gần 4 năm trở lại đây, công nghệ số được nhiều DN Việt chú ý, đầu tư bài bản, thương hiệu được nhiều người biết đến, doanh thu tăng cao.
Doanh nghiệp sản xuất hương liệu sạch của tỉnh Đồng Tháp đã thành công nhờ áp dụng công nghệ số quảng bá online kết hợp với triển lãm. |
Việt Nam có trên 90 triệu dân với gần 40 triệu người sử dụng internet, trong đó có 28 triệu người sở hữu tài khoản mạng xã hội; số người dùng tài khoản mạng xã hội trên smartphone khoảng 24 triệu.
Đây là thông tin từ hội thảo “Hàng Việt Nam chất lượng cao khởi nghiệp - một cuộc gặp tìm giải pháp cho hội nhập” tại TP.Hồ Chí Minh vào ngày 2-3 do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức.
* Quảng bá, bán hàng hiệu quả hơn
Hầu hết các DN Việt đã thành công đều khẳng định công nghệ số không thể thiếu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây được coi là kênh quảng bá, bán hàng “một vốn bốn lời” vì số tiền bỏ ra không lớn, nhưng doanh thu bán hàng có thể tăng thêm 20-30%.
Việt Nam là một trong 4 nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tốc độ tăng trưởng nhanh về số người sử dụng smartphone, là lợi thế lớn cho những DN giới thiệu quảng bá, bán hàng qua mạng. Đặc biệt, đối với những DN Việt mới khởi nghiệp, tên tuổi chưa có, vốn, nhân lực đang thiếu thì công nghệ số hỗ trợ rất đắc lực.
Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty the Pathfinder (TP.Hồ Chí Minh), cho hay: “Trong cạnh tranh, sức khỏe của nhiều thương hiệu Việt yếu dần là do nguồn lực có giới hạn, chiến lược marketing theo lối mòn, chưa tận dụng được những cơ hội lớn từ công nghệ số”.
DN Việt Nam muốn thành công phải khai thác được sở trường, thế mạnh, không nên chạy theo phong trào mà không xem xét điều kiện, môi trường có phù hợp hay không. Quảng bá, bán hàng qua các kênh online sẽ giúp DN tiết kiệm nhiều vốn đầu tư, nhân lực, doanh số bán hàng có thể tăng thêm 20-30%. Tuy nhiên, DN tham gia bán hàng online chú ý đến những vấn đề phí giao hàng, thời gian giao hàng, chăm sóc khách hàng.
“Các thương hiệu Việt nổi tiếng, như: Biti’s, Minh Long, Vinamit, Vinamilk... doanh thu hàng năm tăng cao đều tận dụng rất tốt marketing, liên kết bán hàng online. Bán hàng online có phí vận chuyển thấp, thời gian giao hàng nhanh, tư vấn cho khách hàng chu đáo góp phần giúp DN lớn mạnh” - ông Huỳnh Lâm Hồ, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần công nghệ Haravan (TP.Hồ Chí Minh), nói.
* Làm chủ công nghệ
Hiện tại và tương lai, DN Việt đối mặt với việc cạnh tranh bán hàng ở thị trường trong nước, xuất khẩu ngày càng gay gắt. Từ năm 2016, ngoài cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ thì DN Việt còn đối mặt với hàng của các nước thuộc khối ASEAN tràn ngập. Để vượt qua “sóng gió”, DN đã đầu tư công nghệ mới, làm chủ công nghệ để hạ giá thành sản phẩm.
Ông Lê Huy Sáng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Long 1 (tỉnh Bình Dương), nhận xét công nghệ số góp phần dịch chuyển DN rất lớn. Công ty đã đầu tư số tiền lớn để mua các máy móc hiện đại, tự động hóa nhằm giữ nguyên sản lượng hàng hóa nhưng lao động giảm 20 lần.
Song muốn làm chủ được các công nghệ hiện đại, công ty cần có lộ trình dài hơi, không thể làm gấp gáp vì liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực hiểu và điều khiển được công nghệ. “Minh Long mất hơn 10 năm mới hoàn thành được tự hóa cao như hiện nay” - ông Sáng chia sẻ.
Thương hiệu của DN phải xây dựng, bồi đắp trong một thời gian dài và với thời của công nghệ số thì tận dụng internet để giới thiệu DN, sản phẩm không thể thiếu. Ông Phạm Minh Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (tỉnh Đồng Tháp), cho biết: “Công ty phải mất nhiều năm xây dựng thương hiệu gạo sạch trong nước mới được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Sau khi vững chân tại sân nhà, công ty đã xuất khẩu gạo sang Singapore. Công ty tận dụng tối đa kênh phân phối online với các đại lý bán hàng”.
Để làm được việc này, Công ty TNHH Cỏ May đã tìm hiểu kỹ thị trường, nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh sản phẩm bảo quản được lâu thì mẫu mã bao bì phải đẹp, tiện lợi thay đổi theo từng giai đoạn cho phù hợp.
Chuyên gia chuyển nhượng toàn cầu Nguyễn Phi Vân chia sẻ: “Công nghệ số ngày càng phát triển, số lượng người truy cập tìm thông tin trên mạng về sản phẩm trước khi mua ngày một nhiều. Khoảng 3 năm trước, facebook chỉ là kênh vui chơi nhưng gần đây trở thành kênh bán hàng rất hiệu quả”.
Nhiều DN Việt trẻ đã thành công nhờ ứng dụng công nghệ số. Các chuyên gia kinh tế đánh giá công nghệ số là công cụ kinh doanh tiết kiệm nhất. Những DN nhỏ, nguồn lực, vốn hạn chế nên chọn một số nhân viên giỏi công nghệ để khai thác hết lợi thế kinh doanh từ kênh này.
Hương Giang