Báo Đồng Nai điện tử
En

Đổ vốn vào sản xuất sạch

10:10, 26/10/2016

Khó khăn của người sản xuất theo chuẩn VietGAP lâu nay là không tìm được thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định với giá cả tương xứng. Vì thế, sản xuất nông sản an toàn vẫn đang giậm chân tại chỗ...

Khó khăn của các hợp tác xã, nông dân chăn nuôi, trồng trọt theo chuẩn VietGAP là không tìm được thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định với giá tương xứng. Vì thế, các chương trình sản xuất nông sản an toàn vẫn giậm chân tại chỗ, thậm chí bỏ cuộc giữa chừng.

Chương trình sản xuất rau sạch công nghệ cao tại huyện Long Thành của Tập đoàn Vingroup
Chương trình sản xuất rau sạch công nghệ cao tại huyện Long Thành của Tập đoàn Vingroup

Vài năm trở lại đây, nhờ thị trường nội địa và xuất khẩu ngày càng quan tâm đến thực phẩm sạch nên cả doanh nghiệp (DN) và nông dân cùng mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông sản an toàn. Trong đó, những chính sách ưu tiên, hỗ trợ về nguồn vốn cho sản xuất sạch đã thu hút nông dân, DN đầu tư.

Doanh nghiệp là đầu tàu

Trước đây, sản xuất theo quy trình VietGAP của Đồng Nai thường do các hợp tác xã hoặc nông dân thực hiện theo các chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Do chưa xây dựng được chuỗi liên kết, nhất là thiếu hẳn vai trò của DN trong định hướng, phát triển thị trường nên nhiều chương trình sản xuất sạch chỉ ở phạm vi hẹp, thiếu bền vững.

Thế nhưng, trong giai đoạn hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, DN đã thể hiện vai trò đầu tàu trong đầu tư cho sản xuất an toàn với mục tiêu xây dựng thương hiệu bằng uy tín, chất lượng ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Và nhiều DN đã gặt hái thành công nhờ “bắt” đúng nhu cầu về sản phẩm sạch của thị trường.

Ông Đặng Trường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán), chia sẻ: “Từ năm 2011, DN đã hỗ trợ nông dân triển khai chương trình chứng nhận UTZ (chứng nhận toàn cầu về sản xuất an toàn) cho cây ca cao. Nhờ xây dựng được chuỗi liên kết chặt chẽ và bao tiêu sản phẩm ca cao sạch cho nông dân với giá cao hơn mặt bằng chung của thị trường nên hiện chúng tôi đã đã nhân rộng được 210 hécta ca cao đạt chứng nhận UTZ. Từ sự chủ động xây dựng được vùng nguyên liệu sạch nên DN đã ký kết được hợp đồng xuất khẩu chocolate và các sản phẩm từ hạt ca cao vào thị trường khó tính là Nhật Bản, Hàn Quốc”.

Nhờ có chứng nhận quốc tế về sản phẩm an toàn, ca cao Đồng Nai xuất khẩu tốt sang Nhật Bản, Hàn Quốc
Nhờ có chứng nhận quốc tế về sản phẩm an toàn, ca cao Đồng Nai xuất khẩu tốt sang Nhật Bản, Hàn Quốc

Chương trình sản xuất sạch này vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của DN các nước. Cụ thể, Trọng Đức đang hợp tác với Công ty TNHH thương phẩm Atlantic Việt Nam (tỉnh Lâm Đồng) thành lập trung tâm phát triển ca cao với mục tiêu đào tạo về kỹ thuật trồng ca cao cho nông dân nhằm giúp tăng năng suất, chất lượng ca cao theo chuẩn thị trường quốc tế.

Đại diện của Tập đoàn Vingroup cho biết: “Chúng tôi triển khai chương trình với mong muốn giúp nông dân sản xuất và thu lời cao nhất trên chính mảnh ruộng của mình. Phía DN cũng được lợi vì đa dạng được nguồn nông sản sạch cung cấp cho thị trường”.

Hàng loạt các dự án cánh đồng lớn xây dựng vùng chuyên canh sản xuất an toàn cho cây cà phê, cây tiêu, cây mía, cây điều... đang triển khai trên địa bàn Đồng Nai đều do DN là chủ đầu tư xây dựng chuỗi liên kết với nông dân. Tiêu biểu như dự án cánh đồng lớn với cây cà phê đã thu hút được 262 hộ nông dân trồng cà phê đăng ký, với tổng diện tích gần 282 hécta tham gia cấp chứng nhận cà phê 4C do Công ty cổ phần Tổng công ty Tín Nghĩa thực hiện. Dự án cánh đồng lớn cho cây tiêu tại Cẩm Mỹ với diện tích hàng trăm hécta nhờ có sự tham gia của cả DN trong và ngoài nước bao tiêu sản phẩm sạch cho nông dân với giá cao hơn hẳn mặt bằng chung ngoài thị trường. Tập đoàn Vingroup đã đầu tư dự án trồng rau sạch công nghệ cao tại huyện Long Thành và đang tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ, đồng hành cùng 1 ngàn hợp tác xã và hộ nông dân sản xuất sạch với vốn đầu tư ban đầu đến hàng trăm tỷ đồng.  

Thêm nhiều kênh vốn ưu đãi

Theo ông Huỳnh Thành Vinh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn: “Với hàng loạt chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho chương trình cánh đồng lớn; nhất là chính sách ưu đãi về nguồn vốn, DN, nông dân không lo thiếu vốn khi tham gia chương trình sản xuất sạch và dự án cánh đồng lớn. Ngoài các hoạt động hỗ trợ DN, nông dân về mặt chuyên môn, kỹ thuật sản xuất, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các công ty tư vấn hỗ trợ cho DN, hợp tác xã trong lập dự án. Ngành cũng sẽ làm việc với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước bàn giải pháp gỡ khó trong khâu tiếp cận nguồn vốn ưu đãi”.

Nắm bắt sự thay đổi về nhu cầu đầu tư vào nông nghiệp, các tổ chức tín dụng, ngân hàng cũng ngày càng quan tâm các chương trình cho vay đầu tư cánh đồng lớn, sản xuất sạch. Ngân hàng Nông nghiệp - phát triển nông thôn Việt Nam vừa triển khai chương trình gói tín dụng 50 ngàn tỷ đồng ưu đãi cho nông nghiệp sạch, dự kiến áp dụng từ ngày 1-11-2016.

Theo đó, DN, hợp tác xã, nông dân tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn sẽ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với mức lãi suất thấp hơn từ 0,5-1,5% so với lãi suất cho vay thông thường của ngân hàng này. Ngoài ra, phía ngân hàng cũng quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng về mặt thủ tục, hồ sơ trong tiếp cận nguồn vốn; miễn, giảm phí một số dịch vụ.

Bài và ảnh: Bình Nguyên

 

 

Tin xem nhiều