Báo Đồng Nai điện tử
En

Chọn thịt an toàn bằng điện thoại thông minh

11:10, 03/10/2016

Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh vừa làm việc với Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đồng Nai bàn kế hoạch cùng phối hợp triển khai đề án ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo. Chương trình này thuộc dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm của TP.Hồ Chí Minh.

Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh vừa làm việc với Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đồng Nai bàn kế hoạch cùng phối hợp triển khai đề án ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo. Chương trình này thuộc dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm của TP.Hồ Chí Minh.

Một trại nuôi heo tại huyện Trảng Bom.
Một trại nuôi heo tại huyện Trảng Bom.

Đồng Nai rất quan tâm tham gia đề án trên vì TP.Hồ Chí Minh là thị trường chính tiêu thụ nguồn thịt heo của tỉnh. Từ nay đến ngày 15-10, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đồng Nai sẽ là đầu mối nhận đăng ký từ các doanh nghiệp (DN), chủ trang trại trên địa bàn tỉnh muốn tham gia đề án. 

Truy xuất nguồn gốc thịt

Đề án chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 sẽ quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo từ khi heo được xuất khỏi trang trại qua giai đoạn giết mổ, vận chuyển, kinh doanh tại chợ đầu mối đến siêu thị, chợ bán lẻ; giai đoạn 2, kiểm soát từ khi heo được sinh ra đến khi xuất chuồng.

Theo đó, khi xuất chuồng mỗi con heo sẽ được đeo vòng nhận diện có mã vạch lưu trữ thông tin. Nhờ đó, các khâu từ chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, phân phối đều được kiểm soát và đưa vào ngân hàng dữ liệu. Và người tiêu dùng có thể dùng một ứng dụng đã cài đặt sẵn trên smartphone quét tem điện tử dán trên miếng thịt heo và dễ dàng biết được con heo nuôi ở trại nào, giết mổ ở đâu, có chứng nhận an toàn hay không... Nếu không sử dụng smartphone, người mua có thể sử dụng máy quét mã vạch đặt tại các chợ để quét tem điện tử hoặc truy xuất nguồn gốc qua trang web của chương trình.

Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, cho biết: “Các DN, chủ trang trại được tự nguyện đăng ký tham gia đề án. Tuy nhiên, không phải ai muốn tham gia cũng được mà phải đủ các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm, chuẩn từ khâu chăn nuôi đến khâu giết mổ. Đây là cơ hội để mặt hàng thịt heo Đồng Nai tham gia vào chuỗi liên kết, xây dựng thương hiệu bằng uy tín chất lượng”.

Lợi cho cả người mua và người bán

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh, ước tính mỗi ngày thị trường TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng 10 ngàn con heo thịt, trong đó 80% lượng thịt được bán tại 2 chợ đầu mối là Hóc Môn và Bình Điền; 10% lượng thịt được bán tại các siêu thị và 10% còn lại được bán tại các chợ truyền thống. Dự kiến, từ tháng 11 chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo này được thực hiện thí điểm tại 2 chợ đầu mối là Bình Điền và Hóc Môn; một số chợ bán lẻ lớn và hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố. Từ năm 2017, thành phố sẽ áp dụng đại trà chương trình này, ngoài thịt heo sẽ mở rộng truy xuất nguồn gốc với thịt gia cầm, rau, củ, quả...

Việc ứng dụng công nghệ thông tin để truy xuất nguồn gốc thịt heo được cho là giải pháp căn cơ và thiết thực cho vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay, vì ở đây người tiêu dùng được trao công cụ để chọn được sản phẩm thịt sạch. Về phía DN và người chăn nuôi, tuy vẫn còn nhiều băn khoăn về những khó khăn trong việc thực hiện, nhưng đều cho rằng đây là cơ hội để xây dựng thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các nhà cung cấp, DN, người chăn nuôi, kinh doanh heo VietGAP, thịt heo an toàn.

TS. Kiều Minh Lực, Giám đốc Trung tâm truyền giống của Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, chia sẻ C.P rất ủng hộ và sẽ đăng ký tham gia đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo. Đây là một giải pháp hiệu quả để kiểm soát tốt nguồn cung heo hơi, heo mảnh vào thành phố, đáp ứng mong muốn của người tiêu dùng về an toàn vệ sinh thực phẩm. “Tuy tôi vẫn còn ít nhiều băn khoăn về mặt quản lý trong khâu phân phối về các chợ bán lẻ, nhưng vẫn tin tưởng đây là giải pháp tối ưu hiện nay và kỳ vọng chương trình này sẽ được nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành khác. DN sẵn sàng tốn thêm chi phí khi tham gia đề án vì mục tiêu chung góp phần xây dựng một thị trường thịt heo an toàn” - ông Lực cho biết thêm.

So với các DN lớn như C.P, các chủ trang trại và chăn nuôi nông hộ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi tham gia đề án vì chưa xây dựng được hệ thống kiểm soát hoàn chỉnh từ khâu giống, sản xuất đến tiêu thụ. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, phân tích: “Không chỉ chăn nuôi nông hộ mà nhiều trang trại lớn vẫn rất mù mờ thông tin về chương trình này. Rồi hàng loạt vấn đề, như: e ngại tốn kém chi phí để gắn mã vạch cho heo; nông dân chưa có thói quen ghi nhật ký nuôi heo an toàn... đều là những rào cản để người chăn nuôi đăng ký truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm”. Theo ông Đoán, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai rất quan tâm đến việc tuyên truyền, vận động để người chăn nuôi heo đăng ký tham gia truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Vì trong giai đoạn hội nhập hiện nay, thịt không có chứng nhận an toàn thì sẽ khó có thể tồn tại và cạnh tranh được. 

Bình Nguyên

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích