Báo Đồng Nai điện tử
En

Áp trần cho lãi tiêu dùng?

11:08, 17/08/2016

Lâu nay, lãi suất cho vay tiêu dùng luôn là lãi suất thỏa thuận giữa bên vay và bên cho vay, khác với lãi suất của các dạng vay thông thường thường được điều chỉnh bằng sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Vay tiêu dùng là vay trung - dài hạn, thực tế mức lãi suất cao hơn 20% là khá phổ biến.

Lâu nay, lãi suất cho vay tiêu dùng luôn là lãi suất thỏa thuận giữa bên vay và bên cho vay, khác với lãi suất của các dạng vay thông thường thường được điều chỉnh bằng sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Vay tiêu dùng là vay trung - dài hạn, thực tế mức lãi suất cao hơn 20% là khá phổ biến.

Thị trường vốn vay tiêu dùng hiện đang chia nhiều phân khúc. Ở nhóm ngân hàng lớn, như: Vietcombank, Agribank hay BIDV, lãi vay tiêu dùng thường chỉ dao động từ 13-16%/năm, trong khi khối ngân hàng quy mô nhỏ hơn thường áp mức lãi khoảng 15-18%/năm. Đáng nói là, các công ty tài chính và một số ngân hàng cũng đang áp dụng mức lãi vay tiêu dùng thậm chí cao trên 25%/năm. Ở thời điểm “nóng”, còn có thể tiệm cận mức 30%/năm hoặc hơn nữa tùy món vay, hình thức vay. Ở các món vay nhỏ lẻ thông qua hình thức liên kết giữa công ty tài chính/ngân hàng với các hệ thống điện máy, cửa hàng, lãi suất vay trả góp (thực chất cũng là vay tiêu dùng) có thể lên rất cao, đến mức trên 40%/năm và nhiều chuyên gia ví như vay “cắt cổ” hoặc một hình thức “lừa đảo” người vay, có thể áp vào tội “cho vay nặng lãi” khi kiên quyết hình sự hóa quan hệ dân sự này.

Chính vì chưa có công cụ nào quy định hoặc áp trần cho dạng vay ngày càng phổ biến trên thị trường này nên Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định từ 1-1-2017, mức lãi vay tiêu dùng tối đa là 20%. Quy định này chỉ còn vài tháng nữa là chính thức áp dụng và đang gây tác động mạnh mẽ đến thị trường vay tiêu dùng.

Cụ thể, Điều 468 quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.

Theo lý giải của các công ty tài chính, lãi vay 20% sẽ không gánh nổi chi phí vận hành, hoạt động và các chi phí khác vì hầu hết vay tiêu dùng theo món với thủ tục rất nhanh (có khi chỉ cần chứng minh nhân dân và vài cái hóa đơn tiền điện). Tuy nhiên, những người làm luật cũng e ngại rằng nếu không có công cụ hay mức trần quản lý, vay tiêu dùng theo kiểu thỏa thuận lãi suất sẽ dẫn đến nhiều việc phức tạp hơn khi các mức lãi suất quá cao được áp dụng tràn lan và có thể dễ dàng hình sự hóa theo tội “cho vay nặng lãi”.

Hiện chưa thể đánh giá tác động của quy định này đến thị trường, song thay đổi luật gần như là điều không thể. Do đó, thị trường vay tiêu dùng có thể sẽ xáo động mạnh khi luật chính thức có hiệu lực.

Vi Lâm

Tin xem nhiều