Thời điểm này, nông dân trồng hoa tết ở huyện Thống Nhất đang tất bật vào giai đoạn cắm cọc tre, định hình chậu hoa cúc để cây phát triển đều đặn.
Thời điểm này, nông dân trồng hoa tết ở huyện Thống Nhất đang tất bật vào giai đoạn cắm cọc tre, định hình chậu hoa cúc để cây phát triển đều đặn. Các loại hoa khác, như: cát tường, ly, mào gà… đều được gieo trồng từ hơn 1 tháng trước. Riêng hoa vạn thọ, do thời gian sinh trưởng ngắn hơn nên hiện người trồng mới bắt đầu xuống giống.
Năm nay, thời tiết bất lợi cho hoa tết phát triển, sâu bệnh xuất hiện nhiều, chi phí đầu tư tăng cao khiến nông dân trồng hoa không khỏi lo lắng. Nhưng nhiều nông dân vẫn mạnh dạn mở rộng diện tích, đầu tư giống nuôi cấy mô, nhà lưới... để phát triển nghề trồng hoa theo hướng chuyên canh.
* THỜI TIẾT BẤT LỢI
Hiện chỉ riêng vườn hoa của ông Đỗ Minh Hưng (xã Quang Trung) đang có hàng chục lao động tập trung vào việc cắm cọc tre quanh các chậu cúc để định hình cho chậu hoa phát triển đều. Đây là giai đoạn lao động thời vụ rộn ràng vào vụ hoa tết vì khâu chỉnh sửa, định hình cho từng chậu hoa tốn khá nhiều thời gian và công lao động. Chỉ riêng vài hécta trồng hoa của 3 anh em trong gia đình ông Hưng đã có hàng trăm ngàn chậu hoa cần chỉnh sửa. Ông Đỗ Minh Hưng chia sẻ: “Năm nay còn khó làm hoa hơn cả những năm nhuần. Vì thời tiết nắng nóng quá gay gắt kèm theo những trận mưa bất chợt khiến sâu bệnh trên hoa phát triển mạnh, sự sinh trưởng của cây cũng thay đổi. Nhà vườn phải tốn thêm nhiều chi phí phân thuốc, thời gian thắp đèn để điều chỉnh cho cây hoa phát triển theo ý người trồng cũng kéo dài hơn khiến chi phí trồng hoa đội lên cao”.
Lao động thời vụ đang cắm tre định hình giỏ hoa cúc tại vườn hoa của ông Đỗ Minh Hưng (xã Quang Trung, huyện Thống Nhất). |
Theo những nông dân trồng hoa ở Đồng Nai, thời tiết thất thường khiến tỷ lệ hoa gieo trồng đạt thấp hơn. Nhưng điều nông dân lo lắng nhất là với diễn biến thất thường của thời tiết, rủi ro hoa đón tết sớm hoặc nở không đúng như mong muốn của người trồng dễ xảy ra. Chính vì vậy, nhiều nhà vườn thận trọng không dám mạo hiểm trồng thêm các giống hoa cần đầu tư lớn, lại nhạy cảm với thời tiết, như: cát tường, hoa ly…
Ông Trần Anh Tuấn, nông dân trồng hoa tại xã Gia Tân 3, nhận xét: “Vụ hoa tết năm nay, diện tích trồng hoa của làng hoa Phúc Nhạc (xã Gia Tân 3) được mở rộng so với mọi năm vì có thêm một số hộ tăng sản lượng hoặc hộ mới bỏ vụ rau sang làm hoa tết. Thời tiết bất thường khiến người trồng hoa đang tất bật ứng phó với sâu bệnh, khâu tưới tiêu cũng tốn kém hơn so với các vụ sản xuất khác”.
* ĐẦU TƯ THEO HƯỚNG CHUYÊN CANH
Trồng hoa tết tuy rủi ro cao nhưng lợi nhuận từ cây trồng này lại tốt hơn nhiều so với trồng rau và cây hàng năm, nên nhiều nông dân chuyên trồng rau ở Thống Nhất vẫn mạnh dạn chuyển đổi.
Không chỉ những nhà vườn có diện tích lớn mới mạnh dạn đầu tư mạnh cho vụ hoa tết, mà nhiều hộ sản xuất nhỏ lẻ cũng quan tâm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, như: đầu tư giống nuôi cấy mô, trồng hoa trong nhà lưới, hệ thống tưới nước tự động... Ông Vũ Bá Dĩnh, nông dân trồng hoa tại làng hoa Phúc Nhạc, chia sẻ: “Trước đây, vùng này chuyên canh cây rau là chính. Những tháng cuối năm, một số hộ trồng rau chuyển sang làm vụ hoa tết nhưng chủ yếu chỉ trồng một số loại hoa thông dụng, dễ chăm sóc, như: vạn thọ, cúc, mào gà... Thấy cây hoa cho lợi nhuận tốt, nhiều hộ làm theo rồi dần dần hình thành làng trồng hoa Phúc Nhạc”. Vài năm trở lại đây, nhiều nhà vườn đầu tư mạnh vào khâu giống, ứng dụng khoa học - kỹ thuật để trồng thêm nhiều giống mới được thị trường ưa chuộng, như: cúc pha lê chậu trung, chậu lớn, hoa cát tường, phăng sê...
Huyện Thống Nhất đang xây dựng đề án xây dựng vùng chuyên canh rau, hoa cây cảnh. Trong đó, làng hoa Phúc Nhạc có diện tích canh tác lớn nhất huyện với khoảng 300 hécta, nằm trong quy hoạch trọng điểm của đề án. Theo đó, nông dân trồng hoa, trồng rau được địa phương hỗ trợ, khuyến khích đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới nước tự động cho vùng chuyên canh với mục tiêu phát triển bền vững.
Bình Nguyên