Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp Nhà nước "chạy nước rút" bán cổ phần

08:12, 10/12/2015

Để tái cơ cấu, các doanh nghiệp có vốn Nhà nước tại Đồng Nai đã "chạy nước rút" trong việc thoái vốn, cổ phần hóa và chào bán cổ phần. Mục đích là để thoái hết hoặc thoái bớt một phần vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp và sắp xếp lại hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Để tái cơ cấu, các doanh nghiệp có vốn Nhà nước tại Đồng Nai đã “chạy nước rút” trong việc thoái vốn, cổ phần hóa và chào bán cổ phần. Mục đích là để thoái hết hoặc thoái bớt một phần vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp và sắp xếp lại hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp tỉnh, trong lộ trình của Chính phủ giai đoạn 2011-2015, Đồng Nai thực hiện cổ phần hóa 5 doanh nghiệp và thoái vốn Nhà nước ở hơn 20 doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ vốn chi phối. Tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn ở các doanh nghiệp có vốn Nhà nước đa phần đúng theo lộ trình.

* Chào bán nhiều cổ phần

Đến hết năm 2015, Đồng Nai phải cổ phần hóa 5 doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước là: Công ty TNHH một thành viên xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa (BBCC); Công ty TNHH một thành viên cấp nước Đồng Nai; Công ty TNHH một thành viên dịch vụ môi trường đô thị Đồng Nai; Công ty chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm (Donafoods) và Tổng công ty phát triển khu công nghiệp (Sonadezi).

Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai theo lộ trình sẽ cổ phần hóa trong giai đoạn 2016-2020.
Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai theo lộ trình sẽ cổ phần hóa trong giai đoạn 2016-2020.

Đến đầu tháng 12-2015, việc cổ phần hóa đã cơ bản hoàn thành ở 4 doanh nghiệp. Riêng Sonadezi, tiến trình cổ phần do Chính phủ phê duyệt nên chậm hơn so với tiến độ. Dự kiến đến cuối tháng 12 - 2015, doanh nghiệp này sẽ tổ chức đấu giá cổ phần lần đầu tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh. Đến cuối tháng 1-2016, Sonadezi sẽ đại hội cổ đông và sau đó đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Ông Phan Đình Thám, Phó tổng giám đốc Sonadezi, cho hay: “Vốn điều lệ và cơ cấu phát hành cổ phần lần đầu của công ty 3.765 tỷ đồng, tương ứng với 376,5 triệu cổ phần. Nhà nước sẽ nắm giữ trên 244,7 triệu cổ phần, tương đương 65% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại (131,3 triệu cổ phần) sẽ bán đấu giá công khai và một số sẽ bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp”. Cũng theo ông Thám, công ty sẽ hoàn tất cổ phần hóa và đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần trong quý I-2016.

“Donafoods chào bán cổ phần lần đầu gần 7,7 triệu cổ phần, và có 3 nhà đầu tư đã mua hơn 5,5 triệu cổ phần. Cuối tháng 12-2015, công ty sẽ đại hội cổ đông và từ đầu năm tới sẽ hoạt động theo mô hình công ty cổ phần” - ông Nguyễn Trọng Trí, Phó tổng giám đốc Công ty Donafoods nói. Sau khi cổ phần hóa, Donafoods sẽ là công ty con của Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico).

Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2015, tổng số tiền thu về trên 435 tỷ đồng. Cổ phần của những doanh nghiệp vốn Nhà nước ở Đồng Nai hầu hết được các nhà đầu tư trong nước mua lại.

* Thoái vốn nhiều doanh nghiệp

Song song với tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước thì tỉnh cũng thực hiện thoái vốn Nhà nước 21 doanh nghiệp và một số ngân hàng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó chi cục trưởng Chi cục Tài chính - doanh nghiệp (Sở Tài chính), cho biết: “Đến thời điểm này đã thoái vốn nhà nước xong 9 doanh nghiệp, còn 12 doanh nghiệp đang thực hiện các thủ tục thoái vốn. Những doanh nghiệp thoái vốn nhà nước hầu hết là công ty con của Sonadezi, Donafoods và Dofico. Việc thoái vốn Nhà nước là để các doanh nghiệp tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất phù hợp với yêu cầu khi tham gia hội nhập sâu”. Thoái vốn Nhà nước trong 5 năm qua tại các doanh nghiệp giúp thu về hơn 205 tỷ đồng.

Công ty Donafoods - một doanh nghiệp đang cổ phần hóa.
Công ty Donafoods - một doanh nghiệp đang cổ phần hóa.

Trong giai đoạn 2016-2020, Đồng Nai sẽ tiếp tục cổ phần hóa tại 3 doanh nghiệp là Công ty mẹ Dofico, Công ty TNHH một thành viên cao su công nghiệp, Công ty TNHH một thành viên đầu tư phát triển Bửu Long. Đồng thời, tiếp tục thoái vốn Nhà nước ở 28 doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp tỉnh sẽ thoái hết vốn Nhà nước.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Phúc nhận định: “Việc cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, Đồng Nai thực hiện khá tốt theo đúng lộ trình Chính phủ phê duyệt. Trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ tiếp tục tiến hành cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước ở những doanh nghiệp còn lại, để doanh nghiệp sắp xếp đổi mới hoạt động hiệu quả hơn”. Sau khi cổ phần hóa, một số doanh nghiệp tăng doanh thu thêm nhiều lần. Cụ thể, Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai sau khi cổ phần doanh thu năm 2015 ước đạt 654 tỷ đồng, tăng 17,2% so với trước khi cổ phần và ước lợi nhuận tăng gấp hơn 3 lần.

Hương Giang

 

 

 

 

Tin xem nhiều