Sáng 23-9, Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Cục Chăn nuôi phối hợp với Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đồng Nai tổ chức hội thảo "Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong chăn nuôi heo, gia cầm an toàn vệ sinh thực phẩm".
Sáng 23-9, Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Cục Chăn nuôi phối hợp với Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đồng Nai tổ chức hội thảo “Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong chăn nuôi heo, gia cầm an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Một trang trại chăn nuôi tại huyện Trảng Bom. Ảnh: TL |
Tham gia hội thảo có đông đảo doanh nghiệp (DN) trong ngành chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi, chủ trang trại và đại diện ngành nông nghiệp của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước...
* Liên kết để phát triển
Nói về hiệu quả của mô hình xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc điều hành Công ty TNHH San Hà (TP.Hồ Chí Minh), chia sẻ: “Tôi không nuôi gà nhưng vẫn tham gia hiệp hội chăn nuôi, tham gia hợp tác xã… để gắn bó với nông dân. DN đã xây dựng chuỗi liên kết được 2 năm nay, chúng tôi lập ra các hợp tác xã, chuyên môn hóa từ khâu con giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi đến giết mổ, phân phối…
Góp ý cho việc tái cơ cấu ngành chăn nuôi, ông Đoàn Viết Cường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Thanh Niên Xung Phong (TP. Hồ Chí Minh), cho rằng tái cơ cấu ngành chăn nuôi là chấn chỉnh lại những gì chưa tốt. Cụ thể, việc sử dụng chất tạo nạc trong nuôi heo “một con sâu làm rầu cả nồi canh” vì những bất cập trong vấn đề quản lý, nhất là cần có chế tài xử lý thật nặng. Theo ông Cường, người chăn nuôi đang bịt mắt để nuôi heo, nuôi gà theo hướng tự phát vì thiếu thông tin, nhất là thông tin về thị trường.
* Cần gỡ về chính sách
Tại hội thảo, vấn đề “nóng” được người chăn nuôi quan tâm nhiều vẫn là tình trạng thịt nhập vẫn ồ ạt tràn về thị trường nội địa, đang dần “ép” chết ngành chăn nuôi trong nước. Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, hiện không chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ mà những công ty FDI đầu tư vào chăn nuôi cũng e ngại yếu thế trong cạnh tranh với gà ngoại có giá rẻ một cách bất thường. Điều quan trọng hiện nay vẫn là cần dự minh bạch về thị trường, hạn chế gian lận thương mại tồn tại bao nhiêu năm nay.
Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nhận xét nhiều chủ trang trại chăn nuôi gia cầm của Đồng Nai, của khu vực Đông Nam bộ đều đã tham gia chuỗi liên kết nhưng cũng không thể cạnh tranh lại gà Mỹ với giá siêu rẻ. Điều DN, người chăn nuôi bức xúc là gà ngoại nhập khẩu về một cách ào ạt, thiếu sự kiểm soát, trong khi đó DN muốn xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi lại gặp quá nhiều rào cản, khó khăn.
Nhiều ý kiến của DN và người chăn nuôi cũng cho rằng, giai đoạn này ngành chăn nuôi đang chạm đáy khó khăn, cần ngay những chính sách, cơ chế hỗ trợ hiệu quả từ Nhà nước. Trong đó, vấn đề quản lý giá đầu vào trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, hàng rào kỹ thuật trong nhập khẩu thịt ngoại, chống gian lận thương mại... là những vấn đề cần làm ngay. Ngành chăn nuôi trong nước thoát khỏi thế bị động, yếu thế khi bước ra sân chơi thế giới.
Bình Nguyên