Tại huyện Cẩm Mỹ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh ngày 22-9 đã làm việc với Công ty Sol Holding Việt Nam (TP.Hồ Chí Minh) và Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai nhằm đánh giá hiệu quả ban đầu của việc trồng thử nghiệm cây siêu cao lương tại Đồng Nai.
Tại huyện Cẩm Mỹ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh ngày 22-9 đã làm việc với Công ty Sol Holding Việt Nam (TP.Hồ Chí Minh) và Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai nhằm đánh giá hiệu quả ban đầu của việc trồng thử nghiệm cây siêu cao lương tại Đồng Nai.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh (bìa phải) thăm mô hình trồng siêu cao lương tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai. |
Hiện 50 hécta cây siêu cao lương trồng tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai bắt đầu cho thu hoạch vụ đầu tiên với hiệu quả khả quan. 4 điểm trồng thử nghiệm trong dân tại các huyện: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Nhơn Trạch cũng đạt năng suất tốt.
* Bước đầu phát triển tốt
Dự kiến trong năm 2016, Công ty Sol Holding Việt Nam sẽ phối hợp với Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai phát triển thêm 1 ngàn hécta cây siêu cao lương trong vòng bán kính 10 km tính từ trung tâm. Công ty sẽ hợp tác với nông dân theo hướng cung cấp hạt giống, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá ổn định.
Theo báo cáo của Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai, cây siêu cao lương sinh trưởng rất tốt trong quá trình trồng thử nghiệm. Năng suất dự kiến vụ đầu đạt khoảng 96,4 tấn/hécta/lần thu hoạch đầu. Với chi phí đầu tư hơn 37 triệu đồng/hécta và mức giá sàn mua công ty đưa ra là 600 đồng/kg cây, thì lợi nhuận lần thu hoạch đầu tiên đạt gần 21 triệu đồng/hécta. Mô hình trồng thử nghiệm cây siêu cao lương tại các địa phương cũng đạt hiệu quả tốt. Theo Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai, tại 4 điểm do người dân trồng thử nghiệm, cây siêu cao lương sinh trưởng rất tốt. Với diện tích thử nghiệm 0,5 hécta/điểm, chi phí đầu tư trên 21 triệu đồng/hécta, năng suất dự kiến đạt khoảng 60 tấn/lần thu hoạch đầu thì lợi nhuận đạt gần 29 triệu đồng/hécta.
Do đặc điểm của cây siêu cao lương trồng 1 lần được 3 lần thu hoạch, nên những con số trên chỉ là kết quả ban đầu vì phải chờ thu hoạch cả 3 đợt mới tính được tổng lợi nhuận từ 1 hécta cây trồng này. Tuy nhiên, những kết quả ban đầu này đã cho thấy hiệu quả vượt trội của cây siêu cao lương so với trồng bắp. Ông Nguyễn Văn Thanh, nông dân trồng thử nghiệm giống siêu cao lương tại ấp Tây Minh, xã Lang Minh (huyện Xuân Lộc), chia sẻ do là giống mới nên ông còn khá lúng túng trong khâu chăm sóc, nhất là xử lý sâu, bệnh. Nhưng sau vụ đầu được cán bộ kỹ thuật của công ty hướng dẫn, ông đã tự tin về kỹ thuật trồng giống cây mới này. Theo ông Thanh: “Cây siêu cao lương sinh trưởng rất khỏe, kỹ thuật chăm sóc cũng tương tự như cây bắp nên nông dân không lo về khâu sản xuất. Điều chúng tôi quan tâm hiện giờ là sản phẩm luôn được doanh nghiệp đảm bảo bao tiêu. Lợi nhuận phải hơn hẳn cây bắp thì nông dân sẽ mạnh dạn chuyển đổi sang giống cây trồng mới”.
* Cần đánh giá kỹ hơn về hiệu quả
Tại buổi làm việc, Tổng giám đốc Công ty Sol Holding Việt Nam Nguyễn Thái Sơn cho biết dự kiến công ty sẽ phát triển thêm 1 ngàn hécta cây cao lương tại Đồng Nai theo hình thức công ty cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm với giá ổn định cho nông dân mà không thông qua khâu trung gian. Công ty sẽ đầu tư máy móc đến tận ruộng của nông dân để thu hoạch nên nông dân không mất thêm chi phí này.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, bước đầu cây siêu cao lương cho kết quả tốt, nhưng đây là cây trồng mới nên có thể cần phải tổ chức khảo nghiệm, thử nghiệm theo dõi một vài năm. Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai và Trung tâm Khuyến công Đồng Nai cần tiếp tục theo dõi và có báo cáo đánh giá cụ thể hiệu quả kinh tế của cây trồng mới này. Từ đó mới xây dựng quy trình kỹ thuật trồng siêu cao lương phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Đồng Nai, đặc biệt là vấn đề dịch bệnh. Với kế hoạch nhân rộng thêm 1 ngàn hécta siêu cao lương trong năm 2016, Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai và doanh nghiệp cần triển khai sớm cho dân để chủ động mùa vụ. |
Tuy nhiên, đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa này, diện tích trồng phải lớn để có thể đưa máy móc vào thu hoạch. Hạt giống cây siêu cao lương sẽ không được bán đại trà trên thị trường mà thông qua Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai để cung cấp đến những nông dân có hợp đồng với công ty. Doanh nghiệp sẽ gắn kết chặt chẽ với nông dân trong cả chuỗi sản xuất, hỗ trợ về kỹ thuật từ quá trình canh tác đến thu hoạch. Ngoài ra, công ty cũng sẽ hỗ trợ giống cho một số nông dân tại địa phương có nhu cầu trồng cây siêu cao lương làm nguồn thức ăn chăn nuôi mà không có mục đích thương mại. Theo kế hoạch, công ty này sẽ đầu tư nhà máy chế biến tại Đồng Nai và tiếp tục nhân rộng diện tích cây trồng này lên hàng chục ngàn hécta.
Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ Phạm Văn Sáng cho biết trung tâm đang chờ khảo sát kết quả thu hoạch đợt 2. Hiện trung tâm đang chờ thu hoạch đợt 2, đợt 3 của cây trồng này để có đánh giá chính xác nhất về hiệu quả. Sau đó, Sở sẽ tiếp tục làm việc với doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai trồng cây siêu cao lương trong nông dân rộng rãi hơn.
Bình Nguyên