Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuất khẩu tiểu ngạch không còn dễ

07:04, 06/04/2015

Lâu nay, Trung Quốc vẫn được cho là thị trường dễ tính. Tuy nhiên, thị trường này đang có sự thay đổi lớn về nhu cầu hàng hóa, tiêu chuẩn với hàng nhập khẩu cũng ngày càng khắt khe hơn.

Lâu nay, Trung Quốc vẫn được cho là thị trường dễ tính. Tuy nhiên, thị trường này đang có sự thay đổi lớn về nhu cầu hàng hóa, tiêu chuẩn với hàng nhập khẩu cũng ngày càng khắt khe hơn. Thực tế, thời gian qua không ít hàng nông sản của Việt Nam rơi vào cảnh tồn hàng, dội chợ, bị ép giá… vì cánh cửa xuất khẩu vào thị trường này ngày càng hẹp.

Vụ thu hoạch năm nay, sản lượng xoài giảm do ảnh hưởng thời tiết và giá bán lại thấp vì xuất khẩu giảm. Trong ảnh: Nông dân thu hoạch xoài tại xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu.
Vụ thu hoạch năm nay, sản lượng xoài giảm do ảnh hưởng thời tiết và giá bán lại thấp vì xuất khẩu giảm. Trong ảnh: Nông dân thu hoạch xoài tại xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu.

Tuy Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường lớn cho xuất khẩu, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) đã chọn hướng xuất khẩu chính ngạch, làm ăn với các công ty uy tín chứ không chủ yếu bán hàng qua các thương lái đầy rủi ro như trước. Song song đó, DN Việt cũng đang nỗ lực mở rộng thị trường, nhất là các nước trong khối ASEAN, tận dụng cơ hội hàng rào thuế quan sẽ được gỡ trong thời gian tới.  

* Bớt dễ tính

Ông Nguyễn Quang Hòe, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ tiểu thủ công nghiệp Long Khánh (TX. Long Khánh), cho biết: “Nông dân trồng nấm lỗ nặng vì chưa năm nào giá nấm “rớt” thê thảm như năm 2014. Vụ nấm đầu năm 2015 càng khó khăn hơn vì hiện giá nấm mèo khô bán ra dưới 50 ngàn đồng/kg, thấp nhất từ trước đến nay. Người trồng nấm đang đứng trước nguy cơ bỏ nghề, vì đây không còn là mô hình kinh tế mang lại lợi nhuận cao như vài năm trước”.

Lý giải về nguyên nhân nấm mèo liên tục “rớt” giá suốt thời gian qua, bà Tô Thị Hiền, thương lái thu mua nấm tại TX. Long Khánh, cho biết: “Mặt hàng nấm mèo đang chịu áp lực cạnh tranh rất lớn vì hiện nhiều tỉnh, thành trong cả nước đều mở rộng diện tích trồng loại nấm này. Nhưng nguyên nhân chính là, trước đây mặt hàng này xuất khẩu rất mạnh qua thị trường Trung Quốc nhưng hiện nấm mèo Trung Quốc đang xuất ngược trở lại, cạnh tranh với nấm Việt”. 

Thời gian qua từng xảy ra việc một số loại trái cây Việt Nam rơi vào cảnh “rớt” giá, thậm chí nông dân đổ trái chín đầy vườn vì không có thương lái thu mua. Theo các DN, thương lái chuyên đóng hàng trái cây, nông sản xuất khẩu, yêu cầu của thị  trường Trung Quốc ngày càng khắt khe, cạnh tranh cũng ngày càng gay gắt hơn. Bà Phạm Thị Tố Nga, chủ vựa trái cây Nga Huy (TX.Long Khánh), nhận xét: “Từ năm 2014 đến nay, những đơn hàng trái cây đóng sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh so với mọi năm. Giá hàng thì giảm nhưng thương lái của họ lại yêu cầu đủ thứ từ chất lượng đến kích cỡ, hình thức sản phẩm. Theo đó, không chỉ nông dân điêu đứng vì nông sản mất giá mà hoạt động kinh doanh của thương lái cũng bị ảnh hưởng không ít”.

* Tìm cách mở rộng thị trường

Công ty TNHH Thuận Hương (huyện Định Quán) hiện đang nỗ lực đa dạng thêm sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Ngoài dòng sản phẩm sấy truyền thống, công ty còn nhận làm các đơn hàng sơ chế sầu riêng, chôm chôm đông lạnh... để xuất khẩu. Ông Liu Tác Sáng, Giám đốc Công ty TNHH Thuận Hương, nhận xét: “DN đang đầu tư đẩy mạnh khâu phát triển thị trường, mở rộng sang các nước trong khối ASEAN để tận dụng lợi thế về thuế quan sẽ giảm trong thời gian tới. Hiện, ngoài các nước Lào, Campuchia, tôi đã bắt đầu có đơn hàng vào Malaysia, Philippines... Hàng rào kỹ thuật của các nước này về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cũng ngày càng chặt chẽ hơn nên DN càng phải chăm chút cho sản phẩm”.

Năm 2014, giá chuối liên tục đứng ở mức thấp vì xuất khẩu gặp khó khăn. (Ảnh chụp tại một đại lý thu mua chuối ở huyện Thống Nhất).
Năm 2014, giá chuối liên tục đứng ở mức thấp vì xuất khẩu gặp khó khăn. (Ảnh chụp tại một đại lý thu mua chuối ở huyện Thống Nhất).

Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Công ty TNHH chế biến rau củ quả Toàn Cầu (huyện Thống Nhất), cho biết: “Đầu tư vào nông nghiệp phải theo hướng bài bản, căn cơ vì làm hàng xuất khẩu phải đáp ứng tốt yêu cầu về an toàn thực phẩm, xuất xứ hàng hóa. DN đang liên kết với nông dân phát triển vùng nguyên liệu chuối theo chuẩn VietGAP song song với việc đầu tư nhà máy chế biến theo công nghệ mới là sấy chân không đông lạnh (sấy thăng hoa). DN đang tập trung đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn, khó tính hơn, như: các nước Trung Đông, Nhật Bản...”. 

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều