Tuy không có biển nhưng Đồng Nai lại có gần 5 ngàn hécta rừng ngập mặn. Nơi đây được ví như lá phổi xanh của vùng Đông Nam bộ.
Tuy không có biển nhưng Đồng Nai lại có gần 5 ngàn hécta rừng ngập mặn. Nơi đây được ví như lá phổi xanh của vùng Đông Nam bộ.
Gọi là rừng ngập mặn Long Thành, song thực tế đa số diện tích rừng ngập mặn lại nằm trên địa bàn hai xã Long Thọ, Phước An (huyện Nhơn Trạch). Huyện Long Thành chỉ có xã Phước Thái, Long Phước có rừng ngập mặn nhưng diện tích không nhiều.
* Bần, đước ngợp trời
Muốn đến rừng ngập mặn Long Thành phải ghé xuống bến sông Lòng Tranh, xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) và đi xuồng theo những con rạch nhỏ vào sâu trong rừng. Càng vào sâu, rừng cây càng rậm rạp, có những khúc sông cây bần, đước mọc che gần kín con rạch khiến người ngồi trên xuồng phải dùng tay gạt cành qua hai bên mới có lối vào.
Theo lời ông Nguyễn Văn Thông, Phó trưởng phòng Bảo vệ rừng (Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành), thì ông đã gắn bó với rừng ngập mặn từ sau ngày miền Nam giải phóng. Trước giải phóng, biết quân cách mạng trú ngụ trong cánh rừng ngập mặn, giặc đã đem bom phá tan hoang. Vì thế, sau giải phóng, cánh rừng này chỉ còn trơ lại các gốc cây. Đến năm 1977, tỉnh có chính sách cho trồng lại và rừng ngập mặn Long Thành mới dần được hồi sinh từ đó. Vì thế, tuổi đời của những cây đước, bần, mắm ở đây còn khá trẻ nên cây cao nhất cũng chỉ cao chừng 12-15m.
Rừng ngập mặn Long Thành nằm trên địa bàn 4 xã thuộc 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch. Phía Bắc rừng giáp với huyện Nhơn Trạch, phía Nam giáp huyện Long Thành, phía Đông giáp với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và phía Tây giáp với huyện Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh). Nếu đi thăm rừng ngập mặn Long Thành bằng xuồng máy vào ngày nước lửng phải đi hết cả ngày. Vào buổi chiều, rừng ngập mặn thường có cò trắng bay về trú ngụ. |
Các rễ cây theo thời gian nhô cao khỏi mặt đất từ 0,3-0,6m. Cây càng lớn tuổi thì bộ rễ càng ăn lên cao so với mặt đất. Nét đặc trưng của rừng ngập mặn là không có những dây leo chằng chịt. Khi thủy triều rút, các gốc cây trơ ra những bộ rễ màu nâu đan xen vào nhau, như một tấm lưới khổng lồ trông khá lạ mắt. Các thân cây cao, thẳng đuột ít cành nhánh. Tuy được trồng rải ra trong vài năm nhưng cây trong rừng ngập mặn mọc khá đều nhau, nhìn từ trên cao xuống giống như một tấm thảm màu xanh được trải rộng, gió thổi làm gợn sóng.
Ông Trần Văn Tròn, Đội trưởng Đội Bảo vệ rừng (Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành) kể: “Theo thống kê, rừng ngập mặn Long Thành có gần 600 loài động thực vật sinh sống, nhưng chiếm đa số là bần, đước, mắn và chà là. Gần đây, ban quản lý rừng phòng hộ trồng thêm một số cây gỗ lớn, như: xu ổi, gõ biển để góp phần làm đa dạng sinh học”.
* Xuyên rừng theo con nước
Vào rừng ngập mặn Long Thành phải biết cách tính con nước. Nếu không khi thuyền hay xuồng vào sâu bên trong, nước rút thì chỉ còn cách ngồi đợi thủy triều dâng mới đi tiếp được.
“Muốn thám hiểm sâu trong rừng ngập mặn nên chọn những ngày nước lửng, nước ít lên xuống để vào sâu trong rừng mà không sợ bị kẹt lại. Con nước phải tính theo ngày âm lịch, có 2 đợt nước lửng/tháng, mỗi đợt kéo dài chừng 5 ngày, từ ngày 7-11 và từ ngày 23-27 hàng tháng” - ông Hồ Đình Sơn, Trưởng phòng Bảo vệ rừng (Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành) nói.
Mùa này, nước ở rừng ngập mặn chưa dâng cao nên đi vào những ngày nước lửng có thể ngắm được hết vẻ hoang sơ của khu rừng, từ những bộ rễ tủa ra đều tăm tắp quanh thân đến những con còng nhỏ đùa giỡn ngay dưới rễ cây, và chỉ cần tiếng động nhỏ là đám còng giật mình vội vã tìm nơi trú ẩn. Buổi trưa, trời nắng chang chang nhưng ngồi trên thuyền đi sâu vào rừng ngập mặn vẫn thấy mát rượi. Phong cảnh tĩnh mịch của rừng ngập mặn lâu lâu lại rộn lên bởi tiếng hót lảnh lót của bầy chim bói cá làm cho đám gà nước đang tung tăng trên mặt rạch vội ngụp sâu xuống nước. Ông Đàm Văn Đắc, Trưởng trạm Rừng giống của rừng ngập mặn, chia sẻ: “Trong rừng còn có khá nhiều loại đặc sản, như: bạch tuộc, cua, ghẹ, chem chép, cá lác, cá chẽm, cá đối, cá nâu, bống cát. Ngoài bìa rừng có các loại rau, như: rau chại, rau lìm kìm, đọt chà là được dân ở TP.Hồ Chí Minh, Biên Hòa khá ưa thích”.
Vì thế, ngày hay đêm đều có người dân chèo thuyền, lội bộ vào các con rạch trong rừng ngập mặn để đánh bắt thủy hải sản và hái rau rừng đem bán để mưu sinh.
Hương Giang