Báo Đồng Nai điện tử
En

Phải chủ động tham gia vào dòng chảy của thời đại

10:01, 10/01/2014

Bộc trực, thẳng thắn... là một trong những đức tính của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển - người đã từng trực tiếp chỉ đạo đàm phán về kinh tế và thương mại quốc tế, góp công vào việc đưa Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007...

Bộc trực, thẳng thắn đã là một “thương hiệu” của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển. Đã từng trải qua nhiều vị trí công tác, trong đó có thời gian làm Bộ trưởng và Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, ông còn được biết đến nhiều nhất với vai trò là người trực tiếp chỉ đạo  đàm phán về kinh tế và thương mại quốc tế, góp công vào việc đưa Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007 sau 11 năm với trên 200 cuộc đàm phán và 28 đối tác đàm phán song phương của Việt Nam.

Được Thủ tướng ký quyết định nghỉ hưu từ năm 2013, song đến giờ này ông vẫn miệt mài đóng góp cho Việt Nam, đặc biệt giữa bối cảnh Việt Nam đang trong giai đoạn đàm phán nhiều hiệp định kinh tế đa phương (FTA) quan trọng.

* Có ý kiến cho rằng, Việt Nam vội vã trong việc tham gia các FTA khi “sức khỏe” và kinh nghiệm doanh nghiệp vẫn chưa vững vàng. Ý kiến của ông ra sao?

- Nói vội vã thì không thật đúng. Chúng ta có phương châm “tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế”. Chúng ta không thể đứng ngoài dòng chảy chung. Hội nhập mang lại nhiều lợi ích và đương nhiên cũng nhiều thách thức. Nhưng không phải cứ có thách thức thì chúng ta không làm gì, co cụm lại và không tham gia vào dòng chảy đó. Việt Nam sẽ phải thích nghi. Đơn cử, khi tham gia vào WTO, Việt Nam đã phải ban hành 25 bộ luật để tương thích với sân chơi của WTO.

Tuy vậy, tôi cũng thừa nhận rất thẳng thắn rằng, từ khi gia nhập WTO, tiến trình đổi mới, cải cách thể chế có hơi chậm so với kỳ vọng. Nhiều thể chế chúng ta không còn đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu phát triển và phải đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới. Điều này đã được nói rõ trong bài viết của Thủ tướng đầu năm 2014. Tham gia các FTA cũng là cách tạo động lực để chúng ta đổi mới nhanh hơn.

* Theo ông, những FTA nào mà Việt Nam sẽ quyết liệt nhất trên bàn đàm phán?

- Việt Nam đang đàm phán 5 FTA và tới đây có thể là 6. Chúng ta đang dồn sức cho TPP (Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương), 12 nước tham gia đàm phán hiệp định này chiếm 40% GDP toàn cầu và 30% dòng thương mại, trong đó Mỹ và Nhật là 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Một FTA không kém quan trọng khác là với EU. Năm 2013, EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Hai FTA này mang lại lợi ích và những thách thức cực lớn, có vị trí quan trọng nhất.

* Khó khăn nào được đánh giá là lớn nhất của Việt Nam trong quá trình đàm phán các FTA?

- Khó khăn nhất trên bàn đàm phán là những yêu cầu cải cách về thể chế. Tiếp theo đó là những yêu cầu về môi trường, tiêu chuẩn lao động, doanh nghiệp nhà nước… Ngoài những yêu cầu quá khó khăn hoặc nhạy cảm mà chúng ta phải bác bỏ, nhìn chung các yêu cầu trên bàn đàm phán của các FTA phù hợp với định hướng phát triển lâu dài chung của Việt Nam. Trước mắt thì khó khăn, song trong chiến lược dài hạn, những yêu cầu cao về quyền lợi người lao động, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, cải cách doanh nghiệp nhà nước… đều  phù hợp với định hướng của Việt Nam. Với những yêu cầu cao quá so với thực tế phát triển thì Việt Nam sẽ đàm phán để có lộ trình thực hiện.

* Doanh nghiệp Việt Nam vừa trải qua những năm khó khăn chưa từng có. Ông đánh giá thế nào về “sức khỏe” của doanh nghiệp hiện tại, và liệu họ có đủ sức để chiến đấu trên những sân chơi lớn khi các FTA đàm phán thành công?

- Điều quan trọng nhất là Việt Nam buộc phải đẩy nhanh tái cơ cấu: tái cơ cấu doanh nghiệp, tái cơ cấu các ngành sản xuất (gồm: tái cơ cấu công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ), tái cơ cấu đầu tư. Trong đó, về phía doanh nghiệp, chúng ta không chỉ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, mà còn phải tái cơ cấu doanh nghiệp ngoài nhà nước. Doanh nghiệp nào nắm khoa học - công nghệ, nắm thị trường thì thắng thế. Sự đổi mới khoa học - công nghệ và sự phát triển của thị trường làm dịch chuyển lợi thế so sánh và khả năng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải tái cơ cấu. Chỉ có tái cơ cấu, doanh nghiệp mới đủ mạnh để cạnh tranh và có thêm lợi thế khi gia nhập các FTA.

Về thời gian, tôi cho rằng quan trọng nhất là có quyết tâm làm hay không. Tôi vẫn thường nói đối với nhiều doanh nghiệp, quy mô tuy cũng quan trọng nhưng không bằng tốc độ. Đi đúng, đi nhanh thì sẽ kịp.

* Hàng Việt Nam sẽ bị cạnh tranh gay gắt khi gia nhập các FTA. Chúng ta phải làm gì?

- Về hàng hóa, ví dụ với TPP, có những mặt hàng tạo nên sự cạnh tranh rất gay gắt, ví dụ hàng nông sản: đậu tương, ngô, thịt lợn, thịt gà, riêng thịt bò sức ép cạnh tranh đã đến từ Hiệp định ASEAN - Úc - New Zealand rồi… Còn các mặt hàng khác, tôi cho rằng TPP không tạo nên sự cạnh tranh quá lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Thật ra, không chờ đến khi gia nhập TPP, hàng Việt Nam đã phải đối đầu rất gay gắt từ hàng hóa của ASEAN, Trung Quốc… Quan trọng nhất, tôi cho rằng hàng Việt phải có một đường hướng phát triển khác với hàng hóa các nước này, dựa trên những lợi thế so sánh riêng. Nếu chỉ suốt ngày làm theo họ, hàng Việt sẽ thua vì hàng Việt đi sau họ quá nhiều.

* Ông đã từng tham gia đàm phán với nhiều đối tác trong thời gian rất lâu để Việt Nam gia nhập WTO. Hiện tại, nhiều đoàn đàm phán của Việt Nam cũng đang rất vất vả trên các bàn đàm phán FTA để đem về lợi thế nhiều hơn cho Việt Nam. Với ông, điều gì là mấu chốt nhất trong những cuộc đàm phán như trên?

- Không phải mình tôi, cả đoàn đàm phán luôn phải đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Đó vừa là bài học vừa là kinh nghiệm, từ khi đàm phán gia nhập WTO đến các FTA sau này. Ngoài việc đó, tôi nhận thấy kỹ năng đàm phán và bản lĩnh của anh em sau này khi đàm phán các FTA cũng đều tốt lên và tôi rất mừng. Tôi tin Việt Nam sẽ đạt được những điều mình muốn trên bàn đàm phán.

Tôi không muốn là một người nổi tiếng theo kiểu cá nhân. Quan trọng nhất là bằng chính cuộc sống và công việc của mình, người dân tin yêu mình. Nếu được người dân tin yêu và ghi nhận ở mỗi vai trò công tác, đó là một hạnh phúc. Người dân Nghệ An biết đến tôi nhiều nhất với vai trò Bí thư, nhưng đồng bào cả nước lại biết đến tôi với vai trò Bộ trưởng Bộ Thương mại đàm phán WTO. Vai trò nào tôi cũng thích.

* Từng trải qua nhiều vị trí công tác, với ông, làm một vị Bộ trưởng khó hơn hay một Bí thư Tỉnh ủy khó hơn? 

- Mỗi vị trí cho tôi những thú vị riêng. Khi là Bộ trưởng, đi đàm phán nhiều, cho tôi tầm nhìn rộng, các xu thế phát triển của thời đại sẽ nắm chắc hơn. Song, làm ở địa phương, cụ thể là Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cũng rất thú vị, vì tôi có thể tham gia vào những việc cụ thể, cùng Đảng bộ và nhân dân tạo ra các sản phẩm cụ thể. Và đến giờ này, tôi vẫn thấy thời gian mình làm được nhiều việc hiệu quả nhất chính là thời gian làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An. Với tôi, vị trí nào cũng thế, nếu muốn làm và dám làm thì khó nhưng lại đóng góp được cho quê hương, đất nước, còn chỉ làm qua loa đại khái thì cũng chẳng để làm gì.

* Ông được biết đến là người có nhiều phát biểu bộc trực, thẳng thắn. Có khi nào ông hối tiếc về những điều mình đã nói một cách quá thẳng, quá thật chưa?

- Hối hận thì chưa bao giờ. Tôi vẫn nghĩ mình cần giữ được sự bộc trực, thẳng thắn trong các phát biểu. Nhưng ở một vài trường hợp, tôi nghĩ mình nên tinh tế hơn, để truyền tải tốt nhất những ý kiến của mình. Điều này không dễ, nhưng tôi vẫn sẽ cố gắng trong suốt chặng đường làm việc còn lại của mình, và tôi mong rằng có đủ sức khỏe để làm việc đến khi  đàm phán các FTA thành công.

* Xin cảm ơn ông!

Kim Ngân (thực hiện)

 

 

Tin xem nhiều