Vườn Minh Trân tại TP. Hồ Chí Minh là nơi TS. Nguyễn Trí Dũng tổ chức các buổi giao lưu, gặp gỡ trao đổi với các trí thức, doanh nghiệp, sinh viên học sinh, cũng như các hoạt động xúc tiến đầu tư cho các địa phương, các hiệp hội ngành nghề.
Vườn Minh Trân tại TP. Hồ Chí Minh là nơi TS. Nguyễn Trí Dũng tổ chức các buổi giao lưu, gặp gỡ trao đổi với các trí thức, doanh nghiệp, sinh viên học sinh, cũng như các hoạt động xúc tiến đầu tư cho các địa phương, các hiệp hội ngành nghề. Ông còn được biết đến là một trong những Việt kiều đầu tiên được Chính phủ mời về thăm quê hương vào năm 1976 để góp phần bàn giúp đất nước vượt qua khó khăn vào những năm đầu sau giải phóng. Từ đó đến nay, ông đã làm cầu nối cho biết bao chuyến đầu tư, xúc tiến, tìm hiểu thị trường của các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam.
* Du học Nhật Bản từ năm 1967, sau này là một trong những người đầu tiên bắc cầu cho các doanh nghiệp Nhật đến đầu tư tại Việt Nam. Theo ông, điều gì khiến doanh nghiệp Nhật chọn Việt Nam để đầu tư?
- Về bản chất, các doanh nghiệp nói chung khi đầu tư vào nước nào cũng đều tìm kiếm lợi nhuận. Từ sau năm 1990, Việt Nam bắt đầu thu hút đầu tư mạnh mẽ, và theo tôi ngoài những yếu tố về thị trường, tính toán chi phí, doanh thu thì sự gần gũi về văn hóa, về con người là một trong những điều quan trọng khiến doanh nghiệp Nhật Bản chọn Việt Nam để đầu tư. Tuy vậy, hiện tại khái niệm “ngồi nhà chờ khách tới” cần được thay đổi, thay vào đó là thái độ chủ động khai thác các luồng vốn đầu tư thông qua nhiều kênh, trong đó các chuyến chủ động xúc tiến đầu tư có vai trò khá quan trọng.
* Ông là người đã thuyết phục Công ty Fujitsu đầu tư tại Đồng Nai gần 20 năm trước. Lúc đó, để thuyết phục một công ty tên tuổi lớn như thế đầu tư tại Đồng Nai, ông đã nói với họ điều gì?
- Trước khi chính thức đầu tư vào Việt Nam, phía Fujitsu có mời tôi cộng tác với vai trò cố vấn. Lúc ấy lãnh đạo Fujitsu vẫn không xác định cái gì là tiềm năng lớn nhất, là lý do để Fujitsu chọn đầu tư vào Đồng Nai. Tôi trả lời: “Tiềm năng lớn nhất của Việt Nam là “cái không thể thấy” (Invisible factor) nằm trong văn hóa và con người Việt Nam, là lý do để Việt Nam có thể tự hóa giải nhiều cuộc chiến tranh xâm lăng để bảo tồn lãnh thổ. Hãy đi Việt Nam để có câu trả lời”. Sau đó, ông Chủ tịch Fujitsu đã đến Việt Nam. Đánh giá một quốc gia để đầu tư thông qua những cảm nhận về văn hóa và con người không phải là điều lạ đối với các nhà đầu tư Nhật. Fujitsu chọn đầu tư tại Đồng Nai dù thời điểm ấy, xét về cơ sở hạ tầng, chính sách, môi trường... theo tiêu chuẩn thì đều chưa ổn. Tự tin vào giá trị thật của văn hóa Việt để truyền đạt đúng đắn là bài học cơ bản nhất của hoạt động xúc tiến mời gọi đầu tư.
* Là người có nhiều vai trò cầu nối cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, cũng là một doanh nhân Việt kiều về nước làm ăn. Vừa là chủ, vừa là khách, ông nhìn thấy gì ở một Việt Nam hiện tại?
- Điều tôi lo lắng là Việt Nam chưa quan tâm lắm đến tính bền vững. Điều này khởi nguồn từ con người. Rất dễ nhận thấy tư tưởng làm kinh tế nóng vội, thể hiện cả ở vĩ mô lẫn từng con người cụ thể, thông qua thái độ đo đếm quy mọi giá trị ra tiền. Người Nhật rất trọng lao động chân tay và hiểu rõ điều gì cũng cần một quá trình, đặc biệt là việc học hành và kiếm tiền. Nhiều người Việt luôn muốn học thật nhanh, hay tệ hơn, không học nhưng muốn có bằng cấp để mau chóng kiếm tiền. Tư tưởng muốn làm giàu nhanh chóng, muốn bật lên nhanh và quên đi giá trị thật của cuộc sống là mối đe dọa cho tương lai của cả dân tộc.
* Từng là Tổng thư ký của tổ chức Người Việt tại Nhật Bản đấu tranh cho Việt Nam hòa bình và thống nhất đất nước, theo ông phải làm gì để tinh thần dân tộc phát huy thành năng lượng cho thời đại hội nhập ngày nay?
- Những năm đầu du học của tôi là những năm đất nước chiến tranh chia cắt, giấc mơ ngày ấy của tôi không gì khác hơn là hòa bình và thống nhất đất nước, và chúng tôi đã làm mọi việc có thể để giấc mơ đó thành hiện thực. Đầu năm 1976 khi được trở về quê hương chứng kiến đất nước hòa bình, thống nhất, tôi xúc động đến mất cả tiếng nói nhiều ngày và đây là niềm vui khó tả, “Vui sao nước mắt lại trào”. Hơn 30 năm đi đi, về về làm việc ở Việt Nam, chứng kiến sự trở mình của đất nước qua những năm tháng đầy khó khăn sau chiến tranh, nhiều tình cảm phấn khởi đối với những thành tựu, nhưng cũng không ít quan ngại lo âu khi thấy quá nhiều vấn đề bất cập trong văn hóa xã hội, những đe dọa đối với tính bền vững cho tương lai. Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng giữ cho mình niềm tin dân tộc Việt Nam là dân tộc có sức bật lớn và lịch sử đã chứng minh điều đó. Có thể những gì chưa được lúc này chỉ là một quá trình dao động, vấn đề là chúng ta phải tạo cơ hội để những giá trị tốt, bền vững từ chính bàn tay của thế hệ trẻ xây dựng tương lai.
* Theo ông, phải làm những gì để doanh nghiệp nước ngoài chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư, thay vì Thái Lan, Malaysia, Myanmar hay Campuchia?
- Trở thành một người chủ nhà đàng hoàng, tươm tất và đầy chủ động.
* Là người sát cánh với Đồng Nai từ những ngày đầu xúc tiến đầu tư tại Nhật, theo ông, tỉnh đã làm tốt vai trò của một chủ nhà chưa? Đồng Nai cần thay đổi những gì để tốt hơn?
Ông Nguyễn Trí Dũng sinh năm 1948 tại Sài Gòn, từng tốt nghiệp Đại học Hitotsubashi ngành quản lý công học Ban Phó tiến sĩ, tốt nghiệp Đại học Tsukuba ngành kế lượng kế hoạch Ban tiến sĩ. Năm 1976, ông là một trong số những Việt kiều đầu tiên được Chính phủ Việt Nam mời về thăm quê hương, bàn tìm giải pháp giúp đất nước vượt qua khó khăn. Ông cũng từng là chuyên viên phát triển kinh tế của Liên hợp quốc UNCRD, người mở trường tư thục đầu tiên chuyên đào tạo về kinh tế, quản trị kinh doanh thương mại tại Việt Nam, Chủ tịch sáng lập Hiệp hội doanh nghiệp Việt kiều, Phó chủ tịch thường trực Câu lạc bộ hợp tác Việt-Nhật JAVIP… Ông cũng là dịch giả cuốn tự truyện Biến giấc mơ thành sức mạnh đi tới của người sáng lập Tập đoàn Honda, đến nay đã xuất bản 10 ngàn bản tại Việt Nam. Từ hơn 20 năm qua, ông khởi xướng chương trình “Giấc mơ Việt Nam” vận động thanh niên thế hệ trẻ đóng góp cho sự phát triển bền vững Việt Nam bằng chính giấc mơ và những cống hiến của chính mình. |
- Năm 2004 tôi được mời tham gia tổ chức đoàn Đồng Nai đi xúc tiến đầu tư lần đầu tiên tại Nhật Bản. Đây là địa phương có tính chủ động đi tìm nguồn vốn, không chỉ ngồi chờ, thực hiện tốt chính sách tinh gọn thủ tục, đầu tư hạ tầng tươm tất. Song, điểm yếu của địa phương vẫn là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nhưng đây không phải là vấn đề riêng của Đồng Nai mà là chung của cả nước. Nền công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa chuyển biến gì mấy sau nhiều năm Chính phủ tuyên bố đầu tư phát triển ngành này. Lý do tại sao? Tôi thiết nghĩ là do nhận thức chung của xã hội vẫn xa cách với văn hóa sản xuất sáng tạo, xu hướng “làm ít hưởng nhiều”. Đây là rào cản cho mọi phát triển công nghiệp.
* Còn về nguồn lực trí thức, đặc biệt là những trí thức Việt kiều đã được sử dụng tốt chưa? Và theo ông, trí thức cần những điều kiện gì để sẵn sàng đóng góp cho đất nước?
- Tôi có thể nói chân tình rằng, chúng ta chưa thật sự vận dụng tốt trí thức trong cũng như ngoài nước, do đó sự phát triển của chúng ta vẫn còn nhiều bất cập. Tôn trọng trí thức ở đây không phải chỉ có vấn đề đãi ngộ cụ thể, mà bản thân môi trường xã hội tôn trọng trí thức thật sự chứ không phải tôn vinh bằng cấp. Còn giải pháp để sử dụng tốt nguồn lực trí thức Việt kiều, tôi nghĩ đó là giải pháp hai chiều: Chính phủ thật sự tạo môi trường và điều kiện cụ thể, còn chúng tôi sẽ vận động nhau đóng góp.
Riêng cá nhân tôi, tôi xin cám ơn quê hương đất nước này vì chính quê hương này là nơi tôi sinh ra đã tạo điều kiện cho tôi thành người Việt. Tôi bắt tay cố gắng làm lan tỏa những gì tốt đẹp nhất, dù nhỏ hay lớn để xây dựng hình ảnh một Việt Nam tốt đẹp hơn. Với tôi, không phiền trách bóng tối, thay vào đó hãy tự tay thắp sáng lối đi cho mình. Tôi chỉ muốn trong cuộc sống, tôi được hãnh diện vì mình là người Việt.
* Xin cảm ơn ông!
Kim Ngân (thực hiện)