Sở Tài nguyên - môi trường được thành lập ngày 17-6-2003 trên cơ sở hợp nhất tổ chức của Sở Địa chính và các tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, môi trường.
Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT) được thành lập ngày 17-6-2003 trên cơ sở hợp nhất tổ chức của Sở Địa chính và các tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, môi trường.
Qua 10 năm hoạt động, Sở TN-MT đã tập trung hoàn thành nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường.
* Ngày càng lớn mạnh
Khi mới thành lập, Sở gồm 10 phòng, đơn vị (Văn phòng, Thanh tra, Phòng Tài nguyên nước và khoáng sản, Phòng Quy hoạch kế hoạch, Phòng Đăng ký nhà đất, Phòng Đo đạc bản đồ, Phòng Môi trường, Trung tâm Thông tin lưu trữ địa chính nhà đất, Trung tâm Kỹ thuật địa chính - nhà đất, Trạm Quan trắc và phân tích môi trường), với 371 công chức, viên chức, người lao động. Đến nay, toàn Sở đã có 15 đơn vị trực thuộc Văn phòng Sở, Thanh tra Sở, 5 phòng chuyên môn, 2 chi cục và 6 đơn vị sự nghiệp với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động lên đến 1.116 người, tăng gấp 3 lần so với năm 2003. Trong đó, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức từng bước củng cố ngày một vững vàng, năng động và sáng tạo trong công tác.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái (đứng giữa) chứng kiến lễ bàn giao quy hoạch đất đai cho các huyện, thị, thành. |
Trong đó, có nhiều đơn vị đã được thành lập mới, tổ chức lại để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ ngày càng lớn, như: Quỹ Bảo vệ TN-MT tỉnh (năm 2004); Phòng Đăng ký TN-MT (năm 2006); Chi cục Bảo vệ môi trường (năm 2007); Phòng Tài chính - kế hoạch (năm 2009); Chi cục Quản lý đất đai (năm 2010); Trung tâm Công nghệ thông tin (năm 2011). Mới đây nhất, Đồng Nai là một trong bốn tỉnh được chọn thực hiện thí điểm mô hình Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất một cấp từ tháng 8- 2012 (theo Quyết định số 447/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).
* Những thành tựu đạt được
Sở đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh triển khai tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TN-MT, tập trung nhất là các đợt tuyên truyền về Luật Đất đai năm 2003, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Luật Khoáng sản năm 2010, Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Luật Tài nguyên nước sửa đổi năm 2011... với 182 lớp bồi dưỡng, tập huấn được tổ chức cho hơn 29 ngàn lượt người tham dự.
Bên cạnh đó, ngành đã trình HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành, thông qua 129 văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời cụ thể hóa các quy định của Trung ương cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả trong việc chấp hành pháp luật về lĩnh vực TN-MT trên địa bàn. Sở tham mưu UBND tỉnh triển khai các quy hoạch của ngành là quy hoạch sử dụng đất, khoáng sản, tài nguyên nước, môi trường đến năm 2020. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý Nhà nước. Hiện nay, quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020 và kế hoạch sử dụng đất 2011 - 2015 cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã cơ bản hoàn thành. Đồng Nai là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành việc quy hoạch sử dụng đất.
Công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết các tranh chấp, khiếu nại cũng được Sở TN-MT rất chú trọng. Từ năm 2003 đến nay, Sở đã tiến hành 2.015 cuộc thanh tra, kiểm tra, tiếp nhận giải quyết 1.842 đơn. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện xử phạt 3.280 trường hợp vi phạm với tổng số tiền 23,4 tỷ đồng và đề xuất tỉnh thu hồi 410 hécta đất vi phạm. Ngoài việc xử lý vi phạm bằng tiền, Sở còn đề xuất UBND tỉnh áp dụng các biện pháp tạm đình chỉ hoạt động sản xuất để khắc phục ô nhiễm môi trường, như: Công ty TNHH Đồng Xanh, Công ty AB Mauri, Công ty gạch men Kim Phong... |
Công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai là kết quả nổi bật trong công tác quản lý đất đai. Công việc này phục vụ thiết thực cho công tác quản lý nhà nước, như: đăng ký, thống kê đất đai, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất, giao đất, cho thuê đất, thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân.
Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được xem là nhiệm vụ hàng đầu của Sở. Tính đến nay, Sở TN-MT đã cấp giấy chứng nhận được 96,9% diện tích cần cấp giấy. Việc cấp giấy giúp cho Nhà nước quản lý chặt chẽ đất đai, đồng thời giúp người sử dụng đất yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh, khai thác tốt tiềm năng đất đai và thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
Sở TN-MT cũng tập trung chỉ đạo kiểm soát ô nhiễm môi trường và quản lý chất thải, từ chỗ chỉ có 3 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung năm 2005, đến nay 100% khu công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Toàn tỉnh cũng đã lắp đặt thiết bị quan trắc tự động về nước thải tại 16 khu công nghiệp và kết quả quan trắc được truyền trực tiếp về Sở để theo dõi, kiểm soát. Tỷ lệ thu gom, xử lý các loại chất thải ngày càng cao. Đặc biệt, Sở phối hợp với các địa phương xử lý được nhiều điểm “nóng“ về môi trường. Trong đó, hoàn thành xử lý triệt để 11/11 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; xử lý phục hồi môi trường đối với các khu vực bị ô nhiễm cục bộ như sông Thị Vải, rạch Bà Chèo, cầu La Ngà...
Uyển Nhi