Báo Đồng Nai điện tử
En

Thành “triệu đô”

09:02, 17/02/2013

Suốt mấy năm qua, kinh tế thế giới suy thoái đã kéo theo nhiều ngành sản xuất gặp phải khó khăn, trong đó có ngành mộc xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp (DN) chỉ sản xuất cầm chừng và không ít DN ngưng hẳn. Để duy trì được sản xuất, ông Trần Văn Thành, Giám đốc DN tư nhân (DNTN) Kiến Phúc ở xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom cho biết, phải “xoay như chong chóng” mới có thể tìm đơn hàng cho doanh nghiệp trụ vững.

Suốt mấy năm qua, kinh tế thế giới suy thoái đã kéo theo nhiều ngành sản xuất gặp phải khó khăn, trong đó có ngành mộc xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp (DN) chỉ sản xuất cầm chừng và không ít DN ngưng hẳn. Để duy trì được sản xuất, ông Trần Văn Thành, Giám đốc DN tư nhân (DNTN) Kiến Phúc ở xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom cho biết, phải “xoay như chong chóng” mới có thể tìm đơn hàng cho doanh nghiệp trụ vững.

Đầu năm nay, DNTN Kiến Phúc sản xuất đến ngày 4-2 ( tức 24 tháng chạp) thì nghỉ tết. Sau khi cùng công nhân làm vệ sinh nhà xưởng, lo lương thưởng đầy đủ cho công nhân về quê ăn tết, thay vì nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả thì ông Thành lại tất bật đặt vé máy bay sang Mỹ và một số quốc gia khác để tìm kiếm đơn hàng.

* Giữ  chân người làm

“Tôi cảm nhận năm 2013 này sẽ rất khó, nhưng những ngày cuối tháng 1, khi nghe thông tin thị trường bất động sản ở San Jose - California (Mỹ) tăng, tôi hy vọng nhu cầu về đồ nội thất ở đây cũng tăng theo. Dịp nghỉ tết này, tôi sang đó để khảo sát thực tế thị trường, bởi lúc này, kiếm đủ hàng cho công nhân làm không phải dễ” - ông Thành chia sẻ.

Ông Trần Văn Thành (phải) cùng công nhân kiểm tra máy tại xưởng sản xuất. Ảnh : V.Nam
Ông Trần Văn Thành (phải) cùng công nhân kiểm tra máy tại xưởng sản xuất. Ảnh : V.Nam

Với ông Thành thì chỉ một thông tin nhỏ về thị trường bất động sản ở Mỹ tăng cũng là niềm hy vọng để cải thiện tình hình xuất khẩu hàng cho Kiến Phúc. Hàng chục năm bôn ba trong nghề, ông trở nên nhạy bén trong khai thác thị trường. DNTN Kiến Phúc đã làm hàng xuất khẩu sang Mỹ hơn chục năm, thế nhưng khi thị trường Mỹ bị “xuống dốc”, ngay lập tức, ông Thành tính chuyện chuyển sang thị trường Hàn Quốc mặc dù lợi nhuận không cao như bán sang Mỹ. Cuộc chuyển đổi kịp thời này từ 2 năm trước đã giúp DN ông không rơi vào tình trạng đình đốn sản xuất. 

Có lẽ cũng ít chủ DNTN nào lo cho đời sống của người lao động như ở Kiến Phúc. Thấy công nhân sau giờ làm phải đi khá xa để tập thể thao, ông liền cho làm ngay một sân bóng giữa khuôn viên trong nhà máy. DN chỉ có 120 công nhân nhưng ông Thành đã cho xây dựng 25 căn phòng cho công nhân xa nhà ở miễn phí, mỗi phòng có thể ở được từ 3-5 người. Theo ông Thành, cứ 3 công nhân ở một phòng thì hàng tháng mỗi người cũng tiết kiệm được khoảng 200 ngàn đồng tiền thuê phòng trọ. Khu nhà công nhân được ông xây dựng gần xưởng làm nên công nhân có nhiều thời gian nghỉ ngơi sau giờ làm việc. Trong tuyển dụng lao động, DN của ông còn nhận cả người khuyết tật vào làm việc. Ông Thành tâm sự: “Trong một dây chuyền sản xuất có rất nhiều công đoạn, những công đoạn nào người khuyết tật có thể tham gia được thì mình bố trí họ làm để họ có công việc và thu nhập”.

* Con “robot gật gù”

Là chủ DN chế biến gỗ nhưng ông Thành lại khá giỏi về cơ khí. Trong thời gian qua, sản phẩm của DN ông đã cạnh tranh khá tốt cũng nhờ vào tính hiệu quả của những chiếc máy do ông tự chế. Có lẽ đáng nhớ nhất là năm 2010, khi Kiến Phúc nhận đơn hàng sản xuất bàn ghế xuất khẩu sang Mỹ. Thay vì ông phải sắm chiếc máy chuyên dụng trị giá hàng trăm triệu đồng thì ông tự chế ra con “robot gật gù” với chi phí chưa đến 10 triệu đồng. Điều quan trọng là tốc độ làm hàng của con robot này nhanh gấp 4 lần so với máy chuyên dụng. Ông Thành giải thích: “Máy móc làm hàng thì chuẩn xác, nhưng do kiểu chạy của máy này lần lượt từ trái qua phải rồi từ trên xuống dưới nên mất tới 4 phút mới xong một sản phẩm. Trong khi đó với con robot tự chế, công nhân chỉ cần cho phôi gỗ vào rồi nhấn xuống là xong, mỗi sản phẩm chỉ mất 1 phút”. 

Ông Thành cho biết, hàng của Trung Quốc thường có giá khá rẻ nhưng chất lượng thì không bằng được hàng của các DN Việt Nam sản xuất. Đây cũng chính là điểm để DN Kiến Phúc cạnh tranh ở những thị trường khó tính. Dù tình hình kinh tế thế giới năm 2013 còn nhiều khó khăn nhưng ông Thành đã “thủ” cho mình đơn hàng đến hết tháng 5. Ông Thành cũng cho hay, năm 2012 ngành mộc xuất khẩu còn nhiều trở ngại, song doanh thu của DN dù bị sụt giảm cũng vẫn gần chạm đích 1 triệu USD - một con số đầy nỗ lực đối với một DN xuất khẩu nhỏ trong thời buổi khó khăn.

Vân Nam

 

Tin xem nhiều