Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia uy tín về hàng hóa và dịch vụ

02:01, 08/01/2013

Hôm qua (7/1), Lễ công bố các doanh nghiệp (DN) đạt Thương hiệu Quốc gia (THQG) năm 2012 đã được tổ chức long trọng tại Hà Nội. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao việc các DN đã nỗ lực và phát triển thương hiệu trong điều kiện kinh tế khó khăn. Theo Phó Thủ tướng, năm 2013, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng Chính phủ sẽ tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục cải cách và giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng, giảm lãi suất một cách bền vững để tạo điều kiện cho DN phát triển hơn nữa.

Hôm qua (7/1), Lễ công bố các doanh nghiệp (DN) đạt Thương hiệu Quốc gia (THQG) năm 2012 đã được tổ chức long trọng tại Hà Nội. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao việc các DN đã nỗ lực và phát triển thương hiệu trong điều kiện kinh tế khó khăn. Theo Phó Thủ tướng, năm 2013, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng Chính phủ sẽ tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục cải cách và giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng, giảm lãi suất một cách bền vững để tạo điều kiện cho DN phát triển hơn nữa.

 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia 2012.

 

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, các DN cần tập trung khai thác tốt hơn thị trường trong nước và mở rộng hơn nữa thị trường nước ngoài. Đặc biệt, cùng với thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các DN phải nâng cao uy tín và chất lượng sản phẩm để lấy được niềm tin của khách hàng, bởi có khách hàng thì DN mới có thể tồn tại. Bên cạnh đó, các DN cần tập trung nâng cao trình độ khoa học công nghệ của sản phẩm.

 

Nâng cao sức cạnh tranh cho DN và quốc gia


Với mỗi DN cũng như với mỗi quốc gia, việc xây dựng thương hiệu luôn có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh của DN cũng như của cả nền kinh tế. Thực tế trên thế giới cũng cho thấy, các quốc gia xây dựng và khẳng định được uy tín của THQG cũng chính là những quốc gia đạt được nhiều thành tựu trong thu hút đầu tư, mở rộng xuất khẩu… Vì thế, mỗi quốc gia đều có những định hướng chiến lược riêng để xây dựng, phát triển, quảng bá hình ảnh THQG nhằm tạo lực cho phát triển kinh tế.

 

Tổng giám đốc Vinacafé Biên Hòa nhận biểu trưng Thương hiệu Quốc gia 2012.

Với Việt Nam, Chương trình THQG là chương trình duy nhất của Chính phủ Việt Nam tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia đã được tiến hành từ nhiều năm nay. Chính phủ hết sức quan tâm trong việc xây dựng THQG nhằm xây dựng, quảng bá tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.


Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, cùng với việc thực hiện các cam kết mở cửa thị trường trong khuôn khổ của các Hiệp định Thương mại tự do với khu vực và khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì việc xây dựng và khẳng định thương hiệu của DN và THQG ngày càng quan trọng. Bởi, khi đã mở cửa và hội nhập, hàng hóa của DN Việt Nam không phải chỉ cạnh tranh với DN trong nước mà còn cạnh tranh rất quyết liệt với sản phẩm hàng hóa ngoại nhập. Mặt khác, khi thị trường thế giới đã mở nhưng nếu DN Việt Nam không xây dựng được thương hiệu thì cũng không thể tiến ra thị trường thế giới.

 

PTSC lần thứ ba được công nhận đạt Thương hiệu Quốc gia. Ảnh: Huy Hùng-TTXVN

Các DN hướng tới thị trường XK hiểu rõ hơn ai hết ý nghĩa và tầm quan trọng của thương hiệu DN cũng như THQG. Một DN thuộc ngành hàng dệt may chia sẻ, ở thị trường nước ngoài, nếu DN xây dựng được thương hiệu sản phẩm thì thu lợi nhuận cao hơn rất nhiều lần so với chỉ làm hàng gia công. Tuy nhiên, cho đến nay, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành hàng dệt may cũng không hề dễ dàng.


Với ngành nông nghiệp, việc xây dựng THQG càng là vấn đề cấp bách. Bởi, Việt Nam tuy đã đứng đầu thế giới ở nhiều ngành hàng nông nghiệp như gạo, thủy sản, cà phê, hồ tiêu… nhưng thương hiệu nông sản Việt Nam vẫn chưa được khẳng định. Có đến 90% nông sản xuất khẩu của Việt Nam phải mang thương hiệu nước ngoài.


Việc xây dựng hình ảnh Việt Nam gắn với các giá trị “Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong” sẽ góp phần tăng thêm uy tín, niềm tự hào và sức hấp dẫn cho đất nước và con người Việt Nam, góp phần khuyến khích du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài”, ông Đỗ Thắng Hải, Tổng Thư ký Chương trình THQG khẳng định.

 

Đại diện Công ty cổ phần Văn phòng phẩm Hồng Hà nhận biểu trưng Thương hiệu Quốc gia 2012. Ảnh: Danh Lam-TTXVN

Năm 2012, có 54 DN có thương hiệu sản phẩm hàng hóa và dịch vụ đã được tham gia chương trình THQG và được gắn biểu trưng Giá trị Việt Nam (Vietnam Value). Đây là các DN có thương hiệu sản phẩm có vị thế dẫn đầu ngành hàng và có cam kết theo đuổi những giá trị của chương trình THQG là “Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong”.


Tuy nhiên, theo ông Đỗ Thắng Hải, Chương trình không phải là một giải thưởng thương hiệu. Việc lựa chọn các thương hiệu sản phẩm đạt THQG chỉ là sự khởi đầu để các DN trở thành đối tác của Chương trình. Nhà nước sẽ đứng ra bảo trợ cho các thương hiệu sản phẩm có chất lượng và uy tín kinh doanh, nhằm giúp các DN Việt Nam tạo chỗ đứng vững vàng trên thị trường trong nước và có điều kiện phát triển thương hiệu của mình ra thế giới. Tuy nhiên, DN cũng phải nỗ lực tự thân để cam kết sẽ liên tục tự hoàn thiện mình, quyết tâm xây dựng và triển khai các chương trình hành động trong DN theo những giá trị của Chương trình THQG.

 

Thêm đòn bẩy từ chính sách


Bài học từ nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản và gần đây là Trung Quốc đã cho thấy, bên cạnh vai trò của DN, để có THQG có tính toàn cầu, vai trò hậu thuẫn của Nhà nước là hết sức quan trọng. Nhà nước phải có chính sách dài hơi và mang tính chiến lược trong việc xây dựng THQG.


Được tiến hành từ năm 2008 đến nay, chương trình THQG đã chủ trì và phối hợp với nhiều cơ quan chính phủ, hiệp hội DN, giới truyền thông đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao nhận thức về thương hiệu và tăng cường năng lực kinh doanh và phát triển thương hiệu cho DN. Các DN đạt THQG cũng luôn được ưu tiên lựa chọn và tham gia tích cực các hoạt động của các chương trình xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ở trong và ngoài nước; bảo hộ thương hiệu tại nước ngoài và tham gia các hoạt động được ngân sách nhà nước hỗ trợ.

 

Ông Nguyễn Hữu Sơn, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thống nhất nhận biểu trưng Thương hiệu Quốc gia 2012.

Ông Đỗ Thắng Hải cho biết, từ năm 2012 trở đi, chương trình THQG sẽ tập trung xây dựng môi trường phát triển thương hiệu thuận lợi thông qua việc phối hợp các chương trình và hoạt động có sự tương đồng về mục tiêu và nội dung do các bộ, ngành và tổ chức hữu quan đang thực hiện nhằm tạo lập cơ chế chính sách đồng bộ và sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước dành cho lĩnh vực xây dựng thương hiệu sản phẩm. Chương trình THQG cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ DN xây dựng năng lực phát triển thương hiệu thông qua các hoạt động đào tạo, tư vấn và thông tin nhằm nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, phát triển xuất khẩu, mở mang thị trường nội địa làm nền tảng để xây dựng THQG. Xây dựng và phát triển thương hiệu theo ngành hàng thông qua hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng có năng lực cạnh tranh xuất khẩu xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển thương hiệu sản phẩm cho ngành. Tăng cường quảng bá Chương trình THQG và các sản phẩm đạt THQG thông qua các kênh thông tin truyền thông đại chúng, các sự kiện thương mại quốc tế trong và ngoài nước và giáo dục ý thức tự hào dân tộc bằng việc sử dụng sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.


Để nỗ lực khẳng định vị thế THQG của Việt Nam tại thị trường trong nước cũng như quốc tế, theo Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh, Nguyễn Hoàng Ngân, Nhà nước, Chính phủ cần hỗ trợ việc quảng bá THQG rộng hơn ở cả trong nước và quốc tế và tạo sự kết nối giữa các DN đạt THQG để đóng góp nhiều hơn cho chương trình. So với quốc tế thì thương hiệu của các DN Việt Nam chưa thực sự mạnh. Vì vậy, chúng ta cần phải tập trung xây dựng một số THQG điển hình trong một số ngành hàng. “Trong 54 DN đạt thương hiệu, chắc chắn chỉ có một số DN có khả năng vươn ra được toàn cầu và như vậy nếu tập trung vào một số DN điển hình sẽ có hiệu quả tốt hơn. Việc hình thành các DN tiên phong xây dựng THQG sẽ có ý nghĩa như những “đầu tàu” kéo các DN khác cùng nối tiếp để xây dựng được hình ảnh DN cũng như hình ảnh THQG”, ông Ngân phân tích.


Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng, 54 DN đạt THQG cần nỗ lực trong xây dựng thương hiệu của DN cũng như chung sức để xây dựng THQG. 54 DN đạt THQG cần làm nòng cốt trong mỗi ngành hàng của mình để phát triển DN và đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Mặc dù kinh tế thế giới và đất nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng cơ hội đối với DN không phải là ít. Hiện nay, thị trường trong nước với quy mô dân số hơn 83 triệu dân có tiềm năng về sức tiêu dùng rất lớn. Thị trường quốc tế cũng đang ngày càng mở rộng cùng với việc Việt Nam và các nước ký kết các cam kết mở rộng thị trường. Tuy nhiên, yêu cầu đòi hỏi của thị trường cũng ngày càng khắt khe hơn, tính cạnh tranh ngày càng cao hơn. Vì vậy, các DN cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, có tầm nhìn rộng hơn để quảng bá xây dựng thương hiệu. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cam kết, Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi về chính sách phát triển thị trường, phát triển ngành hàng... để cùng với DN hướng tới mục tiêu xây dựng Việt Nam là quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ.

 

Ông Nguyễn Hùng Dũng, Tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) Thương hiệu của PTSC đã được khẳng định thông qua việc tham gia và được công nhận ở nhiều giải thưởng. Trong đó, đã 3 lần vào các năm 2008, 2010, 2012, PTSC được Hội đồng thương hiệu quốc gia lựa chọn tham dự Chương trình THQG dành cho những thương hiệu xuất sắc nhất. PTSC định hướng xây dựng thương hiệu với khẩu hiệu “Giải pháp cho nền công nghiệp dầu khí”, với phương châm “đoàn kết, năng động sáng tạo, đồng tâm hiệp lực, tăng tốc phát triển, đổi mới quyết liệt”. PTSC luôn cam kết đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu, đồng thời nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, tiếp tục phát triển đảm bảo cung cấp các dịch vụ dầu khí đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Định hướng phát triển thương hiệu của PTSC cho đến năm 2025 là: Khi khách hàng và đối tác tìm đến nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí, họ sẽ nhớ ngay đến PTSC. PTSC phấn đấu trở thành nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí, công nghiệp hàng hải mạnh có thương hiệu trong khu vực và trên thế giới, trong đó lấy dịch vụ kỹ thuật dầu khí làm then chốt, trở thành một trong 3 đơn vị dịch vụ kỹ thuật dầu khí hàng đầu của khu vực Đông Nam Á. Để khẳng định thương hiệu, PTSC chú trọng đặt lên hàng đầu yêu cầu về phong cách dịch vụ, chất lượng dịch vụ, chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng văn hóa doanh nghiệp… Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, người lao động của PTSC không chỉ làm việc tại lãnh thổ Việt Nam mà còn tại các chi nhánh, văn phòng đại diện và các dự án của PTSC tại nước ngoài nên việc khẳng định thương hiệu PTSC càng có ý nghĩa quan trọng. Xây dựng thương hiệu không đơn giản là đánh bóng thương hiệu mà yếu tố chính là chất lượng sản phẩm - dịch vụ cung ứng cho khách hàng. Trong các sản phẩm, dịch vụ đó thì quan trọng là giữ chữ Tín. Với PTSC, chữ Tín cao nhất đối với các đối tác, khách hàng là sẵn sàng chia sẻ - hợp tác cùng phát triển, cùng chiến thắng.

 

Ông Dương Văn Tính, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel Được công nhận là DN THQG là vinh dự to lớn cùng đó là trách nhiệm lớn gánh vác trách nhiệm quốc gia. Thời gian qua, chúng tôi đã đầu tư ra 7 nước, trong đó có Campuchia, Lào, Haiti… đang triển khai cơ sở hạ tầng để kinh doanh trong thời gian tới. Vì vậy chúng tôi ý thức được việc giáo dục đội ngũ cán bộ luôn luôn có ý thức phát triển thương hiệu quốc gia và quốc tế. Chúng tôi đầu tư sang Châu Phi thì các nước ở đây rất ngưỡng mộ Việt Nam. Nhắc đến Việt Nam là nhắc đến Bác Hồ, Điện Biên Phủ, Tướng Giáp… đó là tiền đề để chúng tôi tiếp tục quảng bá thương hiệu doanh nghiệp. Vì vậy chúng tôi luôn ý thức giữ gìn quảng bá hình ảnh thương hiệu. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng nỗ lực phát triển thương hiệu và qua sự hỗ trợ của chương trình sẽ tiếp tục thực hiện quảng bá. Chúng tôi mong muốn tham gia vào các chương trình kinh tế - đối ngoại ra nước ngoài trong đó có sự chủ trì của Nhà nước.

 

Ông Trần Quý Thanh, Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát Chúng tôi rất tự hào được bình chọn tham gia chương trình THQG. Đây là chương trình phát triển thương hiệu có uy tín, mang tầm vóc quốc gia. Việc tham gia chương trình THQG giúp Tân Hiệp Phát thực hiện khát vọng khẳng định thương hiệu ở thị trường trong nước và vươn ra thị trường nước ngoài. Hiện tại, Tân Hiệp phát vẫn đang tập trung phát triển thị trường trong nước. Bởi, ngành hàng giải khát đang phải cạnh tranh gay gắt với DN của nước ngoài. Việt Nam là “mảnh đất màu mỡ” mà các tập đoàn đa quốc gia kinh doanh nhiều lĩnh vực đều thèm muốn. Do đó, các DN càng cần phải toàn tâm, dốc sức cho thị trường nội địa để mở rộng thị phần ngay tại sân nhà.

 

Ông Phạm Quang Vũ, Tổng giám đốc Vinacafé Biên Hòa Là thương hiệu của doanh nghiệp đầu tàu trong ngành cà phê Việt Nam, Vinacafé Biên Hòa tự hào đã ba lần được xét tham dự chương trình THQG. Vinacafé mong muốn có thể góp sức để xây dựng được hình ảnh tốt đẹp của cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới. Để làm được điều đó, Vinacafé hiểu rằng, một thương hiệu sản phẩm khi được gắn biểu trưng THQG khi vươn ra thế giới, ngoài việc xây dựng thương hiệu của riêng mình và làm tiếp thị cho doanh nghiệp còn phải thể hiện trách nhiệm với ngành, với đất nước. Khi xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, Vinacafé mong muốn quảng bá hình ảnh tốt đẹp của cà phê Việt Nam bao gồm chất lượng sản phẩm và các giá trị ẩm thực, văn hóa đi cùng phải mang đậm nét văn hóa truyền thống; trong đó có văn hóa ẩm thực, văn hóa kinh doanh, văn hóa giao tiếp... Đó chính là sức mạnh có tính chất nguồn cội làm nên sự đặc sắc của sản phẩm khiến người tiêu dùng tin cậy và nhớ mãi thương hiệu Vinacafé…

 

Ông Vũ Minh Sơn, Tổng giám đốc, Tổng công ty Thương mại Hà Nội Chúng tôi vinh dự và tự hào là một trong những DN đạt THQG năm 2012. Chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, vì vậy chúng tôi hiểu rất rõ về giá trị của thương hiệu, đặc biệt là giá trị THQG trong kinh doanh ở trong nước và ngoài nước. Với lĩnh vực xuất khẩu, thời gian qua, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến chương trình THQG, các DN tham gia thị trường xuất khẩu được hưởng lợi từ chương trình này để bạn bè các nước hiểu được giá trị hàng hóa Việt Nam. Chúng tôi mong muốn thời gian tới, Nhà nước quan tâm nhiều hơn nữa đến việc tiếp tục có chính sách nâng cao hình ảnh thương hiệu Việt Nam, hình ảnh thương hiệu hàng hóa Việt Nam không chỉ qua các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, mặt hàng cụ thể mà phải tổng hợp các chính sách để đưa hình ảnh, giá trị Việt Nam, thương hiệu ngành hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế. Giá trị THQG rất quan trọng. Khi chúng ta nâng được giá trị THQG lên thì tất cả các sản phẩm của DN Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi ra thị trường quốc tế.

BaoTintuc

 

 

Tin xem nhiều