Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm thị trường cho sản phẩm địa phương

10:01, 07/01/2013

Tết Nguyên đán năm nay, người tiêu dùng dễ dàng mua được các món đặc sản vùng, miền tại siêu thị, cửa hàng tiện ích. Các siêu thị hiện nay có nhiều chính sách ưu tiên cho hàng địa phương vì thị trường ngày càng chuộng dòng sản phẩm này. Đây là cơ hội tốt cho các cơ sở, doanh nghiệp (DN) địa phương xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Tết Nguyên đán năm nay, người tiêu dùng dễ dàng mua được các món đặc sản vùng, miền tại siêu thị, cửa hàng tiện ích. Các siêu thị hiện nay có nhiều chính sách ưu tiên cho hàng địa phương vì thị trường ngày càng chuộng dòng sản phẩm này. Đây là cơ hội tốt cho các cơ sở, doanh nghiệp (DN) địa phương xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Trong buổi làm việc tại Đồng Nai về bản đồ phân phối hàng hóa, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) chia sẻ, hiện rất nhiều DN, cơ sở sản xuất từ các tỉnh, thành liên hệ với trung tâm nhờ hỗ trợ làm thương hiệu cho sản phẩm. Nhiều mặt hàng đặc sản địa phương có thể trở thành sản phẩm quốc gia, nhưng do chưa xây dựng được thương hiệu riêng nên vẫn khó cạnh tranh trên thị trường.

* Cơ hội cho đặc sản vùng, miền

Tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, các kệ hàng trưng bày đặc sản địa phương ngày càng phong phú nên luôn thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Hiện các siêu thị đều có chính sách ưu tiên thu mua sản phẩm địa phương. Đại diện siêu thị Big C Đồng Nai cho biết, tỷ lệ  hàng địa phương vào siêu thị ngày càng tăng. Đến nay, hàng trăm nhà sản xuất vừa và nhỏ tại các tỉnh, thành đã ký hợp đồng hợp tác với Big C với tổng giá trị ước tính lên đến 100 tỷ đồng.

Rượu bưởi, đặc sản của Đồng Nai được khách trong và ngoài nước ưa chuộng.          Ảnh: B. NGUYÊN
Rượu bưởi, đặc sản của Đồng Nai được khách trong và ngoài nước ưa chuộng. Ảnh: B. NGUYÊN

Theo ông Liu Tác Sáng, Giám đốc DN tư nhân Thuận Hương (huyện Định Quán), cơ hội để mở rộng thị trường của sản phẩm địa phương ngày càng lớn. Các chương trình xúc tiến thương mại của nhiều tỉnh, thành đều tập trung giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương mình. Cụ thể, Thuận Hương vừa tham gia chương trình kết nối hàng hóa của các DN, hợp tác xã sản xuất của các tỉnh với những hệ thống phân phối tại TP. Hồ Chí Minh. Nhiều thỏa thuận hợp tác đã được ký kết mở ra cơ hội phát triển cho DN.

Đồng quan điểm với ý kiến trên, ông Huỳnh Đức Huệ, chủ Cơ sở bưởi Năm Huệ (huyện Vĩnh Cửu) nhận xét, thị trường cho sản phẩm do cơ sở, DN địa phương sản xuất rất rộng nếu biết cách tiếp cận. Ông dẫn chứng: “Tại một hội chợ ở Hà Nội, tôi nghĩ đi tham gia giao lưu nên chỉ đem sản phẩm bưởi tươi và vài trăm lít rượu bưởi. Nhưng trong ngày đầu tiên khai mạc hội chợ đã bán gần hết hàng. Sau đó, không chỉ đối tượng khách trong nước mà nhiều người nước ngoài đã liên hệ đặt hàng”.

* Nâng uy tín

Ông Huỳnh Đức Huệ cho biết thêm: “Ngoài lợi thế xuất xứ từ vùng đặc sản bưởi Tân Triều, sản phẩm bưởi và rượu bưởi Năm Huệ được nhiều người biết tiếng còn do đã tạo được nét đặc sắc riêng. Ngay từ ngày đầu thành lập, cơ sở đã đặt thiết kế riêng mẫu bình gốm đựng rượu theo hình trái bưởi Tân Triều. Rượu bưởi của cơ sở luôn được giữ nguyên cách chế biến truyền thống để chất lượng ổn định dù phải nhiều lần từ chối đơn đặt hàng lớn của khách”.

Theo ông Phan Văn Vàng, chủ cơ sở bánh kẹo Yến Nhung (TP.Biên Hòa) gần 40 năm nay, dấu ấn của Yến Nhung với người tiêu dùng vẫn luôn là dòng sản phẩm mang hương vị truyền thống: kẹo đậu phộng, mè, hạt điều. Đây cũng là một trong những lợi thế để cơ sở cạnh tranh trên thị trường với quá nhiều thương hiệu bánh kẹo lớn, rất chuyên nghiệp trong tổ chức mạng lưới bán hàng. “Một cơ sở nhỏ vẫn có thể xây dựng được thương hiệu lớn. Nhiều năm liền, kẹo Yến Nhung được người tiêu dùng tin tưởng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao, vào các hệ thống siêu thị đều nhờ uy tín chất lượng. Tự bản thân người sản xuất phải tuân thủ những đòi hỏi khắt khe về chất lượng vì đây là nền tảng cho sự bền vững của một thương hiệu” - Ông Vàng chia sẻ.

Ông Châu Minh Nguyện, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết, Đồng Nai hiện đang có nhiều sản phẩm đặc sản nhưng chưa tổ chức được đầu ra ổn định. Thời gian qua, sở đã triển khai nhiều chương trình kết nối giữa nông dân, DN với các nhà phân phối chuyên nghiệp. Qua đó, sở hỗ trợ cho các cơ sở, DN sản xuất xây dựng thương hiệu, phát triển, mở rộng thị trường.

Bình Nguyên

 

 

             

.

           

Tin xem nhiều