Báo Đồng Nai điện tử
En

Siết mua bán vàng miếng: Thị trường im ắng

10:01, 13/01/2013

Qua 3 ngày siết hoạt động mua bán vàng miếng theo Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng của Chính phủ, thị trường vẫn chưa có nhiều biến động. Nhiều tiệm vàng ngưng hẳn hoạt động này, và tại các điểm bán được phép giao dịch, nhu cầu cũng không tăng.

Qua 3 ngày siết hoạt động mua bán vàng miếng theo Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng của Chính phủ, thị trường vẫn chưa có nhiều biến động. Nhiều tiệm vàng ngưng hẳn hoạt động này, và tại các điểm bán được phép giao dịch, nhu cầu cũng không tăng.

Vàng miếng hiện chỉ còn được giao dịch ở các điểm mua bán hợp pháp do Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Trong ảnh: Vàng miếng tại cửa hàng PNJ (đường 30-4, TP. Biên Hòa).
Vàng miếng hiện chỉ còn được giao dịch ở các điểm mua bán hợp pháp do Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Trong ảnh: Vàng miếng tại cửa hàng PNJ (đường 30-4, TP. Biên Hòa).

Hiện tại, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, toàn tỉnh chỉ có 51 điểm giao dịch được phép mua bán vàng miếng, trong đó có 49 điểm trực thuộc 12 ngân hàng (NH) thương mại. Hai điểm còn lại là của Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ).

* Cầu không cao

Các NH hiện đã có báo cáo cho NHNN chi nhánh Đồng Nai về việc triển khai bán vàng miếng trên địa bàn có thể kể đến là: Eximbank, Sacombank, Phương Nam, HDBank, Việt Á… Kiểm tra sơ bộ ngày 10-1 của NHNN chi nhánh Đồng Nai cho thấy, tất cả các điểm giao dịch thuộc các NH được phép mua bán vàng miếng đều chuẩn bị đầy đủ nhân sự, trang thiết bị và bắt đầu giao dịch. Tuy nhiên, số lượng khách hàng vẫn ổn định như ngày thường, hầu như không tăng. Ông Huỳnh Lê Tuấn Kiệt, Giám đốc NH Á Châu (ACB) chi nhánh Đồng Nai cho biết, trong mấy ngày đầu khi hoạt động mua bán vàng miếng trên thị trường bị siết chặt, nhu cầu mua vàng tại các điểm giao dịch của ACB vẫn bình thường. Theo đó, mỗi ngày chi nhánh bán ra khoảng 15-20 lượng vàng, tính trên cả 10 điểm giao dịch. Lượng vàng mua vào cũng tương đương.

Sẽ không siết vàng trang sức

Trước thông tin NHNN sắp tới sẽ siết chặt hoạt động mua bán vàng trang sức, sau vàng miếng, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối khẳng định trên website chính thức của NHNN là sẽ không “siết” kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ. Tuy nhiên, theo Nghị định 24 thì khi kinh doanh loại hàng hóa này, người kinh doanh phải đăng ký dưới hình thức doanh nghiệp. Khi đó, doanh nghiệp phải xuất hóa đơn, chứng minh nguồn gốc trong giao dịch mua bán. Nhờ đó, nhà nước thu được thuế, người dân không mua phải loại hàng hóa không rõ nguồn gốc. Trang web chính thức của NHNN cũng cho biết hiện hoạt động giao dịch mua bán vàng miếng theo Nghị định 24 tại hệ thống kinh doanh của 22 ngân hàng thương mại và 16 doanh nghiệp diễn ra theo đúng dự liệu của NHNN với 2,5 ngàn điểm giao dịch tại 63 tỉnh, thành.

Tương tự, chị Quyên, quản lý cửa hàng vàng bạc trang sức PNJ (thuộc Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận) - một trong 2 đại lý chính thức được phép mua bán vàng miếng của PNJ tại Đồng Nai - nhận xét, nhu cầu mua vàng miếng vẫn thấp dù các cửa hàng bên ngoài đã ngưng giao dịch. Doanh thu hàng ngày của cửa hàng chủ yếu vẫn đến từ vàng trang sức. “Lượng cung ứng vàng miếng SJC hiện tại không cao, chủ yếu do cầu giảm cả tháng nay. Tuy nhiên, khi khách hàng cần mua số lượng lớn, chúng tôi sẵn sàng đáp ứng tận nhà” - chị Quyên cho biết. Nguyên nhân khiến lượng người mua không tăng dù mạng lưới cung ứng đã thu hẹp lại, theo giới kinh doanh vàng, là do hiện tại đang rơi vào mùa thấp điểm, đa số người dân cần tiền mặt, thay vì mua vàng tích trữ.

* Nông thôn khó mua vàng miếng

Theo quy định của Nghị định 24 quản lý kinh doanh vàng, ngoài các NH, hiện chỉ còn vài doanh nghiệp lớn, như: SJC, PNJ, SBJ, DOJI... được tiếp tục duy trì mua bán vàng miếng. Các đơn vị khác đều phải ngưng. Chính vì vậy, mạng lưới phân phối vàng miếng phụ thuộc vào mạng lưới phòng giao dịch của các NH. Thực tế, hầu hết các NH có trong danh mục được phép mua bán mặt hàng đặc biệt này tại Đồng Nai là các NH thương mại có mạng lưới hẹp.

Các tiệm vàng hiện tại chỉ còn bán vàng trang sức. Để phục vụ nhu cầu tích trữ vàng, một số cửa hàng chuyển sang sản xuất nhẫn trơn, song sức mua không cao. Ảnh: V.Lâm
Các tiệm vàng hiện tại chỉ còn bán vàng trang sức. Để phục vụ nhu cầu tích trữ vàng, một số cửa hàng chuyển sang sản xuất nhẫn trơn, song sức mua không cao. Ảnh: V.Lâm

Danh mục của NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai thể hiện, số điểm có thể cung ứng vàng miếng hợp pháp trong tỉnh là không nhiều và hầu hết chỉ tập trung tại TP. Biên Hòa và một vài điểm tại trung tâm TX.Long Khánh và vài huyện, như: Trảng Bom, Long Thành, Thống Nhất… Tại các huyện xa, như: Định Quán, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc… hầu như không có điểm giao dịch vàng miếng nào, bởi mạng lưới phòng giao dịch của các NH có chức năng mua bán vàng miếng chưa phủ sóng đến.

Trong khi đó, trên thực tế, nhu cầu mua vàng tích trữ của người dân nông thôn là rất lớn, do thiếu hẳn các kênh đầu tư tiền nhàn rỗi, như: chứng khoán, bất động sản... Mặt khác, mạng lưới giao dịch quá mỏng cũng mang lại nhiều phiền phức vì khi người dân cần bán vàng, ngoài cách mua bán lòng vòng lẫn nhau (hoạt động này cũng bị cấm) thì phải sang địa phương khác hoặc đến các đô thị mới có thể giao dịch được. Chị Phan Thị Hải, một tiểu thương ở xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) nói: “Nếu cất giữ vàng miếng được cho là hợp pháp, thì nên tạo điều kiện để người dân tiếp cận và mua bán dễ dàng. Bởi khi ốm đau, bệnh tật hoặc có việc dùng tiền mặt, người dân rất khó quy đổi vàng miếng thành tiền nếu ở địa phương không có điểm giao dịch nào, rất bất tiện”.

Tiệm vàng phải xin cấp phép lại trước tháng 5-2013

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có trên 400 tiệm vàng nhỏ lẻ. Từ sau khi hoạt động mua bán vàng miếng khép lại thì các tiệm vàng này chỉ chuyên mua bán kinh doanh vàng trang sức. Ngoài ra, chưa có đơn vị nào đủ điều kiện để nộp đơn xin cấp phép sản xuất và mua bán vàng miếng. Theo Nghị định 24, các tiệm vàng có gia công trang sức sẽ phải đăng ký kinh doanh lại với Sở Kế hoạch - đầu tư, đồng thời xin “giấy phép con” của NHNN nhằm hoàn tất thủ tục chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức theo quy định mới trước ngày 24-5-2013. Được biết, Thông tư 16 hướng dẫn thực hiện Nghị định 24 có hướng dẫn chung về điều kiện cấp lại giấy phép, bao gồm: đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vàng; quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp địa điểm kinh doanh; bản kê khai về cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

K.N

 

Vi Lâm

 

 

Tin xem nhiều